Thứ Năm 17.11.2022
Sự Dửng Dưng Tôn Giáo

Thứ Năm Tuần XXXIII – Mùa Thường Niên

Thánh nữ Êlisabeth Hungari – Lễ nhớ

Kh 5,1-10 • Tv 149,1-2.3-4.5-6a và 9b (Đ. Kh 5,10) • Lc 19,41-44

 

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 18 tháng mười một 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

41 Khi ấy, Đức Giê-su đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, thì khóc thương 42 mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Sự Dửng Dưng Tôn Giáo

Đối với người Do Thái, Đền Thờ Giêrusalem là trung tâm điểm của toàn bộ đời sống con người. Bởi lẽ, Đền Thờ là nơi thánh thiêng, nơi cầu nguyện, tôn thờ Thiên Chúa và cũng là nơi con người gặp gỡ, hiệp thông với nhau.

Như mọi người Do Thái khác, Đức Giêsu yêu quý Đền Thờ Giêrusalem. Nên hằng năm, Người lên Đền Thờ để cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng Phúc Âm Luca hôm nay kể lại lần cuối cùng Chúa Giêsu lên Đền Thờ với một tâm trạng hoàn toàn khác. Người nhìn thấy thành Giêrusalem và thương khóc Đền Thờ. Người khóc vì thấy trước cảnh điêu tàn của thành Giêrusalem (vào năm 70) và cũng khóc vì sự cứng lòng tin của dân chúng ở đây. Họ đã không tin nhận Người là Đấng Cứu Độ, đúng như thánh Gioan nói: “Người đã đến nhà của mình nhưng người nhà đã không đón nhận” (Ga 1,11). Đó là thái độ hờ hững, dửng dưng tôn giáo!

Ngày hôm nay, Chúa vẫn viếng thăm mỗi người chúng ta và hiện diện trong từng hoàn cảnh sống, nơi mỗi người mà chúng ta gặp gỡ, nhưng chúng ta có nhận ra Người hay không? Chúng ta có sẵn sàng mở lòng đón nhận thời giờ ân sủng mà Chúa vẫn hằng tuôn đổ trên cuộc đời mỗi người chúng ta hay không? Hay chúng ta vẫn cứ thái độ dửng dưng tôn giáo và cứng lòng như những người Do Thái?

Thế giới hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống. Con người nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng như lịch sử đã minh chứng, nếu con người muốn xây dựng một thế giới mà không có Thiên Chúa, thì con người và thế giới ấy không chóng thì chầy cũng đi vào sự diệt vong. Bởi lẽ, chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng bền vững. Thế nên, cuộc hoán cải thường xuyên mà mỗi người cần làm là “hãy trở về với Chúa”. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Sống Lời Chúa: Trung thành đến với Chúa trong Thánh lễ và qua các bí tích.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau