Phóng viên Báo điện tử Gia đình Việt Nam đã tới Đan Viện Thiên An ở Huế và gặp đan sĩ-linh mục Phanxicô Xaviê Trần Văn An. Cuộc đời linh mục là một hành trình đầy thử thách, gian nan; đầy sự phấn đấu, lòng nhân từ và hồng ân.

Sinh ra trong gia đình giàu có ở giáo xứ Cầu Rầm (Vinh, Nghệ An), chàng trai Trần Văn An ngày ấy rất khôi ngô và hào hoa. 17 tuổi, Trần Văn An bắt đầu con đường ăn chơi, sa đọa. Học hết cấp 3, cha mẹ cho theo nghề kim hoàn, Trần Văn An trở nên giàu có nhờ buôn bán vàng và đồ cổ. Nhưng chẳng mấy chốc, anh tiêu sạch tiền và sa vào cờ bạc, rượu chè, ma túy. Hết tiền, Trần Văn An quay sang ăn cắp tiền của gia đình và nhiều người, tham gia băng nhóm xã hội đen, đánh lộn, ăn cắp và hút chích để rồi sa chân vào vòng lao lý, bắt đầu những tháng ngày tù tội khổ đau. Từ một thanh niên có tương lai xán lạn, thành người ăn chơi sa đọa rồi một tù nhân, Trần Văn An còn bị thêm cú sốc khi người yêu “sang ngang”. Tuyệt vọng đến tận cùng, được tha về, anh vẫn chứng nào tật nấy, ngựa theo đường cũ, chẳng bao lâu lại dính vào nghiện ngập.

Chúng tôi hỏi cơ duyên nào khiến Trần Văn An quyết tâm từ bỏ con đường nghiện ngập và trở nên công chính, linh mục trả lời, rằng từ tình thương bao la của mẹ lay động lòng trời.

Khi đang lén lút hút thuốc phiện tại nhà, Trần Văn An bị mẹ phát hiện. Ngước mắt nhìn người mẹ yêu dấu khổ đau, sốc đến tận cùng, anh như bị sét đánh. Từ nội tâm như bật lên tiếng nói, thúc giục anh trở về với mẹ, phải sống tốt để tạ ơn mẹ. Cũng từ đó, trong anh có một quyết tâm lớn là làm lại cuộc đời, anh chạy đến Thánh Địa La Vang (Quảng Trị) nguyện cầu với Mẹ Maria, cầu nguyện Chúa cho anh đủ sức vượt qua cám dỗ của ma túy.

Năm 1992, chính bố ruột gửi Trần Văn An đến ở cùng một cha xứ. Hai năm sau, Trần Văn An gia nhập Đan Viện Thiên An và trở thành Đan sĩ dòng Biển Đức của đạo Thiên Chúa Giáo. Kể từ đó, Trần Văn An dành cả cuộc đời linh mục, đan sĩ của mình để cầu nguyện, giúp đỡ, chia sẻ và mang niềm hy vọng cho biết bao nhiêu người lầm lỡ muốn trở về con đường thiện. Vị linh mục nói: “Chúa đã yêu thương tôi và cứu chữa tôi. Vì thế tôi cố gắng làm một việc gì đó hữu ích cho người nghèo, bệnh nhân và người tội lỗi”.

Tôi hỏi: viết rõ quá khứ như vậy liệu có gì phiền không? Linh mục cười, nói rằng đây là sự thật và khi nói về sự thật cuộc đời mình thì mình đang hòa giải với chính mình đã; mình thấy thanh thản và cũng là để cảm tạ những ơn lành ban cho mình. Hơn nữa nếu sự thật này mà chia sẻ được với bao thanh niên lỡ lầm cùng cảnh ngộ với thời trai trẻ của mình thì nên nói, vì câu chuyện này thêm sức mạnh, thêm niềm tin và hy vọng cho họ.

Dự án phát huy sức mạnh nội tâm…

Có một thanh niên tên Q., quê ở Hà Tĩnh, là người đã sống ngoài vòng pháp luật hơn 10 năm chỉ vì trong một bữa tiệc lời qua tiếng lại, dùng dao đâm chết bạn đồng hương rồi bỏ trốn. Người thanh niên này đã đến nhờ linh mục Trần Văn An giúp. Trước thái độ ăn năn của Q, linh mục đã chia sẻ, giúp đỡ, hướng dẫn Q tĩnh tâm, thống hối để nhận ra lỗi lầm của mình và khuyên Q ra đầu thú để nhận được khoan hồng của pháp luật.

Trong bức thư gửi Linh Mục Trần An, Q. tâm sự “Thưa Cha, con Linh mục Trần An (2008)    cám ơn Cha nhiều lắm, nhờ Cha mà giờ đây con sắp được vào tù. Con cảm thấy bình an hạnh phúc lắm, bởi tuy thân xác con ở tù nhưng lương tâm con lại được tự do giải phóng”.

Còn rất nhiều, rất nhiều người khác nữa từ thanh niên đến người lớn tuổi, từ người công giáo đến người ngoài công giáo đã nhận được sự giúp đỡ tận tâm của Linh mục Trần An.

Thấy phương pháp dưỡng tâm, hướng dẫn người nghiện ma túy tĩnh tâm bằng thiền, bằng cầu nguyện để tìm ra ý nghĩa đích thực của sự sống…có kết quả rất tốt, tôi hỏi Linh mục sao không nhân rộng ra. Lm cho biết đã vận động được một số bà con giúp đỡ và đang xin chính quyền các cấp cho phép mở “Ngôi nhà tĩnh tâm, hướng thiện”. Đây là dự án từ thiện về giáo dục hướng thiện, giúp đỡ, dạy nghề…để người nghiện tìm ra sức mạnh nội tâm mà chiến thắng ma túy.           

Lê Thành

Bài trước Bài sau