Thứ Ba, 05.05.2020 – Thắc Mắc Hay Bực Tức?
Tuần IV Mùa Phục Sinh
Cv 11,19-26 • Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7 • Ga 10, 22-30
Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa:
“Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ?” (Ga 10,24)
Thắc Mắc Hay Bực Tức?
Trở thành cớ vấp phạm là một việc không tốt, nó dễ làm người khác sa ngã. Chúa Giêsu cho đó là lỗi nghiêm trọng khi Người nói: “thà cột cối đá vào người gây cớ vấp phạm mà ném xuống biển còn hơn”. Tuy nhiên, có những trường hợp một người tốt hay việc tốt nhưng lại gây ra cớ cho chúng ta nghĩ xấu làm xấu. Khi đó, cớ vấp phạm nảy sinh từ bên trong tâm hồn, từ trái tim nhỏ nhen và ghen tương. Đây là trường hợp được cụ già Simêon tiên báo về sự thù ghét của người đời dành cho Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng.” (Lc 2,34-35).
Người Do Thái vây quanh Chúa Giêsu và tưởng như họ muốn được giải toả nghi vấn đã lâu: “Ông con để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ?”. Thật ra, mục đích họ đặt câu hỏi không phải để nhận được lời giải, nhưng để giải quyết sự ganh ghét xuất phát từ tâm địa đen tối: “ông còn để chúng tôi bực tức cho đến bao giờ”, – có thể diễn ý câu hỏi của họ như vậy. Sự ghen tương sẽ khiến con người trở nên độc ác. Người tốt hoặc những điều hay cũng trở thành cớ vấp phạm cho những người lòng dạ hẹp hòi.
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Lạy Chúa, xin tạo cho con một trái tim trong sạch.
Quyết tâm: Không làm những việc gây ra cớ vấp phạm cho người khác.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam