RƯƠNG ĐỰNG CHẲNG HỀ VƠI

Bên các nước Âu Mỹ vào dịp lễ Giáng Sinh, việc chọn quà và tặng quà quả là một dịch vụ kham khổ, đôi khi trở thành một gánh nặng phải làm cho xong như một thủ tục chẳng đặng đừng. Các bãi đậu xe rộng bao la của những thương xá thường không còn một chỗ trống vào những cuối tuần trước ngày lễ. Thì mỗi người thân cũng phải có một món quà chứ! Mua về nhà lại phải cẩn thận gói lại và để dưới gốc cây Giáng Sinh có đèn chớp chớp. Đúng đêm lễ mới có nghi thức mở quà, mà phải mở trước mặt mọi người với lời cám ơn rối rít, dù có thích hay không. Giấy gói tháo ra một đống. Nhẩm trong bụng thì đã mất khá bộn tiền mà quà thì chả mấy khi vừa ý. Cái cần thì lại không được, mà cái được thì lại xếp xó, chật cả cửa nhà…

Cái nỗi cực tâm nhất của việc mua quà cho trẻ em bên xứ Âu Mỹ là món quà phải là đồ mắc tiền!  Đồ chơi phải là của Toys are Us. Quần áo  phải có nhãn hiệu nổi tiếng như Polo hay Tommy Hilfiger. Giầy phải là Nike v.v. Không có chuyện của ít lòng nhiều. Chẳng cần phải quí cái tấm lòng hay cái tâm nguyện nào cả. Quà rẻ tiền có nghĩa là lòng thương ít. Lì xì một phong thư đỏ với một đồng tiền mới tượng trưng để lấy hên là chuyện cổ tích. Đứa trẻ nhận được phong thư đỏ cũng theo thói Mỹ là mở ngay ra trước mặt mình, và có đứa đã tuyên bố một cách thẳng thừng chả phải kiêng dè gì cả: chỉ có một đô la thôi à!

CHÚ BÉ ĐÁNH TRỐNG

Chả bù cho chú bé nghèo đánh trống qua một bài hát rất phổ thông trong mùa Giáng Sinh. Chú bé không có tiền mua sắm quà cáp gì cho người mình thương cả. Chú chỉ có một cái trống nhỏ trống trơn. Chú biết đánh trống nên chú đã đánh lên một bài trống làm quà tặng. Quí hóa và cảm động lắm chứ.

Cứ đến mùa tặng quà là tôi nhớ đến một câu truyện về một cặp sắp cưới nhà nghèo. Gần đến ngày lễ mà chẳng đào đâu ra tiền mua quà tặng nhau. Anh chàng rất thương nàng nên nghĩ bụng đi bán quách cái đồng hồ của mình để mua cho nàng một cái kẹp tóc đồi mồi. Vì nàng có mái tóc dài thật đẹp nhưng cứ bị lòa xòa hoài mỗi khi làm việc; vả lại cái đồng hồ đã đứt dây từ lâu cứ phải bỏ vào túi rất bất tiện. Đang khi đó thì cô nàng lại nghĩ ra cách tặng quà cho chàng: mái tóc dài của mình để cũng vô tích sự; đẹp thì cũng đẹp đấy, chi bằng cắt bán quách đi để lấy tiền mua cho chàng cái dây đồng hồ. Tội chàng quá đi, cái đồng hồ đứt dây từ lâu mà không sao mua được cái dây khác mà thay!

Thế là cả hai cùng giữ bí mật, đợi đến gần ngày lễ mới lẳng lặng đi thi hành kế hoạch. Cô nàng soi gương lần cuối kiểu thơ Nguyễn Tất Nhiên:

Em hãy đứng trước gương làm dáng
Tự khen mình đẹp quá, đi em.
Lỡ mai kia mốt nọ theo chồng,
Còn đôi  chút luyến lưu thời con gái.

Rồi nàng cắn răng cắt mái tóc dài bán đi để mua được cái dây đồng hồ. Anh chàng thì đành lòng bán cái đồng hồ quí để mua cho nàng cái kẹp tóc đồi mồi cho thêm duyên dáng. Hai món quà được gói lại cẩn thận. Đúng giờ phút linh thiêng thì mới đưa tặng nhau.

Cô nàng nhận được cái kẹp tóc đồi mồi rất sang thì mái tóc dài của mình không còn nữa. Anh chàng nhận được cái dây đồng hồ thì cái đồng hồ của mình đã bán đi mất rồi! Cả hai món quà đều không còn dùng được, nhưng quả là cả hai món quà đều đắc ý nhất, có sức lay động con tim nhất. Và dĩ  nhiên là có cảnh sụt sùi cảm động. Tình thương dâng lên ngút ngàn.

MÓN QUÀ QUÍ NHẤT

Mẹ Têrêsa đã có lần định nghĩa tình yêu là cho đi tới mức cảm thấy đau. Cặp sắp cưới trên đây đã thể hiện điều đó. Cũng như chính Mẹ và các nữ tu dòng Bác Ái đã sống ngay giữa những người bị bỏ rơi nhất của xã hội ở Calcutta, dùng ngay những đồ do những người cùi làm ra. Những đồ này không ai dám mua thì các nữ tu mua về dùng.

Quà tặng như vậy mới có sức làm lay động con tim, tạo dựng tình thương, chứ không phải là những thứ mua sắm mắc tiền vào những dịp lễ hiện nay. Đức Maria đã tặng cho nhân loại chính người con của mình. Đó là món quà quí nhất, mắc giá nhất. Món quà này đã làm cho một Gioan dù còn nằm trong bụng mẹ cũng nhảy mừng reo vui.

Đức Chúa Trời thương yêu nhân loại đến nỗi đã trao tặng chính người Con duy nhất. Đó là cách sắm quà đúng nhất, vì tình thương là trao tặng cho tới mức cảm thấy đau. Những mua sắm quà tặng trong nhà lúc này đang nhằm mục đích gì nhỉ? Tìm tạo dựng tình thương hay chỉ đổ thêm vào lòng ham hố đua đòi càng ngày càng thêm bất mãn?

PHÚT CẢM NHẬN QUÀ TẶNG

Và món quà nào năm nay tôi nhận được đắc ý nhất? Lời thiên thần (chứ không phải ông già Noel) đi cho quà các mục đồng giữa đêm đen thanh vắng: “Ta mang đến cho các người một tin vui lớn, cũng là tin vui cho mọi người: hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thoát, đã giáng sinh cho các người”. Quà đấy chứ còn chờ quà nào khác. Hãy lãnh nhận và cho nhau thứ quà quí nhất và đắc ý nhất năm nay là chính Đức Kitô, như Đức Mẹ đã tặng quà cho bà Eligiabét. Chú bé trong bụng mẹ mừng quá bèn nhảy lên là vậy…

Tôi muốn phóng dịch bài Quà Tặng từ cuốn ”Tiên Tri” (The Prophet) của nhà tiên tri thời đại là Kahlil Gibran, cuốn sách bán chạy nhất thế kỷ, chỉ sau cuốn Kinh Thánh:

Khi bạn cho những cái bạn đang có, thì quà tặng của bạn thật nhỏ nhoi.
Chỉ khi bạn cho chính mình bạn, thì quà tặng mới trở nên đích thực.

Vì của cải là gì, nếu không phải là những gì mình lo tích trữ sợ rằng ngày mai sẽ cần đến.

Và ngày mai, ngày mai sẽ trao ban cái gì cho con chó quá tinh khôn
đem giấu những khúc xương dưới cát,
đang khi cùng đoàn người lữ hành đi về thành thánh?

Và cái gì sợ sẽ phải cần đến, nếu không phải là chính điều cứ thèm khát mãi?

Khi mà giếng của bạn đầy nước mà bạn vẫn còn khát,
thì cơn khát này không khủng khiếp lắm sao,
và không có gì có thể làm cho bạn hết khát được!

Có những người chỉ cho đi một chút xíu những cái họ có, và họ cho đi để lấy tiếng,
thì cái ẩn ý này làm cho quà tặng của họ mất hết giá trị.

Và có những người chẳng có bao nhiêu mà cho đi tất cả.

Đó mới là những người tin vào cuộc đời, vì cuộc đời thật sung túc,
và rương đựng chẳng hề vơi.

Có những người cho đi với niềm vui, thì niềm vui chính là phần thưởng.

Và có những người cho đi với hy sinh, thì hy sinh đó là phép rửa.

Lại có những người cho đi mà không cần để ý tới hy sinh hay tìm niềm vui,
mà cũng chẳng cho đi vì nhân đức.

Họ cho đi vì trong thung lũng, cây trầm đang thở hương vào không gian diệu vợi.

Qua bàn tay của những người như thế, Thiên Chúa đang tiếp tục vỗ về.

Và từ sau khóe mắt họ, Người mỉm cười trên mặt đất.

Cho khi được xin thì cao đẹp,
nhưng cho mà chỉ cần hiểu ý chứ không cần phải được xin, thì cao đẹp hơn nhiều.

Đi tìm người sẽ mở rộng tay đón nhận thì vui hơn là chính việc cho đi.

Và có phải chính bạn đang muốn giữ lại không nhỉ?

Mọi sự bạn đang có một ngày kia sẽ phải cho đi.

Vì thế, hãy cho đi hôm nay,
thì mùa ban tặng sẽ là của bạn,
chứ không phải là những người thừa kế bạn.

Bạn thường nói: tôi sẽ cho, nhưng chỉ cho những người xứng đáng.

Cây trái trong vườn chẳng nói vậy. Súc vật ngoài đồng cũng chẳng nói vậy.

Chúng cho đi thì chúng mới sống, vì giữ lại là chết.

Vì chắc chắn ai đã xứng đáng lãnh nhận ngày và đêm,
thì cũng xứng đáng lãnh nhận bất cứ gì từ bạn.

Và ai đã xứng đáng uống nước từ nguồn suối bao la của cuộc đời,
thì cũng xứng đáng múc đầy ly từ dòng suối nhỏ của bạn.

Vì thực ra thì cuộc đời mới trao ban cho cuộc đời.

Đang khi bạn tưởng là người trao ban thì lại chỉ là người làm chứng mà thôi.

Và bạn là người lãnh nhận. Tất cả các bạn chỉ là người lãnh nhận,
mà không cần phải biết ơn,
kẻo rồi bạn lại tạo ra cái ách đè trên bạn và trên người cho.

Tốt hơn là bạn hãy vươn lên cùng với người cho
mang theo quà tặng như mang theo đôi cánh.

Vì quá để ý tới mang ơn, tức là đã hồ nghi lòng rộng lượng
của Đấng đã nhận Đất làm Mẹ và nhận Chúa là Cha.

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Bài trước Bài sau