Thứ Năm, 22.10.2020
Chia Rẽ Hay Chia Cắt

Lễ nhớ Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005), vị giáo hoàng thứ 264. Ngài là giáo hoàng người Ba Lan duy nhất cho đến nay. Ngài được coi là “Giáo hoàng của những kỷ lục”: kỷ lục đi xa, kỷ lục phong thánh, kỷ lục gặp gỡ, kỷ lục diễn văn… Ngài đã thi hành sứ vụ của mình với tinh thần truyền giáo không mệt mỏi, dồn mọi nỗ lực lo lắng việc mục vụ đối với Giáo hội và đức ái mục tử mở ra cho toàn thế giới.

Thứ Năm trong tuần XXIX Mùa Thường Niên

Ep 3,14-21 • Tv 32, 1-2. 4-5. 11-12. 18-19 • Lc 12,49-53

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.

Sống Lời Chúa:

“Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51).

Chia Rẽ Hay Chia Cắt

Chúa Giêsu có thực sự đến thế gian để mang sự chia rẽ không? Theo tiếng Hy Lạp, từ được thánh Luca dùng để nói về việc chia rẽ cũng được hiểu là sự chia cắt hay phân chia. Còn theo thánh sử Matthêu, Chúa Giêsu đến không phải để mang bình an nhưng để mang gươm giáo. Từ Hy Lạp dùng để chỉ gươm giáo cũng được hiểu là con dao nói chung, hay cụ thể hơn con dao mà các nhà phẫu thuật dùng. Con dao giải phẫu có chức năng cắt bỏ những gì là bất bình thường nơi cơ thể. Như vậy, cả Luca và Matthêu đều nhấn mạnh đến ý tưởng chia cắt hơn là chia rẽ.

Trong Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng mọi sự theo nguyên lý chia cắt. Ngài tạo ánh sáng bằng cách chia cắt nó từ bóng tối. Trong mối tương quan giữa người với người, nguyên lý chia cắt rất quan trọng. Người con trai chỉ có thể trở nên chính mình khi anh được chia cắt khỏi sự gắn bó thái quá với cha mình. Người con gái chỉ có thể trở nên chính mình khi cô được chia cắt khỏi mọi hoài bão mà người mẹ gán ghép. Sự chia cắt này phải bắt đầu từ gia đình vì chính trong gia đình mà chúng ta sống trong tình trạng lẫn lộn. Nhiều khi chúng ta nghĩ đó là hình ảnh của chính chúng ta nhưng thật ra đó chỉ là hình ảnh mà cha mẹ áp đặt nơi chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên chính mình, trở nên hữu thể duy nhất. Hơn thế, Ngài dựng chúng ta theo giống hình ảnh Ngài. Chính vì vậy, chúng ta cũng phải trở nên duy nhất giống Ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, AA

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở nên con người mà Ngài mong muốn.

Quyết tâm: Giúp mọi người trong gia đình phát triển nhân cách cá nhân.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau