Thứ Năm Tuần XIII – Mùa Thường Niên, 04/07/2024
ĐỐI DIỆN KHÁC BIỆT, VỚI SỰ THẬT

Lời Chúa: Am 7,10-17; Mt 9,1-8

Suy niệm: ĐỐI DIỆN KHÁC BIỆT, VỚI SỰ THẬT

Vua và dân chúng miền bắc là Israel đã rời xa đường lối của Đức Chúa, vì thế, Ngài đã gọi ông Amos là người chăn chiên ở miền nam là Giuđa đến để cảnh tỉnh họ, nhưng họ phản kháng! Ông Amos nói những điều quá sốc, khiến họ không chấp nhận được. Ông nói vua Gia-róp-am sẽ bị chết vì gươm, đất nước bị tàn phá, dân chúng sẽ bị lưu đày! Ngay cả vị tư tế ở đó là A-mát-gia cũng phản đối ông Amos, nhưng ông cũng sẽ bị đi đày và chết ở đó. Ông Amos tiên báo về việc xâm chiếm của đế quốc Assyria và sẽ xóa sổ nước Israel. Người ta không chấp nhận được những lời tiên báo đó, vì đó những tai họa không ai mong muốn. Vị tư tế muốn xua đuổi tiên tri vì ông mất lợi ích khi ông Amos “lấn sân” của ông.

Với Đức Giêsu, người đương thời, hay đúng hơn là những vị lãnh đạo, cũng từ khước, vì họ không thể thay đổi được suy nghĩ của mình. Trong câu chuyện Đức Giêsu chữa lành người bại liệt, Đức Giêsu muốn khẳng định một điều là Ngài có quyền tha tội, và đó là quyền năng của Thiên Chúa. Như vậy, Ngài chuẩn bị cho người ta nhận biết Ngài chính là Thiên Chúa. Một điều thật khó chấp nhận đối với người đương thời, nhất là đối với các vị lãnh đạo, vì họ cho là phạm thượng: “Người Do Thái đáp: Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” (Ga 10,33).

Người ta cảm thấy khó, hay có thể nói là vô cùng khó khăn để thay đổi suy nghĩ, thay đổi lối sống của mình. Một trong những l‎ý do là người ta không dám đối diện với sự thật, nhất là sự thật về chính mình. Người ta sợ khi đối diện với giới hạn, với thiếu sót của mình. Người ta sợ khi phải mất đi một điều gì đó và ra công bảo vệ cho bằng được. Người ta phản kháng những suy nghĩ khác, những cách sống khác, vì người ta cảm thấy mình bị tố cáo là sai lầm khi đối diện với những điều mới. Người ta muốn mình là người duy nhất đúng nên loại trừ những khác biệt, không chấp nhận chúng cùng tồn tại. Những thái độ ấy trở nên tệ hại khi chúng xuất hiện nơi người lãnh đạo, người lớn tuổi, người tu lâu năm, bởi vì sẽ sinh ra “những cuộc tàn sát”, những loại trừ, và nhất là cộng đoàn ấy sẽ trở nên già cỗi, không theo kịp Thánh Thần, không được đổi mới! Họ đang tự biến mình trở thành đồ cổ, đáng qu‎ý lắm, nhưng đã thuộc về quá khứ!

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau