Vào trung tuần tháng 7 năm 1999, ông Lê Hữu Mục cựu giáo sư đại học văn khoa Huế và Sài Gòn, từ Montréal bên Canada sang New Orleans nói chuyện về sứ điệp Nguyễn Du cho tuổi trẻ bây giờ. Ông là một nhà ngữ học nổi tiếng, đặc biệt với cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, và cũng là một tiếng nói về chữ Nôm có thế giá vào bậc nhất hiện nay.

Tôi cứ nghĩ văn chương truyện Kiều là để ngâm nga “mua vui một vài trống canh” lúc trà dư tửu hậu, chứ đâu ngờ lại chuyên chở một bản tin thời điểm nóng hổi có chất xúc tác chí khí tuổi trẻ, nhất là người trẻ ly hương đang chới với chẳng biết đâu nguồn cội giữa một xã hội chao đảo mịt mù chẳng khác thời Nguyễn Du này.

TRỒNG NGƯỜI CẦN MỘT TRĂM NĂM

Thành phần tham dự buổi nói chuyện của giáo sư Lê Hữu Mục gồm một số những người tuổi “mùa thu lá bay” xa rừng nên dễ thương cây nhớ cội, một số người tuổi “mùa hè cầy cuốc” đầu tắt mặt tối, và đặc biệt là một số ít bạn trẻ búp xuân chớm nở bên xứ siêu cường này mà vốn liếng tiếng Việt cũng như hiểu biết về nét văn hóa Việt có vẻ rất “ăn đong”. Như vậy là ba thế hệ với một đề tài, có điểm nào gặp gỡ không, hay trống đánh xuôi kèn thổi ngược? Diễn giả đã trên 70 tuổi, nói chuyện về tuổi trẻ với tuổi trẻ mà người trẻ tham dự chẳng bao nhiêu thì có phải là một điều mâu thuẫn và vô ích không?!

Không đâu. Công tác làm văn hóa cần chất lượng và kiên trì hơn là con số đếm hay thành quả trước mắt. Trồng cây là kế hoạch của mười năm; trồng người phải cần một trăm năm cơ mà. Và như lời giới thiệu của ký giả lão thành Nguyễn Trọng: “Làm thầy thuốc mà chữa sai một người thì chỉ giết người đó thôi, làm văn hóa mà sai thì giết cả một thế hệ.” Tôi muốn góp thêm: chẳng phải chỉ giết một thế hệ đâu! Ai cũng thấy hậu quả nơi nước mình rồi: đời tổ, đời ông, đời bố mẹ, và đời mình; mấy thế hệ đã bị giết chết hay bị vùi giập chôn sống?!

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Những điều trông thấy đã làm Nguyễn Du cũng như nhiều người đương thời đau đớn lòng như vậy, huống chi là bao nhiêu điều không trông thấy! Tống Nho vào thời điểm này đã xuống dốc, vì bị nặn thành khí cụ đắc lực phục vụ và củng cố thể chế cai trị, kềm hãm người dân vào một hệ thống độc tôn “khuôn vàng thước ngọc, đỉnh cao trí tuệ” một chiều và cứng nhắc đã lạc hậu mất chất sinh động. Mọi lối suy tư và đường hướng khác đều bị loại trừ, vì có thể là mối đe dọa cho quyền bính. Thậm chí vào năm 1663, Trịnh Tạc đã ra lệnh cho Phạm Công Tứ soạn 47 điều giáo hóa triều Lê, trong đó chính thức kết án đạo Phật (Thích), đạo Lão (Đạo) và đạo Chúa (tức Phi-kinh):

Còn như Thích, Đạo, Phi-kinh
Lời tà mối lạ, tập tành chuyện ngoa.

Trong bầu khí đó, Nguyễn Du đã gióng lên tiếng nói khai phóng mở lối cho thế hệ trẻ có thể vượt ra khỏi cảnh tù túng cái gì cũng vay mượn của Tàu, mà phải phát triển được nét giầu mạnh đúng điệu của dân mình, nét đẹp tinh túy và tinh thần tự do trong trách nhiệm, và mở lối tới vùng tâm linh là câu trả lời cho mọi thăng trầm trớ trêu của cuộc sống. Truyện nàng Kiều như một điển hình, dù có bị vùi giập mấy, nét đẹp vẫn còn đó; dù có bị đọa đầy cùng tận, tâm hồn vẫn có thể triển nở phong phú trong niềm tin tưởng rất kiên vững vào đạo Trời của người mình.

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

THỜI ĐIỂM THẰNG BÉ ĐÁNH GIẦY GIẦU CÓ

Tuần này tình cờ được xem cuộc phỏng vấn Tony Bùi đạo diễn phim Ba Mùa (Three Seasons) nổi tiếng trên đài truyền hình VBN (Vietnamese Broadcasting Network), tôi lấy làm sửng sốt không ngờ Tony Bùi chẳng những còn quá trẻ, mới 26 tuổi, mà lại mang kiểu cách như một anh “Mỹ con”. Đạo diễn một phim về Việt Nam quá thành công với ba giải thưởng của đại hội điện ảnh Sundance mà tóc thì để dài bỏ đuôi gà, nói tiếng Việt thì ngòng ngọng. Được hỏi yếu tố nào đã ảnh hưởng anh làm được một phim mang đầy nét văn hóa đẹp và giầu của tâm hồn Việt như vậy, thì anh cho biết ngay là do chuyến về Việt Nam thăm quê. Anh được ngoại và các cậu các dì chỉ cho biết nhiều điều mà trước đây không hề biết. Hình ảnh nàng Kiều của Nguyễn Du không ngờ lại cũng chính là cô Lan hay cô Kiến An đang hát bài ca dao chuyển nhựa sống vào mạch máu dân mình trong phim Ba Mùa.

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Thì ra trong đám đông người trẻ mà mình cứ sợ mất gốc, vẫn có những tâm hồn nhậy cảm khám phá và chuyển diễn được nét đẹp và giầu của người mình bằng những kiến thức tân tiến và phương tiện truyền thông thời mới thật mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng sâu xa.

Dịp vừa qua tôi được nghe kể chuyện khác về một cô bác sĩ rất trẻ ở đây vừa tốt nghiệp. Cô sinh trưởng tại Mỹ, lần đầu tiên theo bố mẹ về Việt Nam. Cô cũng là một loại “Mỹ con” nên nhìn mọi nét Việt bằng ống kính Mỹ, rằng dân mình nghèo quá, lợt tức thấp quá v.v. Nhưng một hôm cô đã bị một chuyện bất ngờ xẩy ra gây ấn tượng mạnh và mở ra một nhãn quan mới. Cô đang ngồi ăn ở tiệm thì có một đứa bé đến xin đánh giầy. Mà giầy của cô là loại thể thao màu trắng thì đánh ở cái khổ nào?! Nghĩ gì không biết, nó bèn đi kiếm một ống kem trắng đưa đến nhưng cũng vẫn bị cô ta từ chối vì thấy rõ là không phải cách. Thấy tội nghiệp đứa bé, cô ta rút một ít tiền cho nó. Nhưng cô đã hết sức kinh ngạc thấy thằng bé không nhận tiền mà tỏ vẻ tức giận vất ống kem xuống lề đường rồi bỏ đi. Lần đầu tiên cô ta hiểu ra thế nào là giầu, thế nào là nghèo. Thằng bé không muốn ai phải thương hại nó cả. Nó chỉ muốn nhận đồng tiền do chính công sức nó làm ra. Không ngờ mà thằng bé đánh giầy lại có thể giầu đến như vậy. Qua cảm nghiệm trực tiếp này, cô nhìn ra được nét đẹp phong phú của tâm hồn Việt Nam, không thể đo được bằng đồng tiền.

TIN VUI GỬI NHỮNG HẠT CẢI

Nhiều điều trông thấy thời Nguyễn Du cũng như thời nay đều đau đớn lòng cả. Những dây xích sắt của thể chế xã hội bây giờ vẫn trá hình thành khuôn vàng thước ngọc độc đoán trói ghì kềm hãm đà bước. Chả lẽ mình cứ lo than trách hay buông xuôi! Trường hợp Tony Bùi hay cô bác sĩ trẻ trên đây không phải là họa hiếm nơi thế hệ trẻ. Chất máu Việt vẫn đun đẩy, đợi có dịp thì những hạt cải mới nẩy mầm. Vì thế, tạo được cơ hội vẫn là niềm tin tưởng của những người trồng cây cũng như trồng người, miễn là phải kiên trì và dám bắt đầu. Ngồi mà bàn chuyện lớn thì đã quá nhiều người làm rồi. Mẹ Têrêsa ở Calcutta cũng chỉ bắt đầu bằng những việc nhỏ bé như hạt cải thôi, thế mà sức lan nhanh và mạnh lạ lùng, cả thế giới núp được bóng mát tình thương. Mẹ bảo: làm những việc nhỏ bé với tình yêu rộng lớn, đó là tất cả bí quyết của các nữ tu dòng Bác Ái của Mẹ, phát khởi từ bí quyết của Đức Giêsu:

“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” (Mt 13:31-32)

Đức Giêsu đã thiết lập đạo Chúa phát triển rộng lớn như ngày nay không bằng những bản cương lĩnh hay chương trình lớn, mà bằng phương thức hạt cải. Chỉ mười hai hạt thôi. Mười hai môn đệ ban đầu thì tính tình khác nhau, thành phần xã hội khác nhau, làm sao mà nên chuyện được?! Vậy mà mười hai hạt cải đã mọc thành cây, cành lá tỏa rộng ra khắp thế giới. Chỉ cần tạo dịp và để giờ kiên trì đào luyện.

Vậy thì tại sao mình không bắt đầu ngay từ hôm nay nhỉ? Bắt đầu gieo một hạt cải. Gặp người bạn trẻ nào, mình sẽ tích cực gieo vào tâm trí họ một hạt cải niềm tin, một hạt cải ủ mầm nét đẹp và giầu của dân mình, và của cuộc đời. Mình cứ kiên trì làm thế, và trong thị kiến, những cành cây đang tỏa rộng, một đàn chim Việt đang tíu tít vang lên bài hát như lời thơ Cao Tần:

Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ.
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc đất trời anh đã thở.

Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau