TIỆC NGON ĐÃ SẴN
Mục “An Hưởng Tuổi Vàng” do bác sĩ Nguyễn Ý Đức phụ trách trên báo Ngày Nay có nhiều chuyện dù người chưa cao tuổi đọc cũng đã thấy ham. Tâm lý người Mỹ sợ về già lắm. Về vườn đồng nghĩa với trở thành đồ bỏ, vậy mà lại được soi rọi thành thời gian “tuổi vàng” quí và đẹp nhất mới hay. Số đầu tháng 10 năm 1999 rất hấp dẫn: “Không có gì thú bằng khi về hưu, ta có thể làm những việc mà trước đó không có thì giờ cũng như hoàn cảnh để thực hiện. Đọc sách, học vẽ, học nhạc, viết lách, làm việc tự nguyện… nhất là đi du lịch đó đây… Cặp vợ chồng chưa già hẳn, nương nhau đi, lòng nhẹ nhàng, không lo nghĩ, không bận bịu, như đi vào những ngày trăng mật thuở xa xưa.”
THỜI ĐIỂM THÍCH ĐI HƯU SỚM
Ông Lâm Ngữ Đường trong “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” đã đề cập tới “lao động vinh quang” rất hài hước của loài người đành quên mất cả thú nhàn tản! “Khi xét loài người, điều lạ lùng nhất là cái quan niệm về sự làm việc và cái số lượng công việc mà loài người tự bắt mình phải làm. Vạn vật trong vũ trụ đều nhàn tản, duy có loài người là làm việc để sống. Con người bây giờ phải làm việc vì do những tấn bộ của văn minh, đời sống hóa ra phiền phức không tưởng tượng được: đủ các bổn phận trách nhiệm, lo âu, chướng ngại, tham vọng, do xã hội tạo ra cả. Trong khi tôi ngồi viết ở đây thì một con bồ câu lượn chung quanh gác chuông một giáo đường, ngay trước cửa sổ tôi, chẳng hề lo lắng rằng sẽ có gì để ăn không. Tôi nhận rằng bữa cơm của tôi phiền phức hơn bữa cơm của con bồ câu, và phải nhờ cả ngàn người làm việc, phải nhờ một hệ thống rất phức tạp về văn hóa, mậu dịch, vận chuyển, giao hàng, nấu nướng, tôi mới có được vài món ăn trong mỗi bữa… Và nếu một con thú rừng nào lạc vào một thành phố, mà lại nhận thấy được kiếp lao động khó nhọc của chúng ta thì tất nó sẽ hoài nghi và kinh ngạc lắm… Ôi! Nhân loại thông minh trí tuệ một cách kinh khủng! Tôi xin bái phục. Làm sao hiểu nổi cái văn minh nó bắt người ta làm việc cực khổ đến bạc đầu để kiếm ăn mà quên mất cái sự nghỉ ngơi.” Người Việt mình xem ra khôn hơn nhiều sắc dân. Ở vùng New Orleans có một hiện tượng là mấy người trên sáu mươi tuổi đã xin thôi việc ở sở để đi hưu. Họ bảo thực ra đâu phải là không làm việc nữa, nhưng đã có chút ít đồng ra đồng vào rồi thì dành thời giờ còn lại để làm cái gì hợp sở thích hơn, có ý nghĩa hơn, góp phần làm một cái gì cho cộng đồng, cho đời sống; công việc ở sở đằng đẵng bằng ấy năm bất đắc dĩ phải làm như một kế sinh nhai chứ mấy khi được thoải mái thảnh thơi. Đợi đến tuổi già run tay run chân mới về hưu thì chán lắm. Đi làm đầu tắt mặt tối chắt bóp từng đồng chỉ nghĩ dành đến tuổi già mới hưởng thì mâu thuẫn quá; lúc đó mới mua máy chụp thì còn giơ máy lên làm sao với bàn tay run rẩy như vậy! Mà nhiều khi có kịp hưởng đâu. Suốt đời chân lấm tay bùn rồi đùng một cái cũng lăn ra chết thôi!
TIN VUI TRÚNG XỔ SỐ
Rõ ràng bàn tiệc nhân sinh đã bày ra trước mặt ta rồi đấy, chỉ còn một vấn đề là ta có thèm ăn hay không. Sự sung túc của cuộc đời thì tràn ra hai bên đường đi. Điều quan trọng là có giờ mà nhìn ra hay không. Kỳ hè vừa qua tôi có dịp đi xem hai cuộc triển lãm: một về hội họa của Jim Gray, và một về nhiếp ảnh của Ken Jenkins. Cả hai đều sống ở Tennessee vùng rừng núi Smoky Mountains, và chỉ chụp hay vẽ những gì chung quanh nơi đang ở. Từ một chiếc lá rụng còn đọng hạt sương long lanh nằm cạnh bờ cỏ đến những con gấu đen chơi giỡn bên dòng suối Chimneys. Từng đường gân của cành cây vàng mùa thu hiện lên vẻ sinh động diễm kiều chứ không mang dấu vết mùa thu đã chết… đã chết rồi… cho chết luôn! Từng bông hoa dại nho nhỏ không tên được biểu diễn quần áo thời trang mang hấp lực không thể tả, chả coi những chiếc nhẫn kim cương mắc tiền hay những bộ đồ mang nhãn hiệu quí phái ra cái thá gì cả. Thế là tôi lại phải luyện thêm con mắt để biết nhìn. Có gì đâu, cũng một cảnh vật xem ra tầm thường mà sao mấy nhà nghệ sĩ nhìn ra và chụp bắt được vẻ hút hồn đầy chất sống như vậy. Chính con mắt làm cho họ ra giầu có, chụp trúng được xổ số độc đắc nơi bất cứ gì chung quanh. Lần này tôi sắm thêm bộ ống kính Leica để tập chụp hình lại, cũng học chụp bắt được nét trung thực của bàn tiệc sang trọng mà Chúa Trời Đất đang bày biện sẵn ra kia và mời gọi con người đến hưởng dùng. Tôi tập chụp bắt nguồn phú túc qua từng góc cạnh, tập khám phá ra nét trân quí sinh động đang nhảy múa trên từng cọng cỏ như kiểu Hàn Mặc Tử đã thấy “cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc”, tập vẽ bằng ánh sáng đậm nhạt tô màu cho từng cụm mây trôi lơ lửng trên trời hay ánh mắt ngơ ngác và sáng rực của con nai đang đi thong thả ở bờ rừng tưởng chừng như trần gian không thể có một trương mục về hưu nào có thể mua được vẻ an nhàn thảnh thơi ấy. Đó chính là Tin Vui “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình… Nhà vua sai đầy tớ đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quí vị đến dự tiệc cưới!” (Mt 22:2,4). Vậy mà nhiều người không đến ăn tiệc được vì không có giờ, vì bận quá: “kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn…” (Mt 22:5). Những người này đang lo xách theo máy điện toán notebook và điện thoại cầm tay để đau tim theo dõi thị trường chứng khoán lên xuống đột ngột; hoặc phải làm thêm giờ phụ trội cho có đủ tiền trả góp chiếc xe láng mới tậu để “gáy” đua với mấy tên bạn. Giờ đâu mà ngó mây trời. Ăn còn chẳng kịp nữa là. Tội nghiệp quá chứ! Thế là hóa ra người nghèo lại có nhiều cơ may hưởng được thú sống hơn. Lệnh của chủ tiệc là ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. Và phòng tiệc đã đầy nhanh chóng. Ai nấy ăn uống vui vẻ. Duy chỉ “có một người không mặc y phục lễ cưới” liền bị chủ ra lệnh tống cổ vào chỗ tối tăm, vì người này đúng thực là đã không mang được chiếc áo đốn ngộ, đã không biết mở mắt khám phá ra vẻ trân qúi và niềm sung sướng được tham dự buổi tiệc sang trọng tới cỡ này, mà mắt cứ tối lại tưởng là của trời ơi, không một mảy may kinh ngạc hào hứng, thân ở đây mà đầu để mãi đâu đâu. Thế là tự đóng bít lại vào chỗ tối tăm rồi còn gì! Như vậy, một người ngồi xe lăn cũng vẫn có thể hưởng được bàn tiệc sung túc này. Có lần sau khi đi giúp một khóa tĩnh tâm ở vùng St Petersburg bang Florida, tôi được mời đến thăm một người bị liệt hai chân. Trên đường đi tôi cứ nghĩ phải nói gì để an ủi một người “không may mắn” như vậy. Nhưng đến nơi thì tôi thấy ngược lại. Người đang ngồi trên xe lăn kia là một cô gái hơn hai mươi tuổi, bị liệt, nhưng nét mặt lại vui tươi xinh xắn không thể tả được, với nụ cười rạng rỡ như là hiện thân của chính niềm hạnh phúc. Sau vài câu chào hỏi, cô bắt đầu kể chuyện về những niềm vui được đi xe lăn đến thăm nhà thương hay những trại tù. Mỗi lần đi thăm như vậy, cô chỉ biết tặng một vài bài hát. Những bài hát đong đầy lời Tin Mừng. Và cô tặng những nụ cười nở tươi tin tưởng, qua chính con người của cô.
PHÚT CẢM NHẬN
Nghe cô hát trong niềm tin tưởng hạnh phúc, ai có thể giấu nổi niềm xúc động? Và tự nhiên tôi thấy thẹn vì được quá nhiều thứ mà có lẽ không hạnh phúc hơn cô ta! Và biết đâu mình mới là người “không may mắn” cần phải được chữa cho khỏi mắt. Và đây là bài hát cô tặng cho đời, bài hát do một linh mục sáng tác từ trong nhà tù, bài hát của niềm sung sướng được tham dự bàn tiệc tình yêu:
Ôi tình yêu Thiên Chúa quá bao la Con đâu dám kể lượng hải hà Con chỉ biết muôn đời mãi mãi hoan ca.
Ôi thánh ý Chúa quá cao vời Con đâu dám cưỡng lại ý Người Con nguyện quyết vui tươi vâng theo suốt đời.
– Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa? Phải chăng gông cùm gươm giáo, phải chăng đau khổ bệnh tật?
– Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa? Phải chăng thanh bình nắng ấm, phải chăng giông tố phũ phàng?
– Ai có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa? Phải chăng thân mình rách nát, phải chăng đói khát cơ hàn?
Trích từ tác phẩm “Khúc Sáo Ân Tình” của cố Lm.Dũng lạc Trần Cao Tường