Tin Vui 22B – THỜI ĐIỂM NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI
Đám cưới hoàng tử Charles, con của nữ hoàng Elizabeth nước Anh với Diana ngày 29 tháng 7 năm 1981 thật huy hoàng, chắc vào loại tốn phí và oai nhất lịch sử. Nhiều người còn nhớ đám cưới hôm đó với đoàn rước xe ngựa rất dài từ lâu đài nữ hoàng tiến vào nhà thờ chính tòa Anh Giáo. Lễ nghi trang trọng hết mức. Vậy mà đã tan vỡ sau 15 năm. Em của hoàng tử Charles là Andrew lại cũng đã li dị với Sarah Ferguson, và em gái là Ann cũng đã li dị với Mark Philips. Thêm nữa, em gái của nữ hoàng là Margaret lị dị với Lord Snowdon.
Chuyện li dị đã trở thành cái dịch của văn minh Âu Mỹ, đi vào tận nhiều gia đình, kể cả hoàng gia. Người ta tìm gì trong việc lập gia đình? Tìm xây dựng tình yêu hạnh phúc hay tìm hưởng thụ một đối vật, để khi đã tàn phai nhạt nhẽo thì lại phải thay đối tượng khác chẳng khác gì đi thay bộ quần áo mới cho hợp thời trang. Có người thay tới cả bẩy tám lần cỡ như ngôi sao màn bạc Liz Taylor, trong đó có anh chồng cưới lại lần thứ hai, vì thấy cũng còn sài được hơn những thứ khác!
Người Việt vốn có truyền thống văn hóa chung thủy cắn răng chịu đựng hy sinh quên mình để tìm xây tổ ấm yêu thương, nhưng nay bị vất vào một cái ống thì không còn tròn trĩnh như khi còn ở trong bầu tròn nữa. Một số người cũng được nhiễm cái tâm thức tranh đấu quyền hưởng thụ trên đời nên dễ cắt bớt những ràng buộc xem ra lỉnh kỉnh trong gia đình để mà được thêm tự do bay nhẩy. Nhân danh tình yêu để theo nhau, mê nhau, lấy nhau. Đám cưới cũng sang trọng tốn phí chẳng kém ai. Rồi cũng nhân danh tình yêu để chán nhau, đánh nhau, bỏ nhau. Rồi lại hăm hở đi tìm tình yêu. Không một bài hát nào mà không ít nhiều nói tới tình yêu. Tiểu thuyết, sách vở, Ti Vi nói nhiều về tình yêu. Như vậy tình yêu là gì để mà đi tìm hay đánh mất? Cơn khát tình làm sao mà ít người thấy được thỏa lòng nhưng chỉ thấy nước mắt vật vã hành hạ nhau?
NÓI VỚI GIỚI TRẺ VỀ CƠN KHÁT TÌNH
Ngày Giới Trẻ Thế Giới XII đã khai diễn tại Paris từ ngày 19 đến ngày 24 tháng 8 năm 1997. Trong tất cả những u ám về tình yêu và gia đình, ngay trước ngày Giới Trẻ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói lên ý hướng: “tham dự những biến cố ngày Giới Trẻ ở Paris xong, người trẻ phải trở về quê hương mình như những sứ giả đem lại hy vọng và như những chứng nhân tình yêu…”. Và Ngài đã gửi thông điệp cho giới trẻ thế giới về cái cốt lõi của tình yêu mà nhiều người đang khát tìm:
“Hỡi các người trẻ của toàn thế giới, các con có thể gặp gỡ Thiên Chúa trên mọi nẻo đường trong cuộc sống hằng ngày! Các con có nhớ rằng các tông đồ xưa đã vội vã đi đến bờ sông Jordan để lắng nghe vị tiên tri cuối cùng trong các vị đại tiên tri, đó là Duy-An (Gioan) Tẩy Giả. Ông đã chỉ cho họ thấy Giêsu Nazareth, như là một Đấng Cứu Thế , con chiên Thiên Chúa. Vì tò mò, họ quyết định bước theo Ngài trong một khoảng cách ở đàng sau. Họ hầu như mắc cỡ và ngại ngùng cho tới khi Chúa Giêsu quay lại và hỏi: “Các anh đang tìm gì đó?” . Đó là giây phút mở đầu cho buổi đối thoại đầu tiên dẫn đưa ông An-Di, Duy-An, Simon “Phêrô” và các vị tông đồ khác vào một cuộc phiêu lưu mới (Gioan 1:29-51).
Qua vài chữ nhưng đầy đủ nói lên cuộc gặp gỡ thực sự và đầy bất ngờ, chúng ta tìm thấy nguồn gốc của mỗi cuộc hành trình trong đức tin. Đó là Chúa Giêsu luôn mở đầu câu chuyện mỗi khi chúng ta muốn gặp Ngài. Câu hỏi được hỏi ngược lại: là những người muốn hỏi Ngài, chúng ta lại được hỏi; là những người đi tìm kiếm, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được tìm kiếm. Thật vậy Ngài luôn yêu thương chúng ta trước (Thư I Gioan 4:10). Đây là chiều kích căn bản của cuộc gặp gỡ: chúng ta không tìm cái gì nhưng chúng ta tìm một người, “Đấng đang sống”. Người tín hữu không phải là môn đệ của một hệ thống triết lý nào đó, nhưng họ là những người nam người nữ qua đức tin đã cảm nghiệm được sự gặp gỡ Chúa Kitô (Thư I Gioan 1:1).
Chúng ta đang sống trong một thời đại với nhiều đổi thay: sự suy đồi mau chóng của những ý hệ đã từng được coi là bền vững, lâu dài, vượt thời gian và những cuộc phiêu lưu mở rộng biên giới đến các hành tinh khác. Nhân loại nhiều khi cảm thấy bất ổn, điên cuồng và lo âu (Mt 9:36). Tuy nhiên Lời Chúa không bao giờ suy giảm; qua lịch sử và các biến cố đổi thay Lời Chúa vẫn bền vững và sáng soi (Mt 24:35). Đức Tin của Giáo hội đặt nền tảng trên Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc trần gian hôm qua hôm nay và mãi mãi (Heb 13:8). Điều đó cho thấy Chúa Kitô là điểm chuẩn cho câu trả lời mọi vấn đề phát xuất tự lòng người khi phải đối diện với mầu nhiệm sự chết và sự sống. Thực vậy chỉ có Chúa Kitô mới có thể là câu trả lời không bao giờ làm nản chí hay thất vọng bất cứ ai. Khi Cha nhớ lại những lần nói chuyện trước với các con. Qua đó Cha đã cảm nghiệm được niềm vui lúc chia sẻ cùng chúng con về những bước hành trình tông đồ trên khắp mọi nẻo đường thế giới; hình như Cha đọc được nơi tư tưởng các con một cái gì cấp bách vô cùng quan trọng, một câu hỏi mà các tông đồ xưa đã hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đang ở đâu?” . Các con hãy thử xem các con có thể lắng nghe lại trong thinh lặng của lúc cầu nguyện về câu trả lời của Chúa Giêsu “Hãy đến mà xem”.
TIN VUI THỎA TÌNH
Có nhiều loại tình yêu: tình trai gái, tình vợ chồng, tình gia đình, tình bè bạn, tình quê hương… nhưng tất cả đều qui về một tình yêu là Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa mới là tình yêu đích thực, mọi cơn khát tình ngoài Chúa đều đưa đến tan hoang đổ vỡ. Tình yêu chỉ sung mãn khi nối được vào nguồn tình Chúa, khi tìm gặp được Chúa Kitô trong cảm nghiệm tình yêu trong cuộc sống hằng ngày.
Như vậy Tin Vui chính là chỉ cho phương cách tìm lại được thỏa tình trong cơn khát tình khủng khiếp trong nếp sống xé mảnh cô đơn hiện tại, vượt qua mọi phương cách con người: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người. Vì các người bỏ qua các giới răn Thiên Chúa để nắm giữ tập tục loài người”. (Mc 7: 6-8)
Mọi phương pháp tâm lý, mọi phân tích xã hội, mọi cuộc bàn cãi hay tập tục trần thế, sẽ chẳng giải quyết gì cho đến khi con người trúng Tình Chúa, đi trong con đường giới răn Chúa. Đó mới là con đường tình yêu. Cuộc khủng hoảng tan vỡ gia đình có lý do sâu xa là chỉ còn đóng kín vị kỷ, đặt nền trên sức mạnh trần thế mà không còn mở rộng được tới tình yêu đích thật là chính Chúa. Tình yêu như ánh sáng mầu chiếu vào màn u tối, có sức thay đổi tất cả. Cũng trong thông điệp trên, Đức Thánh Cha chỉ cho cách mở rộng tình yêu ích kỷ đóng kín lại như ao nước tù dễ làm ủng thối, để mở rộng ra mà gặp được Chúa Kitô nơi những người nghèo, nơi dấn thân trần thế, tìm thấy lý tưởng phục vụ tha nhân, và nhất là gặp được Chúa qua chính Lời Ngài trong Kinh Thánh và trong bí tích Thánh Thể. Và để áp dụng phương thức tình yêu một cách cụ thể, Ngài nhắc tới một vị thánh trẻ của Hoa Hồng Tình Yêu:
“Vào ngày 30 tháng 9, 1997 kỷ niệm 100 năm ngày chết của Thánh Têrêsa thành Lisieux. Ngài là nhân vật lôi kéo rất nhiều người hành hương trẻ trong nước. Thánh Têrêsa là một vị thánh trẻ, và sứ điệp của Ngài hôm nay rất đơn giản và gợi cảm, tràn đầy lòng biết ơn và ngợi khen: Thiên Chúa là Tình Yêu; mỗi người được Thiên Chúa yêu thương, Ngài mong muốn được mọi người đón nhận và yêu thương lại. Hỡi các người trẻ của ngày hôm nay, đây là sứ điệp kêu gọi các con đón nhận và nói lớn lên cho những người đồng lứa: “Con người được Thiên Chúa yêu thương! Giáo hội có bổn phận loan truyền lời này cho nhân loại” (Người Tín Hữu Giáo Dân, #34)
Thánh Gioan Vianney là một linh mục ở một vùng quê miền Nam nước Pháp, mặt mày nhăn nheo, xấu xí, nhà thờ xứ Ars lại lát gạch nung đất và nhỏ hẹp; ghế quì thì xiêu vẹo cũ kỹ, ngài cũng dâng thánh lễ như mọi linh mục khác. Nhưng tại sao ai nấy lại chen chúc nhau đến dự thánh lễ của ngài? Thưa vì ngài dâng lễ hết sức sốt sắng, bơm chất tình Chúa vào từng công việc nhỏ bé thường ngày, làm cho mọi người đến gần cảm nhận được tình Chúa. Ngài đã chỉ cho mọi người gặp được Chúa Giêsu một cách đơn giản. Có lần chính ngài đã trả lời: “Người ta thấy Chúa Giêsu tế lễ trong cha: bí quyết lôi kéo mọi người đến với cha là ở chỗ đó”.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường