TIA NẮNG BAN MAI NGẬP TRÀN MÍ MẮT
Ngày 17 tháng 8 năm 1998, ông Clinton đã phải ra đối chất với nhóm công tố Kenneth Starr và bồi thẩm đoàn về chuyện tai tiếng nọ nọ kia kia với Monica Lewinsky. Và ngay buổi tối ngày này, sau bảy tháng chối quanh, ông đã bất ngờ thú nhận trước công chúng Mỹ rằng mình “đã làm điều sai lỗi là có liên hệ ẩu với Lewinsky”. Ông bảo đây là chuyện sa xẩy cá nhân và ông hoàn toàn trách nhiệm; tổng thống cũng có đời tư chứ, xin đừng để mất quá nhiều thời giờ và tâm trí vào chuyện này, nhưng phải dành nghị lực cho những việc quan trọng hơn…
Báo chí cho biết mấy lời tuyên bố này do chính bà Clinton dọn sẵn theo chiến lược. Bà là một luật sư giỏi đã cùng với những cố vấn thượng thặng thấy rõ tâm lý người Mỹ là càng chối quanh và tìm cách che đậy sự thật như vụ Watergate của tổng thống Nixon xưa thì càng bị tấn công tới cùng; còn cứ nhận ngay đi cho rồi thì lại được xí xóa, vì đó là chuyện riêng tư cá nhân ai chả có lỗi, hơi đâu mà xía mũi vào làm gì. Dù tờ Newsweek với hình bìa ông Clinton thật thảm não, nhưng cũng cho biết kết quả thăm dò mới nhất của tờ báo là đa số dân Mỹ sẽ bỏ qua chuyện lạng quạng của ông tổng thống, lý do dễ hiểu là vì đang khi các nước trên thế giới gặp khó khăn về kinh tế thì đồng đô la vẫn khỏe re, ông vẫn đắc lực trong việc đi mở mang chợ búa bên Phi Châu và bên Tàu.
Cũng tội nghiệp thật! Khi ông Clinton anh dũng bước vào ngôi Nhà Trắng thì mái tóc còn tươi màu, nụ cười còn rạng rỡ, da dẻ còn trẻ trung, vậy mà qua hai nhiệm kỳ làm lớn, tóc ông đã bạc phơ, và khóe mắt đã đầy vết chân chim… Cái giá phải trả cho con đường danh lợi cong cong thật nghiệt ngã. Biết đâu được những đòn phép của cái gọi là siêu quyền lực ở phía đàng sau. Con gà nòi nào còn bảo còn sài được thì còn được tung hứng; mà không thì cứ liệu mà giờ hồn, chẳng chuyện này thì chuyện kia!
THỜI ĐIỂM VÉ NHẤT ĐI 2000
Dù sao thì ông Clinton cũng là biểu tượng của sĩ diện người Mỹ: giàu có và tư cách có cần đi với nhau không? Cái đầu của một nước với bao thuẫn che như vậy mà cũng còn ngắc ngoải thì xem ra chả có gì ở xã hội này có thể tự cho là không thể lung lay được nữa, giống như vụ tàu Titanic là một dấu chỉ của thời đại, nhất là vào lúc chuyển mình sang một ngàn năm mới. Khi hai toà đại sứ Mỹ bên Phi Châu bị bom nổ, cả một hệ thống nhà bị sập vùi theo bao sinh mạng chứ có phải xà này hay cột kia đâu!
Đêm 14 tháng 4 năm 1998, đúng 86 năm sau cái đêm hãi hùng của tàu Tatanic bị đắm, tôi đi xem phim này lần thứ hai. Hôm phim mới ra thì tôi đi xem lần đầu cho biết như mọi người vì đề tài rất ư hấp dẫn. Nhưng lần thứ hai thì tôi đi xem với một tâm tình khác: chính mình là một nhân vật đang có mặt trên con tàu lịch sử vượt lục địa cũ Âu Châu sang tân thế giới, vượt những ngày cuối cùng của thế kỷ này để vượt sang ngàn ngàn năm mới. John P. Eaton trong cuốn Titanic, Cuộc Hành Trình Qua Thời Gian (Titanic A Journey Through Time) đã bày tỏ: “Chúng ta có thể thấy phần nào chính chúng ta trong đám người đi chuyến tàu Titanic đó. Chúng ta có thể ở tầng trên, ở hầm máy… Thử nghĩ coi chúng ta đã hành động ra sao?”
Bây giờ thì người ta bắt đầu hiểu tại sao phim đã thành công vượt bậc. Ngoài những lý do thắng 11 giải Oscar về đạo diễn, về hình ảnh, kỹ thuật và nhạc đệm … phim Tatanic đúng là một biểu tượng, một điển hình cho con tàu của cả một nền văn minh mà nhân loại đang tậu sắm để bước lên vượt sang năm 2000.
Cuộc đắm tàu Titanic có thể là một diễn tả cuộc đắm tàu của con người vào cuối thế kỷ 20 với những tự mãn đang phải trả giá thật khắt khe đến thật bất ngờ khi cứ chắc rằng không thể đắm được. Trên mạng lưới điện toán về Titanic, một lời bình phẩm thật sâu sắc: “Đêm 14 tháng 4 năm 1912, vào lúc 11g40, chiếc tàu lớn nhất thế giới do tay loài người làm ra đã xô vào băng sơn ngay giữa Đại Tây Dương. Hai giờ bốn mươi phút sau, tàu chìm hoàn toàn. Thế giới Tây Phương cũng từ chuyện đó mà thay đổi mãi mãi. Đầu óc con người thay đổi. Lòng tự mãn tàn lụi. Cơ cấu và đẳng cấp xã hội thay đổi. Kỹ thuật trở thành mối hoài nghi. Con tàu Titanic đã bắt đầu cả chuỗi những biến cố mà kết luận chưa thể thấy được”.
TIN VUI ĐẸP NHẤT BÀN TAY XƯƠNG XẨU
Một công ty Mỹ và Thụy sĩ đang đóng lại con tàu Titanic và sẽ hạ thủy vào năm 2002. Âu đây cũng là dấu chỉ nữa, khi con người cần tìm một cách khác an toàn hơn để đi vào ngàn năm mới, tìm ra được một lối thoát trong cơn bị nhận chìm giữa những nhầy nhụa ngột ngạt bế tắc.
Tàu Titanic nói lên nhiều điều cho nếp sống văn minh hiện tại, cho thấy nhiều giá trị đảo ngược với những gì đang được cân đo bằng máy móc. Hình ảnh tương phản của lối sống thoải mái của anh chàng nghệ sĩ “tuy nghèo mà vui” Jack Dawson với cái cảnh gò bó lễ nghi kiểu cách thật tội nghiệp của đám nhà giầu trong khu vực hạng nhất. Có tiền cũng chưa chắc hưởng được cái thú ăn uống, vì cứ phải giữ phép: cười không được cười tự nhiên, áo phải chịt cổ lại và có đuôi nên cựa quậy thật khó khăn, tay chân phải để đúng chỗ, cầm xiên cầm muỗm phải theo bài bản… như Jack Dawson đã phải khổ sở chịu trận khi bỗng được quí nhân phò trợ mà được bất ngờ ngồi ăn chung với những người giàu sang.
Cái chết khủng khiếp của đa số khách trên tàu làm ta nghĩ sâu xa hơn về lẽ phù du của văn minh tiến bộ của đời người và biết coi trọng những giá trị tinh thần lâu nay bị quên lãng. Cũng như một con tàu vừa trẻ vừa đẹp khác là công nương Diana cũng bị đắm ở đường hầm Paris. Thì ra đây cũng là một dấu chỉ cho thấy những chuyển biến về hiện tượng tâm lý xã hội, khi con người bon chen vật chất biết nhìn ra giá trị tình yêu của cô Rose dám liều vượt qua những tù túng của nếp sống gò bó nhốt giam để tập bay ở đầu mũi tàu với Dawson đi tìm chân trời hạnh phúc. Cũng như người ta bắt đầu biết trân quí bàn tay xương xẩu nhăn nheo nhưng đầy ắp tình thương vỗ về với ánh mắt dịu hiền của Mẹ Teresa bên Calcutta.
Cứ tưởng có nhiều tiền là có được những bữa tiệc ngon lành sung sướng. Đâu ngờ chả còn giờ mà ăn, và cũng chẳng kịp ăn, như đa số người dân Âu Mỹ bây giờ. Ăn thì ăn tay cầm, vừa chạy vừa ăn để kịp đà sản xuất cho lợi tức gia tăng. Sống thì sống vội rướn theo đà kéo của kim đồng hồ, chả còn giờ mà thưởng thức một nụ cười, một miếng ngon. Cửa nhà hạnh phúc như bị đóng lại, xem ra càng ngày càng vượt xa tầm tay với. Chúa Giêsu đã thấy như vậy mà thức tỉnh mọi người:
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!”, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!” Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng ông sẽ đáp lại anh em: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” “Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. (Lc 13,25-30)
PHÚT TỊNH TÂM
Bàn tiệc nước Trời đang bày biện sẵn sàng, có cần phải đổi chác mua bán gì đâu. Nhiều chỗ trong Kinh Thánh Chúa đã nói rõ như vậy. Biết bao người từ đông chí tây, biết bao người nghèo hạng ba thấp cổ bé miệng biết hưởng được niềm vui cuộc sống giản đơn. Đó là vé được trao tặng để đi tàu sang ngàn năm mới. Sao mình chỉ mải mê đi tậu bò tậu ruộng, lo gia tăng trương mục ngân hàng, mà quên dành cho mình một ân huệ tối thiểu là tìm an bình thanh thản cho tâm hồn, khám phá ra nét trân quí và giầu có của tình người, và hưởng được niềm sung sướng của bàn tiệc cuộc đời mà Thiên Chúa đang trao tặng mỗi phút giây, như thi hào Tagore đã cảm nhận được qua mọi sự:
Ôi, Người yêu của lòng tôi đây rồi.
Tôi hiểu tình yêu của Người là ánh sáng nhảy múa trên lá cây,
là mây trời lang thang khắp không gian,
là ngọn gió thoảng qua vầng trán mát rượi.
Tia nắng ban mai ngập tràn mí mắt.
Phải rồi, đây là lời tâm sự Người gửi lòng tôi.
Từ cao mặt Người cúi xuống bắt gặp mắt tôi nhìn làm tim tôi rung chạm chân Người.
(Lời Dâng #59)
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường