Thứ Ba Tuần XI – Mùa Thường Niên, 18/06/2024
THIÊN CHÚA SIÊU LÒNG!

Lời Chúa: 1V 21,17-29; Mt 5,43-48

Suy niệm: THIÊN CHÚA SIÊU LÒNG!

Đức Chúa đã phản ứng thật gay gắt trước tội ác của vua Akháp. Sau thời vua Salomôn, nước Do Thái bị phân chia thành hai, Israel phía bắc và Giuđa phía nam. Thời ông Akháp làm vua Israel (874-853 tcn), vua đã cưới bà vợ dân ngoại là Ideven, và đi theo bà này thờ thần Baal cùng kéo dân chúng theo, xây cho thần này một đền thờ, phát triển các tư tế cho thần này và tiêu diệt các tư tế của Đức Chúa, chỉ còn một mình Êlia là sống sót! Tội ác của vua Akháp quá lớn nên Đức Chúa sai ông Êlia đến nói với vua về một tương lai thê thảm: dòng dõi vua sẽ không còn được tiếp tục nữa, còn bà Ideven sẽ chết ngoài đồng và bị chó ăn thịt! Tuy nhiên, sau khi nghe ông Êlia nói thế, vua Akháp sám hối, ăn chay, khổ chế. Điều này khiến Đức Chúa hối tiếc và nói rằng các tai họa sẽ không ập xuống khi vua còn sống!

Đức Chúa lên án mạnh mẽ những tội ác về bất công và thờ thần tượng. Ngài thường xuyên sai các tiên tri đến để cảnh tỉnh và lên án những điều đó. Nhưng Đức Chúa lại là một vị Thiên Chúa rất dễ hối tiếc về những lời kết án và hay siêu lòng để không trừng phạt khi con người hối lỗi. Đức Giêsu, Đấng là dung nhan của lòng thương xót Thiên Chúa cũng thể hiện điều đó trong đời sống và trong giáo huấn của mình. Ngài dạy các môn đệ hãy tha thứ cho kẻ thù và khi làm như thế là họ trở nên hoàn thiện như Chúa Cha là Đấng giàu lòng thương xót đối với mọi người, dù họ lành hay dữ (x. Mt 5,48)!

Với trải nghiệm về những yếu đuối của bản thân, chúng ta vui mừng trước một vị Thiên Chúa hay siêu lòng để tha thứ rồi lại tha thứ hết lần này đến lần khác! Tuy nhiên, dường như chúng ta lại trở nên cứng cỏi trước sai lỗi của tha nhân và nhiều phen cứ nhớ mãi những lầm lỗi của họ! Đó là tình trạng thiếu thống nhất nơi con người. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn nội tại nơi con người, cho thấy con người muốn được tha thứ nhưng lại không có kinh nghiệm về sự tha thứ. Con người phạm tội nhưng lại không có kinh nghiệm về tội lỗi, nghĩa là ‎ý thức về tội lỗi và về sự yếu đuối của bản thân, đồng thời đón nhận sự tha thứ từ Thiên Chúa và từ người khác, nhưng điều ấy không biến đổi họ trở thành nhân ái và dễ tha thứ hơn! Đó là không có kinh nghiệm thực sự và sâu xa về tội lỗi!

Chỉ khi có kinh nghiệm thực sự và sâu xa về tội lỗi, Kitô hữu mới là môn đệ của Thầy Giêsu là Đấng đến để thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, mới là Kitô hữu thực sự vì đi theo giáo huấn của Đức Kitô; bằng không, những danh hiệu kia chỉ dừng lại ở bề ngoài!

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau