Sau Tết thì sao?
Trân Văn
Tết vừa chạm ngưỡng cửa của các gia đình nhưng COVID-19 đã khiến mùa Xuân trở thành trầm lắng khác hẳn mọi năm và tất nhiên, mạng xã hội cũng vậy. Dịch đã khiến Tết không còn là dịp đoàn viên…
***
Nhiều người ngậm ngùi như Hoàng Nguyên Vũ về những buổi chiều cuối cùng của một năm âm lịch, vì đó là những buổi chiều chẳng mấy vui vẻ của một đất nước mà nhiều người không thể về nhà sum họp… Chẳng ai có lỗi. Thiên tai dịch bệnh là điều bất khả kháng. Chỉ thương những bà mẹ cả năm chờ dịp này để gặp con. Chỉ là thương những đứa trẻ mà mẹ phải gửi chúng cho ông bà để đi làm xa và thương những người mẹ đó nữa. Không gặp được con, nhất là trong những dịp đoàn viên, buồn tủi vô cùng. Người buồn thì Xuân cũng buồn thôi, dù có hoa, có nhạc và có những điều khác. Giống như nhiều người khác, Hoàng Nguyên Vũ cũng ngậm ngùi cho những công nhân không thể về nhà trong dịp Tết. Vũ tâm tình: Tôi biết các em nhớ nhà. Các em thèm sự gần gũi thân thuộc sau những ngày tháng chỉ biết lao động và lao động, tăng ca rồi tăng ca. Nhưng thôi, thời buổi người khôn của khó, không về cũng là một cách tiết kiệm. Đồng tiền trong thời buổi dịch bệnh, quý lắm (1)…
Dịch đã kéo dài cả năm, cứ như những điều đã được bày tỏ trên mạng xã hội, thậm chí trên cả hệ thống truyền thông chính thức thì chẳng riêng người nghèo mà ngay cả giới trung lưu cũng đã kiệt sức… Tết rồi sẽ qua nhưng sau Tết liệu có gì để lạc quan?
***
Tết này, Nguyễn Ngọc Tư – một nhà văn ở đồng bằng sông Cửu Long – viết Kinh Đơn mùa Chạp. Kinh Đơn mùa Chạp không phải là tâm sự của riêng Nguyễn Ngọc Tư trước thời điểm kết thúc của một năm với vô số biến động…
“Cụm từ ‘đi Bình Dương’ nghe đã không còn lạ, hồi sửa nhà nghe mấy anh thợ hồ nói suốt, kiểu như “con vợ ăn xài quá, chắc mai mốt trốn đi Bình Dương”, “mưa dầm kiểu này, không làm được đi Bình Dương sớm”. Nghe nhẹ tênh như nhà giàu xưa nói chút đi Cấp chơi, nhà giàu nay bảo xíu nữa bay qua Paris mua sắm. Nhưng đi Bình Dương với mấy anh thợ, có nghĩa là vỡ nợ, là hết đường kiếm sống, bỏ đi làm công nhân cho những công xưởng nào đó, xứ người.
Đám thanh niên kinh Đơn rủ nhau đi hồi tháng Tư, khi tôm mất mùa năm thứ hai liên tiếp, ngay vừa lúc mấy tờ giấy tuyển mộ công nhân được dán ngay đầu cầu, nội dung thơ mộng như lời thề của tụi đang yêu, “việc nhàn lương cao, bao ăn ở”. Mỗi đợt lác đác vài ba đứa quảy giỏ đi, rồi một bữa giật mình ngó lại chỉ thấy xóm còn lại người già chăn trẻ nhỏ, cho ba má chúng rảnh tay đi làm kiếm tiền gửi về. Gần một nửa dân xóm kinh Đơn giờ tản lạc trong những làng công nhân, vài cuộc điện thoại về kể rằng hên gặp bạn cùng xóm, nhưng chẳng kịp nói gì vì đứa này vào đứa nọ ra ca.
(…)
Bạn kể hồi xưa có lần tới xóm ở hai ngày, cũng ngay mùa Chạp. Xóm vui lắm, cảm giác như đang ở trong một lễ hội tưng bừng. Đàn ông tính chuyện tát đìa kiếm cá se khô, làm mắm, rọng trong lu một mớ để mấy ngày Tết nướng trui nhậu chơi. Mấy chị đổi cho nhau thứ nếp ngon nhất gói bánh tét, quết bánh phồng. Trong những câu chuyện bên sân lúa đang phơi, lúc gặp nhau dưới bến, luôn xoay quanh chủ đề cái hội lớn sắp tới, xào nếp cho bánh dẻo hay ngâm với nước tro, miếng mứt gừng làm sao trong vắt mà vẫn cay, cách nào giữ mắm ong non không bị chua nhanh, sắm quần áo cho tụi nhỏ ở đâu thì rẻ đẹp. Không khí cái lễ hội mà dân Việt gọi là Tết đó, tràn ra cả cây cỏ ngoài vườn. Không biết tới cuối Chạp mai có kịp trổ bông không, bưởi đã kịp ngọt chưa, buồng chuối nào chín cây để làm nhưn bánh.
Bạn vẫn nhớ mùi sình tươi, nắng Chạp vừa hong ráo mặt sau đợt xáng múc nạo vét lòng kinh. Lúc ấy một chị đã cười, nào giờ mới nghe có người nói sình thơm, chứ dân ở đây toàn nghĩ, sình hôi rình.
Không biết có phải tại câu nói đó mà đất giận, mấy mùa nay đồng nước mặn chỉ ròng nước mặn, chẳng có tôm cá bao nhiêu. Chạp đã vào sâu mà không khí mùa hội chẳng thấy đâu.
Món Tết đang bày ngoài sân, chỉ người chưa về. Hỏi một ông già đang trở chuối khô, chắc con cháu đông nên món Tết đầy giàn phơi. Ông nhìn theo khói thuốc phà ra từ mũi mình, nói tụi nó mấy Tết nay không về đủ, nghe đâu làm mấy ngày đó sẽ dược trả lương gấp đôi gấp ba. Nhưng đầu Chạp thì vợ chồng ông chuẩn bị món này món nọ, tụi nhỏ không về thì đóng thùng gởi xe đò đi. Cách nào thì Tết cũng đến với những người xa, những người vì mưu sinh đã không còn thiết gì đến Tết (2).
***
Trong số hơn 10.000 người đọc, bày tỏ sự tán thưởng, chia sẻ nỗi niềm của Nguyễn Ngọc Tư qua Kinh Đơn mùa Chạp, thực tế cuốc sống khiếu nhiều người phải nhìn rộng hơn… Kinh Đơn và nhìn xa hơn… mùa Chạp… Chẳng hạn Quốc Cường DT: Giá lúa thì thấp. Nước thì khô hạn. Đất thì cần cõi do không có phù sa. Bị chặn hết từ thượng lưu phía Trung Quốc rồi ngăn đê. Ngăn nước phá hoại dòng chảy. Cá tôm không có. Công nghiệp hóa chưa tới thì ở quê làm sao đủ sống nuôi gia đình. Có người như Tula Nguyen thắc mắc: Xứ dưới sông cá chốt, trên bờ “nhiều trâu” mà giờ thành như vậy, thử hỏi những người đang làm “lãnh đạo” những chốn này đang nghĩ gì, có hổ thẹn với tiền nhân? Có người ngậm ngùi như Duy Đông: Ly nông không ly hương còn xa quá!
Tuy nhiên “đi Bình Dương” – chính xác hơn là ly nông và ly hương, lựa chọn dẫu nghiệt ngã nhưng phổ biến của hàng chục triệu nông dân trên toàn Việt Nam chứ chẳng riêng nông dân đồng bằng sông Cửu Long – cũng chẳng có gì bảo đảm cơm no, áo ấm trong tương lai gần sau Tết. Đã có những người như Tân Sương khẽ khàng nhắc: Giờ thì COVID đang ghé “Bình Dương”. Hổng biết qua Tết có còn việc làm không, lo âu chồng chất!
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/hoangnguyenvunhabao/posts/10207980004494242
(2) https://www.facebook.com/nguyenngoc4/posts/272158800939467
Nguồn: voatiengviet.com