Tin Vui 33B – Thời Điểm Hẹn Ai Nhé Năm 2000 Sẽ

Giữa tháng 11 năm 1997, hãng điện thoại vào loại lớn nhất của Mỹ là MCI bán cho WorldCom 37 tỷ tiền Mỹ, hợp chung lại thành hãng MCI WorldCom, mạnh lắm. Tháng trước đây, ngân hàng lớn vùng New Orleans là First National Bank of Commerce bán cho Banc One để hợp lại trở thành ngân hàng bá chủ trong miền. Tiệm bán thực phẩm đang chạy là Superstore lại đi bán cho anh chàng khổng lồ Schwegmann. Những hãng nhỏ hợp lại thành hãng lớn đã trở thành như một hiện tượng về kinh tế trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Và chắc chắn đây cũng là điềm thời đại: biên giới của những xé lẻ đang bị xóa đi nhường chỗ cho những nối kết rộng hơn trong một nhãn quan mới.

CÁI THẤY CỦA CON KIẾN

Quan sát một con kiến đang bò trên mặt một tờ giấy: nó đang ra sức bò từ đầu này sang đầu kia. Thấy nó bò như vậy vừa hết trang giấy thì mình liền nẩy ra ý tưởng vui vui là thử gấp tờ giấy lại xem sao. Con kiến lấy làm lạ là nó lại gặp lại chỗ nó đã khởi hành. Nét mặt nó xem chừng “đăm chiêu” đang cố tạo ra “triết thuyết chủ nghĩa” xã hội hay hiện sinh gì đây để làm đỉnh cao trí tuệ loài kiến!

Đối với con kiến thì thế giới của nó là cái mặt phẳng hai chiều: chiều ngang và chiều dọc. Nó không thể hiểu và thấy được chiều kích thứ ba gọi là không gian: chiều đứng. Vì đối với nó thì mặt phẳng đù là chiều đứng cũng chỉ là mặt phẳng hai chiều, và “thế gian” chỉ vỏn vẹn trong tầm mắt trên tờ giấy. Nếu có người bỏ một miếng mỡ nhỏ vào trên mặt giấy thì nó khoái trá mò đến kiếm ăn, nhưng nó không thể “hiểu” từ đâu tới. Đối với nó, việc miếng mỡ nhỏ “hiện ra” trên mặt giấy là một phép lạ. Hình ảnh này cũng giúp hiểu một điều xem ra rất mâu thuẫn trong đạo là việc tin Chúa ở khắp mọi nơi “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” và việc Chúa hiện ra. Chúa vẫn ở đây chứ, nhưng chỉ thấy Chúa “hiện ra” thực khi nhìn với con mắt trong một chiều kích cao hơn mắt con kiến, tức là con mắt của chiều thứ tư.

CÁI THẤY CỦA KHOA HỌC THỜI CẬN ĐẠI

Quả thực, Newton và Descartes đã ghi mốc cho một nền văn minh gọi là khoa học kỹ thuật từ Âu Châu tiến đến tột đỉnh ở Mỹ như ngày nay. Sự vật được nhìn như những “thực thể” tách rời biệt lập, để được đo lường cân lượng, để trở thành những kết luận, những định luật, định lý.

Cái nhìn và cái thấy mới được gọi là “văn minh” này  có thể diễn tả đơn giản là con kiến trước đây chỉ biết bò trên mặt phẳng, bây giờ biết bò trong một cái hộp vuông có chiều đứng, gọi là chiều không gian. Nó liền vênh mặt lên tự hào đã bá chủ được “vũ trụ”. Cho đến một hôm nó cố gắng mò mẫm lên được mặt trăng, chưa kịp gáy để khoe mẽ thì bỗng dưng cụt hứng khi nhìn về trái đất và thấy một sự thật khác: tất cả những đo lường, những dinh thự chọc trời, những “sự nghiệp vĩ đại” ở dưới trái đất kia sao mà nhỏ bé li ti thế !  Rồi nhìn ra chung quanh: vũ trụ bát ngát bao la. Con người bằng ấy năm “văn minh” mà sao lệt bệt quá vậy? Cứ tưởng tượng xem: văn minh gì mà cứ phải bò lết trên mặt đường bằng những phương tiện mà loài người gọi là xe hơi, dù là xe láng hay xe tàn. “Con kiến” người như vừa thức tỉnh vượt lên khỏi cảnh “ếch ngồi đáy giếng”  với một cái nhìn mới trong một chiều kích mới.

Tổng thống Vavlav Havel của Tiệp Khắc quả là đã nhìn thấy điềm thời đại khi nói: “thời đại mới bắt đầu bằng việc khám phá ra đất Mỹ thì cũng sẽ chấm dứt tại đất Mỹ. Đó là năm 1969 khi người Mỹ lên được mặt trăng lần đầu…”

Mà đúng vậy. Lần đầu tiên vượt cái nhìn ra khỏi hộp vuông, con người bỗng thấy một chiều kích mới. Cái mà mình vẫn gọi là cái tôi không chỉ bị giam hãm trong cái bị đầy thịt xương như thân xác của mình lúc này, mà đang cố thoát mọc cánh vươn lên một cách vất vả. Thì ra chưa bao giờ con người cảm thấy nhỏ bé và yếu hèn như trong thời đại văn minh kỹ thuật này. Nhiều khi thua cả con vật, thua cả máy móc. Con người tự tạo ra cho mình như vậy để tự hành hạ đầy ải mình khi tự nhốt giam mình vào trong một hộp vuông vật chất, tách rời khỏi nguồn sống tinh thần.

HẸN AI NHÉ NĂM 2000 SẼ…

Thế kỷ 20 được ghi dấu bằng hai chủ nghĩa kình chống nhau: chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xã hội. Nhưng tựu trung ra thì chủ nghĩa xã hội của Karl Marx cũng chỉ là một hình thái cực đoan của chủ nghĩa cá nhân mà thôi. Vì cũng chỉ là một bọn người nắm quyền sinh sát coi đại chúng là “những con vật kinh tế” để nhằm đạt mục tiêu duy lợi cho nhóm mình. Cả hai tranh nhau miếng mồi để ăn. Chúa tể là cái dạ dầy. Cả hai đều bị giam hãm trong những túi thịt bầy nhầy duy vật như những con vật, không sao thoát lên làm người được, vì thiếu chiều kích tâm linh. Vào ngàn năm mới, con người đang mở ra một nhãn quan mới. Cũng là một cuộc trở về với nhân vị đích thực của mình, trở về với sự giàu có của cõi tâm. Nhạc sĩ Phạm Duy đã gióng lên viễn kiến này trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000:

Hẹn em nhé! Năm 2000 sẽ
Hai bên cửa hé, cho anh trở về.
Từ ngày đi, theo cuộc tỉnh mê
Trăm năm nhỏ bé, trăm năm bộn bề…
Nào ngờ đâu trong cuộc được thua
Trăm năm vật vã trăm năm hận thù…

Khoa vật lý mới nhất đang hé mở ra một cái nhìn mới và một cái thấy mới. Từ Max Planck, Albert Einstein đến David Bohm, trời-đất-người không còn là những thực thể tách biệt nhau, mà chỉ là một sinh lực duy nhất (unified field), và theo ngôn ngữ của bác sĩ Deepak Chopra, giám đốc viện quốc gia nghiên cứu chữa bệnh bằng hòa nhập vào sinh lực đất trời (quantum healing) thì mọi trật tự lạ lùng đều do “Đấng Toàn Tri” điều khiển. Mọi vật và ngay cả thân xác con người cứ tưởng là những thể đặc tách rời nhau, nhưng khoa vật lý lượng tử (quantum physics), dịch thoát là vật lý vũ trụ nhất thể, cho thấy chỉ là những phân tử năng lượng nhảy múa trong biển lực mênh mông. Phân tử là yếu tố nhỏ nhất gọi là hiện hữu làm nên nguyên tử nhưng không thể thấy được. Cái lạ lùng là tất cả xem ra lung tung rối loạn thì đang qui hướng có mục đích, như cái nhìn của nhà khoa học và thần học Teilhard de Chardin: tất cả đang nhảy múa hướng tới một đích điểm như một ca đoàn trong bài ca vũ trụ “hymn of the universe”. Chính cái lực này, cái sức sống duy nhất mà ta gọi là tâm linh này đang là yếu tố chữa được nhiều bệnh ung thư như bác sĩ Chopra chứng nghiệm qua chương trình “quantum healing” của ông. Đó chính là lực Thần Linh Chúa nối kết và chữa trị mọi sự xem ra rời rã để điều hướng “qui tụ thâu về trong một mối”.

TIN VUI MÙA GẶT MỚI 

Thấy gì bên kia cửa tử trong những trường hợp những người chết rồi bỗng sống lại, đang là một đề tài khảo cứu rất ăn khách. Bà Betty Eadie trong cuốn “Được Ánh Sáng Ấp Ủ”  tự thuật lại chuyện đã thấy gì khi chết đi 4 tiếng đồng hồ: Tôi thấy những người tôi xúc phạm cũng là chính tôi, và những người tôi giúp đỡ cũng là chính tôi. Điều mà đạo sống Việt gọi là “thương người như thể thương thân”, vũ trụ nhất thể; và đạo Chúa gọi là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Vì thế mà Đức Kitô đã dạy yêu người như chính mình.

Tại sao điều xấu lại xảy ra cho những người tốt? Đó là tựa đề cuốn sách bán chạy “best seller” trong nhiều năm của Kushner. Cũng giống như cỏ lùng vô tích sự lại mọc lẫn trong ruộng lúa tốt. Người bi quan thì hỏi: thế Chúa đã không gieo giống tốt trong ruộng mình sao; thế Chúa đã không dựng nên mọi sự tốt đẹp sao?! Nhưng Chúa thì lại bảo cứ để vậy cho đến mùa gặt rồi sẽ phân định.

Mùa gặt là ngày sau hết của một đời người, lúc mà con người biết nhìn với con mắt của chiều thứ tư, vượt khỏi giới hạn của không gian và thời gian, vượt bờ sinh tử. Qua những khảo cứu về trường hợp những người chết rồi bỗng sống lại, khi chết rồi, tất cả cuộc sống của mình đã qua bỗng diễn ra sống động trong nháy mắt ngay trước mặt. Ngôn ngữ trong đạo Chúa gọi là ngày phán xét.

Trong “Được Ánh Sáng Biến Đổi” của Melvin Morse thì Olaf thấy: “đang trôi trong vũ trụ vô bờ bến… Vũ trụ như những bọt xa bông đang qui về trọng tâm theo một hình thái phức tạp, nhưng tôi hiểu được trọn vẹn, thấy được mọi sự đều có nghĩa… cảm thụ được toàn thể vũ trụ…” (trang 12-13). Hàn Mặc Tử cũng đã được khả năng lạ lùng này, là thấy mọi trắng đen đỏ vàng, trầm bổng cuộc đời không phải là những mảnh vỡ vô nghĩa hay những cù lao trôi nổi phi lí, mà đều qui tụ thâu về trong một mối, mang trọn ý nghĩa trong một chương trình mầu nhiệm như lời Kinh Thánh:

“Chúng ta biết rằng mọi sự đều đi liền với nhau sinh ích cho những ai được Chúa yêu thương, tức là những người được Chúa kêu gọi theo chương trình của Người”
(Rm 8,28).

Lạy Chúa Trời là Nguồn Sống đời con. Con tin rằng đời con đang đi về một hướng rõ rệt. Mọi chuyện buồn vui đắng ngọt đời con nhiều khi phi lí cũng như những màu sắc trắng đen đỏ vàng xem ra rời rạc, nhưng khi được nối kết lại thì thành cầu vồng rực rỡ. Biết nhìn như vậy, con sẽ được khai mở con mắt của tâm như Hàn Mặc Tử thấy được những kỳ lạ của mùa gặt đời con:

Những cù lao trôi nổi chốn mênh mang
Sẽ qui tụ thâu về trong một mối
Và tư tưởng không bao giờ chắp nối
Là vì sao? Vì sợ kém thiêng liêng.
Trí vô cùng lan nghĩ rộng vô biên
Cắt nghĩa hết những anh hoa huyền bí.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Nguồn: chungnhanduckito.net

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau