Thứ Bảy 07.01.2023
Có Mẹ Hiệp Lành Mọi Sự Đều Tốt Đẹp
Thứ Bảy Tuần II Giáng Sinh
Thánh Raimunđô Penyafort, linh mục – Lễ nhớ
1 Ga 5,14-21 • Tv 149,1-2.3-4.5-6a và 9b (Đ. c.4a) • Ga 2,1-11
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan
1 Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Có Mẹ Hiệp Lành Mọi Sự Đều Tốt Đẹp
Thứ Bảy đầu tháng, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng kể về biến cố: nhờ Mẹ Maria, Chúa Giêsu đã làm dấu lạ hoá nước thành rượu để tỏ vinh quang của Người và giúp môn đệ tin Người.
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, rượu là biểu tượng của hoan lạc, cho trật tự mới đối với nước. Con số sáu là con số không hoàn hảo và là con số của sự khiếm khuyết. Trái lại, con số bảy là con số của sự tròn đầy và tròn hảo. Như thế, sáu chum nước lã như là biểu trưng của sự nhạt nhẽo và đầy khiếm khuyết nơi niềm vui thế trần đã được Chúa Giêsu biến thành sự nồng nàn, hoan lạc và trọn vẹn của niềm vui Nước Trời. Đồng thời, việc thiếu rượu trong khi tiệc còn dang dở, Chúa Giêsu Kitô biết trước và biết rõ và Người cần đến sự cộng tác của con người.
Thật tuyệt vời, Mẹ Maria là người môn đệ đầu tiên và gương mẫu trong việc cộng tác với Chúa. Mẹ không chỉ đến như một trong những khách mời dự tiệc cưới mà còn trở thành người trong cuộc, người nhà của gia chủ và của chúng ta trong mọi biến cố vui buồn cuộc sống.
Lm. Marcô Phạm Hải
Sống Lời Chúa: Năng mời Mẹ đến thăm gia đình bằng Kinh Mân Côi.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam