Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng

Thánh Gioan Kêty, Linh mục – Lễ nhớ

Ml 3,1-4.23-24 • Tv 24,4-5a.8-9.10 và 14 (Đ. Lc 21,28) • Lc 1,57-66

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 23 tháng mười hai 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Không Ai Cao Trọng Hơn Gioan Tẩy Giả

Gioan Tẩy Giả nổi bật như một tượng đài của Mùa Vọng. Chính Chúa Giêsu cũng ca ngợi: “Tôi nói thật với anh em, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11). Tại sao Gioan có sự cao trọng và được Chúa ca ngợi như thế? Đây là câu trả lời vì ba lý do sau:

  1. Vì một con người đặc biệt

Gioan Tẩy Giả là một con người được sinh ra trong một hoản cảnh đặc biệt; lớn lên ông sống một đời sống khiêm tốn, khắc khổ, và hy sinh; tất cả đời sống hoàn toàn trong sa mạc cho Thiên Chúa. Ông và các môn sinh đã can đảm đi ngược với trào lưu của con người thời đó là chạy theo sự dễ dãi, hưởng thụ và thế tục. Con người ông hội tụ những phẩm tính quý báu của một tiên tri.

      2. Vì sứ vụ đặc biệt

Gioan Tẩy Giả là một sứ giả, một tiên tri thu hút dân chúng. Ông xuất hiện như là tiếng kêu trong hoang địa “hãy dọn đường cho Chúa đến”. Ông rất nổi bật nên dân chúng tưởng là Đấng Cứu Thế, nhưng ông xác nhận là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông không rao giảng về mình, không tìm kiếm vinh quang cho mình. Ông chỉ rao giảng Đức Kitô cho dân chúng. Ông quả quyết: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Quả thật, Gioan Tẩy Giả vĩ đại vì sự khiêm tốn này.

     3. Vì cái chết đặc biệt

Có nhiều người rao giảng chân lý, nhưng có mấy người dám chết vì chân lý. Gioan Tẩy Giả dám nói sự thật và dám chết vì chân lý. Ông bị chặt đầu ở trong tù. Cái chết của ông là lời chứng hùng hồn nhất của một sự ngôn sứ đích thật. 

Bởi lẽ, tiêu chuẩn để lượng giá một ngôn sứ thật và ngôn sứ giả hệ tại ở điều này: Ngôn sứ thật là người dám nói sự thật vì lợi ích chung, dù phải chịu đau khổ và phải chết vì sự thật, trong khi ngôn sứ giả chỉ chạy theo thị hiếu người nghe, vì lợi ích bản thân và nhương bộ trước khó khăn thử thách.

Như thế, Gioan Tẩy Giả vẫn mãi là mẫu gương cho chúng ta về lối sống và cách thức rao giảng Tin Mừng cho con người hôm này. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Sống Lời Chúa: Mẫu gương thánh Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta can đảm trong đời sống đức tin và làm chứng trong đời thường.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau