Thứ Tư Tuần III – Mùa Thường Niên, 24/01/2024
Thánh Phanxicô Salêsiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh – Lễ nhớ
2Sm 7,4-17; Mc 4,1-20
DU MỤC VÀ ĐỊNH CƯ, ĐÂU LÀ ĐIỀU TỐT?
Suy Niệm:
Thánh Kinh thường ca tụng thời gian dân Do Thái đi trong sa mạc về đất hứa. Lý do chủ yếu là vì trong hành trình ấy, giữa “đồng không mông quạnh”, dân không còn biết bám vào đâu, chỉ còn biết tin tưởng nơi Chúa. Tiên tri Hôsê gọi thời gian ấy là lúc “lòng kề lòng, Thiên Chúa thủ thỉ với dân” (x. Hs 2,16)! Tuy nhiên, thời gian đó cũng không đẹp như mơ, bởi vì “ chúng là thứ người lòng một dạ hai” (Hs 10,2). Ngày xưa, người ta quan niệm vùng nào có thần đó, vì thế, dọc theo hành trình sa mạc đó, dân chúng cũng không ít lần thờ tự các thần linh khác để được phù trợ.
Chế độ quân chủ, ban đầu bị một số người phản kháng, nhưng rồi cuối cùng cũng đón nhận. Chính Thiên Chúa cũng hứa làm cho vương quyền của dòng họ Đavít được vững bền. Vậy thì, lối sống du mục hay định cư, điều nào thì tốt hơn cho đời sống của tín hữu?
Câu trả lời không phải là chọn một trong hai, nhưng điều cốt lõi của bất cứ lối sống nào, đó là biết bám rễ sâu nơi Thiên Chúa, biết đặt nền móng cuộc đời mình nơi Thiên Chúa. Các hạt lúa giống được gieo vãi, nếu không biết bám rễ sâu thì cũng chóng tàn úa hoặc không sinh ra nhiều hạt khác. Cách nói về các hạt rơi bên vệ đường, nơi sỏi đá hay nơi bụi gai đều diễn tả tình trạng không bám rễ sâu nơi Thiên Chúa.
Sự hời hợt hay tình trạng “nghiêng ngả” bất ổn định trong đời sống đạo làm cho tín hữu trở nên “lòng một dạ hai”! Muốn được bám rễ sâu, đặt nền móng vững chắc nơi Thiên Chúa, thì cần phải làm cho mọi chọn lựa trong đời sống đều dựa trên Tin Mừng, mọi dấn thân phải thực sự đến từ lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Thử ngồi ngẫm nghĩ lại xem: những bất ổn, bất an trong đời sống có phải đến từ tình trạng không bám rễ sâu nơi Thiên Chúa chăng?!
Giuse Nguyễn Trọng Sơn