Thánh Lễ dẫn đưa tín hữu bước vào cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa
** Thánh Lễ là hành động phụng tự gồm phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Nó gồm nhiều cử chỉ ý nghĩa dẫn đưa tín hữu vào cuộc gặp gỡ yêu thương với Chúa Kitô, là Đấng đã nhập thể làm người, đã chết trên thập giá và đã sống lại vinh hiển để cứu chuộc nhân loại.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi gặp gỡ chung tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư hàng tuần hôm qua tại đại thính đường Phaolô VI.
Trong bài huấn dụ ngài đã giải thích đoạn sách Công Vụ chương 2 kể lại sinh hoạt của cộng đoàn kitô tiên khởi viết rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.
Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ.
Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.”
Giải thích các phần khác nhau của Thánh Lễ ĐTC nói:
Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, gắn liền với nhau một cách chặt chẽ làm thành một cử chỉ phụng tự duy nhất (x. SC, 56; Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 28). Được dẫn nhập bởi vài lễ nghi chuẩn bị, và kết thúc bởi các lễ nghi khác, việc cử hành như thế là một cơ thể duy nhất không thể tách rời được; nhưng để hiểu biết tốt hơn tôi sẽ tìm giải thích các lúc khác nhau của nó, mỗi một lúc có khả năng đánh động và huy động một chiều kích nhân tính của chúng ta. Cần phải hiểu biết các dấu chỉ thánh thiện này để sống Thánh Lễ một cách tràn đầy và nếm hưởng vẻ đẹp của nó.
Khi dân được triệu tập, việc cử hành mở đầu với các lễ nghi dẫn nhập bao gồm việc chủ tế và các vị cử hành tiến vào, lời chào “Chúa ở cùng anh chị em”, “Bình an ở cùng anh chị em”! – cử chỉ thống hối – “Tôi thú nhận”, trong đó chúng ta xin lỗi các tội của chúng ta” – Kinh Thương Xót, kinh Vinh Danh, và lời nguyện colletta: gọi là lời nguyện colletta không phải để thu góp các của lễ, nhưng là thu thập các ý chỉ cầu nguyện của tất cả mọi dân tộc, và việc thu góp ý chỉ của các dân tộc lên tới trời như lời cầu nguyện. Mục đích của các lễ nghi dẫn nhập này là để “các tín hữu tụ họp với nhau, làm thành một cộng đoàn và chuẩn bị lắng nghe lời Chúa với lòng tin và cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng” (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 46).
** Thật không phải là một thói quen tốt nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đến kịp lễ, tôi đến sau bài giảng và với việc này tôi chu toàn luật”. Thánh lễ bắt đầu với dấu thánh giá, với các lễ nghi dẫn nhập, bởi vì ở đó chúng ta bắt đầu thờ lậy Thiên Chúa như là cộng đoàn. Chính vì vậy thật là quan trọng dự liệu đừng tới trễ, nhưng tới sớm hơn, để chuẩn bị con tim cho lễ nghi đó, cho việc cử hành này của cộng đoàn.
Trong khi hát ca nhập lễ vị linh muc và các thừa tác khác đi rước tiến lên cung thánh, tại đây ngài cúi chào bàn thờ, và như dấu chỉ sự tôn kính ngài hôn, và khi có có xông hương thì ngài xông hương bàn thờ. Tại sao vậy? Bởi vì bàn thờ là Chúa Kitô: nó là hình ảnh của Chúa Kitô. Khi chúng ta nhìn bàn thờ, chúng ta nhìn chính nơi Chúa Kitô ngự. Bàn thờ là Chúa Kitô.
Các cử chỉ có nguy cơ không đuợc chú ý này, rất ý nghĩa, bởi vì chúng diễn tả ngay từ đầu rằng Thánh Lễ là một cuộc gặp gỡ tình yêu với Chúa Kitô, là Đấng khi “hiến dâng thân xác mình trên thập giá, trở thành bàn thờ, của lễ và tu tế” (Kinh Tiền Tụng Phục Sinh V). Thật thế, bàn thờ như dấu chỉ của Chúa Kitô, “là trung tâm của hành động tạ ơn được chu toàn với Thánh Thể” (Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 296). Và toàn cộng chung quanh bàn thờ, là Chúa Kitô, không phải để nhìn mặt mình nhưng để nhìn Chúa Kitô, bởi vì Chúa Kitô là trung tâm của cộng đoàn, Ngài không ở xa cộng đoàn.
Tiếp tục bài huấn dụ về ý nghĩa Thánh Lễ ĐTC nói: Thế rồi còn có dấu thánh giá. Vị linh mục chủ tế làm dấu thánh giá trên chính mình và tất cả các thành phần cộng đoàn cũng làm dấu thánh giá, ý thức rằng hành động phụng vụ được chu toàn “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Và ở đây tôi bước sang một đề tài rất nhỏ khác: Anh chị em có thấy các em bé làm dấu thánh giá làm sao không? Chúng không biết điều chúng làm: đôi khi chúng vẽ một hình mà không phải là thánh giá. Xin vui lòng: cha mẹ, ông bà, xin anh chị em hãy dậy các trẻ em ngay từ đầu – khi chúng còn bé tí – làm dấu thánh giá cho đúng đắn hẳn hoi – Và giải thích cho chúng hiểu là thập giá của Chúa Giêsu là sự che chở. Và Thánh Lễ bắt đầu với dấu Thánh Giá.
Tất cả lời cầu di chuyển trong không gian của Thiên Chúa Ba Ngôi, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, là không gian của sự hiệp thông vô tận; như nguồn gốc và kết thúc, nó có tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất, được biểu lộ và trao ban cho chúng ta trên Thập Giá Chúa Kitô. Thật ra mầu nhiệm phục sinh của Ngài là ơn của Thiên Chúa Ba Ngôi, và Thánh Thể luôn luôn nảy sinh từ trái tim bị đâm thâu của Ngài. Như vậy, khi làm dấu thánh giá trên mình chúng ta không chỉ tưởng niệm Bí Tích Rửa Tội, mà cũng khẳng định rằng lời cầu phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Chúa Kitô Giêsu, là Đấng đã nhập thể, chết trên thập giá và sống lại vinh hiển vì chúng ta.
** Rồi vị linh mục hướng lời chào phụng vụ tới cộng đoàn với kiểu nói “Chúa ở cùng anh chị em” hay một kiểu nói khác tương tự, có nhiều kiểu lắm; và cộng đoàn trả lời: “Và ở cùng tâm trí cha”. Chúng ta đang đối thoại với nhau; chúng ta đang ở đầu Thánh Lễ và phải nghĩ tới ý nghĩa của tất cả các dấu chỉ và các lời này. Chúng ta đang bước vào trong “một hòa tấu”, trong đó vang lên các giọng nói khác nhau, bao gồm các lúc thinh lặng, để tạo ra “sự đồng ý” giữa tất cả mọi tham dự viên , nghĩa là thừa nhận mình được linh hoạt bởi một Thần Khí duy nhất và cho cùng một mục đích.
Thật thế, “lời chào của linh mục và câu trả lời của dân chúng biểu lộ mầu nhiệm của Giáo Hội được quy tụ” ( Trật tự tổng quát của Sách Lễ Roma, 50). Như thế chúng ta diễn tả niềm tin chung và ước muốn cùng nhau ở với Chúa và sống sự hiệp nhất với toàn cộng đoàn.
Và đấy là sự hoà tấu cầu nguyện, mà người ta đang tạo ra lập tức giới thiệu một lúc rất đánh động, bởi vì vị chủ sự mời gọi tất cả mọi người thừa nhận các tội lỗi của mình. Chúng ta tất cả đều là kẻ tội lỗi. Tôi không biết, có lẽ có người trong anh chị em không phải là người tội lỗi… Nếu ai không có tội, xin làm ơn xin làm ơn giơ tay lên để cho mọi người đều thấy. Không có ai giơ tay cả: vậy thì tốt, anh chị em có đức tin! Tất cả chúng ta là những người tội lỗi; chính vì vậy mà đầu lễ chúng ta xin lỗi. Đó là cử chỉ sám hối. ĐTC giải thích cử chỉ này như sau:
Đây không phải chỉ là nghĩ tới các tội lỗi đã phạm, nhưng còn hơn thế nữa: đó là lời mời gọi xưng thú mình là kẻ có tội trước mặt Thiên Chúa, trước cộng đoàn và trước các anh chị em khác, với lòng khiêm tốn và chân thành, như người thu thuế trong đền thờ. Nếu Thánh Thể khiến cho mầu nhiệm phục sinh hiện diện, thì có nghĩa là sự kiện Chúa Kitô vượt qua từ cái chết vào sự sống, thì khi đó điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là thừa nhận đâu là các tình trạng chết của chúng ta để có thể sống lại với Ngài vào cuộc sống mới. Điều này làm cho chúng ta hiểu cử chỉ sám hối quan trọng chừng nào. Vì thế, chúng ta sẽ đề cập đến đề tài này trong bài giáo lý tới. Chúng ta đi từng bước trong việc giải thích Thánh Lễ. Nhưng tôi xin anh chị em: hãy dậy các trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi nhé!
(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 20.12.2017)