Thứ Hai Tuần IX – Mùa Thường Niên, 03/06/2024
CON NGƯỜI THẦN THIÊNG VÀ CON NGƯỜI PHÀM TỤC
Thánh Carôlô Lwanga và các bạn, tử đạo (1885-1887) – Lễ nhớ
Lời Chúa: 2Pr 1,2-7; Mc 12,1-12
Suy niệm: CON NGƯỜI THẦN THIÊNG VÀ CON NGƯỜI PHÀM TỤC
Câu chuyện về những tá điền sát nhân khá quen thuộc với chúng ta và được trình bày trong cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm. Tuy nhiên mỗi Tin Mừng có vài nét nho nhỏ khác nhau, và điều đó cũng giúp chúng ta suy nghĩ. Tin Mừng Marcô cho thấy cư xử của những tá điền bội phản đối với những người được sai đến mang tính chất sỉ nhục: “Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục” (Mc 12,4). Tin Mừng Luca chỉ nói chung chung là họ hạ nhục người được sai đến (x. Lc 20,11). Việc đánh vào đầu mang tính sỉ nhục nặng nề và điều này sẽ được người ta làm cho Chúa Giêsu trong cuộc thương khó: “Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người” (Mt 27,30).
Thêm một chi tiết khác là Marcô gọi người con được ông chủ sai đến là: người “cuối cùng” (Mc 12,6). Có bản dịch từ này như là trạng từ (adverb) và có nghĩa là: sau cùng, ông chủ sai chính con mình… Nhưng trong bản Hy Lạp từ ấy là tính từ (adjective) bổ nghĩa cho danh từ “người con”. Như vậy, với việc Thiên Chúa sai chính Con Duy Nhất của Ngài đến với con người là đỉnh cao không thể hơn được nữa của tình thương Thiên Chúa, và Người Con này nói trọn vẹn lời của Thiên Chúa cho con người. Vậy, đứng trước sự trung thành trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, họ phải đối diện như thế nào?
Mỗi người có quyền có suy nghĩ và chọn lựa riêng. Điều ấy, nếu được thể hiện cách lương thiện thì chính Thiên Chúa cũng trân trọng. Tuy nhiên, quyền biểu lộ ý nghĩ cá nhân phải được thể hiện cách lương thiện, có nghĩa là với lòng thành, không tự lừa dối mình, không mưu mẹo. Mưu mẹo và bạo lực chỉ nhằm ăn cướp điều không thuộc về mình, như các tá điền bất lương kia. Và như vậy, sự biểu lộ ấy cũng phải mang tính chất tôn trọng người có ý kiến khác mình, không được sỉ nhục hay làm hại người khác!
Thái độ này cần được thể hiện ngay trong các sinh hoạt tôn giáo, bởi vì, như thư thứ hai Phêrô viết: Kitô hữu được cứu độ là thoát cảnh hư đốn để được thông phần bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1,4). Kitô hữu được thần hoá, như cách nói của thần học Đông Phương. Vì thế, cần tập sống theo tính chất thần thiêng nơi mình chứ không theo tính chất phàm trần của con người đam mê. Đó là phẩm giá của Kitô hữu được Chúa Kitô cứu độ.
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn