Tin Vui Phục Sinh 3B – THỜI ĐIỂM ĐÀN SÂU RƯỚC KIỆU

O-Nami là một võ sĩ người Nhật sống vào đầu thời Minh Trị Thiên Hoàng.  Anh ta rất giỏi và khỏe, có thể thắng cả thầy mình khi đấu riêng tư.  Nhưng khi đấu chung ở nơi công cộng thì đôi khi thua cả học trò.  Điều đó làm O-Nami xấu hổ vô cùng.  Không hiểu được lý do của tình trạng này, O-Nami đã tìm đến gặp thầy Hakuin để nói về nỗi khổ tâm của mình và xin cao kiến.

Nghe O-Nami kể lể xong, thầy Hakuin nói ngay: “Tên anh là O-Nami, có nghĩa là Sóng Lớn.  Vậy tối nay anh hãy ở lại đây, để giờ yên tĩnh hình dung mình đang là con sóng lớn đó.  Anh sẽ là một võ sĩ không ai thắng nổi.  Anh đang là con sóng khổng lồ lùa quét mọi vật trước mặt.  Hãy làm như thế, và anh sẽ là một tay vô địch trên trái đất này”.

Tối hôm đó, O-Nami bắt đầu ngồi tịnh niệm hình dung mình đang là một con sóng lớn.  Rồi từ từ cảm giác đó như bừng lên từ bên trong thành những con sóng càng lúc càng mãnh liệt.  Đêm càng khuya, sóng cành lớn, quét sạch những bình hoa trong phòng.  Ngay cả những tượng ảnh cũng bị nước tràn ngập.  Trước khi trời sáng, ngôi đền chỉ còn là một cơn thủy triều dâng lên trong biển cả mênh mông.

Sáng hôm sau, Hakuin thấy O-Nami còn đang ngồi tịnh niệm, trên mặt anh ta thoáng nhẹ một nụ cười.  Hakuin đập nhẹ vào vai O-Nami:  “Bây giờ thì không còn gì có thể cản trở anh được nữa.  Anh là con sóng đó.  Anh sẽ quét sạch mọi sự”.

LOÀI SÂU CÓ THÓI THEO NHAU

Niềm tin chính là con mắt nhìn tạo ra sức mạnh, tìm lại sinh khí. Nhưng nhiều khi mình lại không được khôn ngoan như thế, mà cứ nhắm mắt để cho đám đông chế ngự sai khiến mình kiểu ai sao tôi dzậy.

Chuyện kể về một người làm vườn để ý quan sát loài sâu thường có thói quen theo nhau triệt để. Ông thử để một ít mầm cây non ở giữa sọt và thả từng con riêng rẽ vào thì thế nào chúng cũng nhào vô được mục tiêu ăn một cách ngon lành hả hê. Một lần kia người làm vườn nẩy ra một ý tưởng mới là thử xếp nhiều con sâu thành hàng, đầu con này nối vào đuôi con kia cứ thế thành một vòng tròn kín bao quanh vành sọt có nhiều mầm cây non để ở giữa. Lạ lắm, chúng bắt đầu thói theo nhau, đứa trước đi đâu đứa sau theo đó, thành một đoàn rước kiệu rất ư  ngoạn mục. Mà trong cái vòng này thì đứa nào xem ra cũng nghĩ mình đang cố theo đứa trước, chứ đâu ngờ đứa sau lại cũng đang theo đuôi mình. Lạ hơn nữa, chúng cứ tiếp tục theo nhau đi vòng quanh miệng sọt cả mấy ngày rồi nhiều con lăn ra chết đói mà không một con nào dám phá hàng nhào vào đống mồi ở giữa chỉ cách vài gang tay. Người ta cứ tưởng bản năng sinh tồn mạnh nhất, chứ ai đâu ngờ bản năng được “người khác” chấp nhận còn mạnh hơn.

Thì ra trong máu mỗi người đều có sẵn một nỗi sợ. Nỗi sợ cứ nối tiếp nhau làm nên một vòng lẩn quẩn như kiểu nói cho vui là: đàn bà sợ chuột, chuột sợ mèo, mèo sợ chó, chó sợ đàn ông, đàn ông sợ đàn bà, đàn bà sợ chuột… cứ thế, cứ thế. Nói cho văn vẻ ra thì bảo đó là cái vòng hệ lụy nghiệt ngã… Thực ra thì cái vòng này nhiều khi lại do chính mình tạo ra, nên cứ phải theo như thế cho đến đói lả thì lăn ra chết mà không sao làm khác hơn được. Hai ông bà nguyên tổ sau khi ăn trái cấm thì đã bắt đầu biết sợ nên phải lấy lá che. Ấy cũng là do bản năng sợ người khác thấy được sự thật về mình thì sẽ chối từ không chấp nhận nữa! Vậy muốn làm một nhạc trưởng đúng nghĩa thì phải quay lưng lại đám đông là khán giả.

BỖNG NHẬN RA PHÉP LẠ

Những lễ nghi mùa Chay và Tuần Thánh đã qua đi. Tôi cũng có thể đã tham dự như một thói quen, theo đám đông, cũng có thể cũng đã đi “rước kiệu” một cách nào đó. Nhưng việc “xếp hàng” đó có thể chưa dẫn tới niềm xác tín cá nhân có sức tác động tôi, chưa thành một động lực gây phấn chấn tinh thần và làm thay đổi toàn diện con người tôi khiến tôi có thể vẫn đói lả.

Giờ đây tôi thử ngồi định tâm, tin chắc và thấy rõ Chúa Kitô phục sinh đang hiện ra ban tràn trề sức sống. Phép lạ đây rồi, còn phải tìm đâu xa. Tất cả sinh lực đất trời đang thông chuyển sang tôi. Trong những ngày này tôi có thể thao luyện như O-Nami được rồi đây.  Khoa tâm lý ngày nay đã khảo sát và chứng minh được những nguyên tắc căn bản để luyện nội lực bằng một cách vốn từng nói tới trong các tôn giáo: đó là lòng tin. Bỗng thấy được phép lạ do lòng tin.

Quả thật, lòng tin vào Chúa Kitô phục sinh đang ở trong tôi thì không gì mà không làm được như cảm nghiệm của Thánh Phaolô:  “Tôi có thể làm được mọi sự trong Chúa là sức mạnh cho tôi” (Phil 4:13).  Chuyện Chúa sống lại không còn là một câu chuyện lịch sử đã xẩy ra xa xưa, mà là câu chuyện đang xẩy ra lúc này.  Tôi hãy ngồi tĩnh niệm và bước vào cõi tin:  thấy rõ Chúa đang hiện ra với tôi, từ trong đáy mồ thẳm sâu tâm hồn.  Ánh sáng của ngài chói lòa lan tỏa khắp cơ thể tôi, từng thớ thịt, từng mạch máu.  Đó là giây phút hút hồn mà thánh Phaolô đã quả quyết:  “Bí mật đã giấu kín từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nay tôi loan báo cho anh em, là Đức Kitô ở trong lòng anh em” (Col 1:27). Còn phải đợi đi xem phép lạ Chúa hiện ra ở mãi đâu. Ngài đang đứng trước mặt tôi đây bằng xương bằng thịt, ngài tỏ dấu thân tình, cùng ăn uống với tôi và đang nói: “Bình an cho con. Thầy đây, đừng sợ” (Luca 24:35).

Cảm nghiệm được Chúa Kitô đang ở với mình, thánh Phêrô đã có thể làm phép lạ chữa một người què đang ăn xin ở cửa thành:  “Tôi không có vàng cũng không có bạc.  Nhưng tôi có cái này cho anh, là nhân danh Đức Kitô, anh hãy đứng dậy”.  Người què đã đứng dậy chạy nhẩy tung tăng làm mọi người sửng sốt hỏi xem mấy ông tông đồ dùng phù phép gì vậy!  Nên Thánh Phêrô đã phải lên tiếng ngay:  “Các người tưởng tôi có tài năng gì hay do lòng đạo đức nào mà chữa lành người này sao?  Đó chỉ vì nhờ danh Đức Kitô…”

TIN VUI KHƠI MẠCH SINH KHÍ

Cuốn  “Nhìn với Con Mắt của Tâm (Seeing with the Mind’s Eye) của Mike và Nancy Samuels, đã chứng minh sức mạnh của niềm tin qua hình ảnh trong đời sống.  Người ta nhìn cuộc sống với một hình ảnh đã sẵn trong mắt như một lăng kính để đánh giá mọi sự.  Hình ảnh này gọi là “self-image”, tức là hình ảnh về chính mình phóng chiếu ra cuộc sống. O-Nami giữ hình ảnh mình là Sóng Lớn nên trở thành sóng lớn thật, chứ không còn để cho đám đông đánh giá về mình nữa.  Đúng là niềm tin đã khơi mạch sinh khí. Người Việt vẫn nghĩ mình là con cháu Tiên Rồng.  Nhưng thực ra đó mới là truyện nói cho vui chứ chưa phải là niềm xác tín giữ được hình ảnh đó trong mắt, trở thành hiện thân của hình ảnh đó để xử sự hành động. Thành ra câu ca dao:

Trứng Rồng lại nở ra Rồng
Chim Tiên lại đẻ ra dòng chim Tiên.

Rất có thể cứ bị một hình ảnh khác làm phản lại mất tự tín:

Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Nhân loại đang bước vào thiên kỷ 3 với những khắc khoải không rõ mình là ai cả. Người tưởng mình là khỉ thì hành vi cử chỉ, của mình sẽ dần dần giống khỉ.  Người nghĩ mình là con vật kinh tế thì trước sau gì cũng chỉ luẩn quẩn chôm chỉa giành giật những nhu cầu bản năng như súc vật. Ở xã hội văn minh Âu Mỹ thì hình như sức ép của đám đông càng mạnh hơn, nhiều khi mình không cưỡng lại nổi, sợ mình sẽ chẳng giống ai! Người ta nói tới sức ép của bạn bè, của đà trớn, thì cũng giống như đàn sâu đang rước kiệu đó thôi.

PHÚT CẢM NHẬN

Hội Thánh Công Giáo chuẩn bị ba năm cho Thời Điểm 2000. Hình ảnh mẫu để bước theo và trở thành cho năm 1997 là chính Đức Giêsu Kitô, không phải như một khuôn mặt xưa cũ cách đây 2000 năm, mà đang thực sự sống động như khẩu hiệu của Năm Thánh: Chúa Kitô hôm qua, hôm nay, và ngày mai. Chỉ là một Chúa vẫn đang hiện diện với đầy sức sống phục sinh.

Lạy Chúa, con tin và thấy rõ Chúa đã sống lại và đang ở trong con và con ở trong Chúa, như lời Kinh Thánh: “Trong Người chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Tông Đồ công Vụ 17:28), và như Thánh Phaolô cảm nghiệm: “Tôi sống, không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi” (Galata 2:20).

Trích “Khúc Sáo Ân Tình” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau