PHÚT RUNG ĐỘNG SỬNG SỐT VỚI CAO ĐÀM
Trong suốt tháng 5. 1998, dân chúng Mỹ lên cơn sốt nặng, ai nấy túa ra đường xếp hàng dài dài đi mua vé số, từ ông giám đốc đến cô thư ký, từ chị tiếp bàn đến anh đổ rác, ai cũng mong mình trúng độc đắc “phao bò” (powerball) 195 triệu Mỹ Kim. Số tiền “phao bò” kỳ này lên cao chưa từng có.
Nhưng rồi chỉ có một người trúng. Đó là một ông già đã về hưu ở bang Illinois. Theo thể lệ thì người trúng phải lãnh dần trong 20 năm, mỗi năm được gần 10 triệu. Ông này thấy mình đã gần đất xa trời nên xin lãnh một lần cho chắc ăn. Mà lãnh ngay một lần như vậy chỉ được 104 triệu cũng mãn nguyện quá rồi. Trừ thuế rất ư kỹ lưỡng đi, ông cầm nhẹ cái ngân phiếu 57 triệu về nhà ung dung nhưng hồi hộp quá chừng. Mong ông đừng mất ăn mất ngủ hay bị ngưng tim mà chết! Và nhiều người nuốt nước miếng tiếc rẻ: giá mình được số may mắn của ông già này thì cuộc đời sẽ sung sướng biết bao!
QUÀ TẶNG 49 TRIỆU MỸ KIM
Cách đây mấy năm tôi được tặng một cái tách uống cà phê thật quí. Tôi bèn úp mở nói với nhiều người rằng tôi trúng số. Tin giật gân, hấp dẫn lắm chứ. Nhưng dò hỏi mãi thì biết rằng trên cái tách này có hình một bức tranh mà bức gốc đã được bán với giá mắc tiền nhất trong lịch sử hội họa là 49 triệu tiền Mỹ. Đó là bức Hoa Cầu vồng (Irises) của họa sĩ Vincent Van Gogh đã được nhà tỷ phú Paul Getty mua về để trong bảo tàng viện Paul Getty ở phía tây Los Angeles.
Việc đấu giá bức tranh Hoa Cầu Vồng xẩy ra vào tháng 11 năm 1987, chỉ mấy tháng trước biến cố phong thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nói lên một thời điểm, một khuynh hướng thời đại, tìm ra được nét trân quí qua những gì vẫn coi là tầm thường và bình lặng hằng ngày. Nhìn bức tranh trên thì nhiều người cũng thấy thường thôi. Có gì đặc sắc đâu, ai chả vẽ được! Nhưng người bán cũng như người mua là Paul Getty không khùng điên phí tiền đâu. Nhiều người đã khám phá ra đường hướng của Van Gogh, gọi là đường hướng biểu hiện. Cái nhìn và cái thấy của Van Gogh nằm ở điểm là cuộc đời giàu sang lắm, sức sống sung mãn đã hiển hiện nằm sẵn trong vạn vật, chứ đâu phải những hăm hở kiếm tìm mệt nhọc của loài người như hiện nay. Chỉ cần dừng chân ngắm nhìn: một cọng cỏ, một bông hoa, một cái cầu, một cái ghế, ngôi nhà đang ở, xem ra tầm thường và nhàm chán, bỗng khám phá ra những lạ lùng. Vì một cành lá cũng đang biểu hiện sức sống của cả vũ trụ. Mà vũ trụ thì giàu có, tại sao lại cứ phải sống nghèo nàn ăn mày ăn xin những đồ viện trợ phế thải cuộc đời. Cái nhìn này cần thiết cho con người ngày nay biết bao trong lúc chuyển mình bước vào ngàn năm mới. Một trăm năm vật vã, một ngàn năm hăm hở kiếm tìm, mà vẫn không thảnh thơi bằng con cá tung tăng dưới dòng nước, không nhởn nhơ sung sướng bằng con chim trên cành cây, không mặc đẹp bằng một bông hoa. Chắc là Vincent Van Gogh đã vẽ bức tranh Hoa Cầu Vồng hay Hoa Hướng Dương dưới ánh sáng rọi chiếu của đoạn Tin Vui:
“Hãy xem chim trời: chúng không gieo không gặt, không thu lúa vào kho; thế mà Cha của anh em ở trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em chẳng đáng quí hơn chúng sao? Trong anh em có ai lo lắng nhiều mà kéo dài sinh mạng ra thêm được một gang sao? Lại lo chi chuyện áo mặc. Hãy xem hoa dại mọc ngoài cánh đồng. Chúng nó có lao tác đâu, có xe sợi đâu? Thế mà, Thầy bảo thực anh em, ngay đến Salomon trong bộ đại trào cũng không lộng lẫy bằng một trong những bông hoa ấy“. (Mt 6,25-29).
PHÚT RUNG ĐỘNG SỬNG SỐT
Mà thực vậy. Những phút kinh ngạc sảng khoái nhất thường lại đến vào những khoảnh khắc bất ngờ, qua những chuyện xem ra thật tầm thường.
Ở cái thời mà máy chụp còn rất sơ khai tại Việt Nam, một hôm đi xem triển lãm ảnh ở Hà Nội, nhà ảnh Nguyễn Cao Đàm kể lại cảm nghiệm bắt đầu mê chụp hình do một chuyện thật tình cờ: “Có một tác phẩm làm tôi rung động đến sửng sốt, đó lá tác phẩm chụp mấy chiếc lá súng sau cơn mưa của Phạm Ngọc Chấn. Những giọt nước trái sáng, sao mà long lanh đến thế… Tác phẩm làm tôi rung động mãnh liệt. Tôi thấy đó là tôi, với hết nghĩa của nó. Mà có gì đâu, chỉ vài cái lá súng và vài giọt nước… Làng tôi là vùng nhiều nước, lá súng có rất nhiều, mà sao lâu nay tôi không để ý đến. Mà vùng quê tôi còn nhiều thứ đẹp nữa… Tôi bắt đầu cầm máy. Nói về đề tài sáng tác: quanh nhà chúng ta, quanh ngõ chúng ta, quanh làng chúng ta, quanh đất nước chúng ta, đâu đâu cũng là một kho đề tài vô tận. Và người ảnh đeo máy lên vai”.
Cũng mấy bông súng tầm thường mà sao nhà ảnh Trần Cao Lĩnh đã lột được linh hồn “Việt Nam Quê Hương Muôn Thuở” qua bức hình “Chiếc Cầu Ao”. Một cô gái quê đang ngồi ở cầu ao nhúng chân xuống ao súng, chạm vào nước mát, chạm vào sức sống rất Việt Nam, như kiểu
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Nhà ảnh Trần Cao Lĩnh đã làm cho người xem xúc động, không rời mắt được, vì nhìn được chính mình trong đó. Ông đã bơm được chất sinh động vào cảnh tĩnh là vì ông “biết lột vỏ ngoài tầm thường để thấy rõ được giá trị bên trong của hình ảnh” như lời ông nói về “động tĩnh trong ảnh”.
TIN VUI ĐẤU GIÁ TRÚNG
Khám phá ra được như vậy thì cuộc sống trở nên giầu có sung túc biết bao. Ngay ở vườn đàng sau và ngay trong nhà mình đã có nhiều triệu rồi, cả một kho tàng quí giá đang chờ được khám phá. Người mua bức tranh Hoa Hướng Dương hay Hoa Cầu Vồng của Van Gogh chỉ muốn nhắn gửi con người mệt mỏi và nghèo túng hôm nay: bạn đã trúng số, bạn đang quá giàu có rồi. Chỉ cần bừng mở con mắt: nguồn phú túc đang hiển hiện trước mặt mà Chúa Trời Đất đang tuôn đổ xuống như dòng thác trong cái thấy của thi hào Tagore. Chỉ cần mở tâm ra mà lãnh nhận. Hàn Mặc Tử trong một phút xuất thần cũng thấy vậy:
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc.
Suốt mấy năm từ ngày được tặng cái tách có bức Hoa Cầu Vồng, tôi vẫn thường dùng để uống cà phê mỗi sáng, với tâm tình đơn sơ: hôm nay tôi thật có phúc vì đang được uống vào cả dòng ân sủng, đang nhận lãnh 49 triệu, trúng số rồi… bỏ qua rất uổng.
Ngày 19 tháng 6 năm 1988, hội thánh Công Giáo tôn phong 117 vị Thánh Việt lên bậc hiển thánh. Khi tôn phong như vậy, hội thánh không chỉ nhằm vào việc đổ máu tử đạo là một hành động quyết liệt làm chứng đức tin, mà còn nhằm giới thiệu cả một đạo sống đáp ứng thời đại, vẫn gọi là đường tu đức, tức là lối nhìn và lối sống khám phá ra nét giầu có và hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống thường ngày. Sở dĩ đường tu đức các Thánh Việt chưa được khai triển nhiều, có thể vì mẫu sống bị giết chết vì đạo xem ra xa vời tầm tay của đại chúng ít ai có được diễm phúc ấy. Chính vì thế, con đường cận nhân tình gần gũi với cuộc sống thường ngày cần phải được mở lối, như Nẻo Bước Dũng Lạc, như Đường Nở Hoa Lê Thị Thành…
Khi học hỏi về các thánh “Ta”, nhiều người thắc mắc tại sao ít thấy các ngài làm phép lạ hay chẳng để lại tài liệu sách vở dẫn lối tu đức gì cả như các thánh “Tây”. Nhưng nhìn kỹ hơn thì mọi người sẽ kinh ngạc thấy rằng đã có quá nhiều phép lạ. Được sinh ra và hiện hữu trên mặt đất là tự nó đã là một phép lạ. Nhận ra rằng mỗi phút giây được hít thở, được nhìn thấy, được cử động đi lại, tất cả đều là những phép lạ. Điều quan trọng không phải là làm thêm phép lạ, mà là con mắt nhìn bỗng nhận ra đã có quá nhiều phép lạ, khám phá ra cuộc đời là một cuốn sách tu đức đang mở ra trước mắt, như Đức Mẹ Maria: “Chúa đã làm cho tôi biết bao phép lạ, danh Người là thánh” (Luca 1:49). Đa số các thánh Ta đều là giáo dân, sống trong cuộc sống bình lặng thường ngày, vậy mà cả hội thánh hoàn cầu đã công nhận và giới thiệu cho thế giới một con đường nên thánh, một mẫu sống đạt đức thật giản đơn và gần gũi, và đúng là phép lạ trúng số khi bước vào thời điểm 2000.
Điều cốt lõi của đường tu đức Việt là cái nhìn và cái thấy, vẫn được gọi là con mắt đức tin. Thấy được Chúa trời đất quyền năng và giầu có là cha của mình thì còn phép lạ nào lớn hơn được? Và mình đang được tham dự vào gia tài nước Trời, như vậy thì còn phép lạ nào sánh bằng? Như thánh Phêrô đã nhìn và đã thấy: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Luca 9,20), đang khi nhiều người chỉ nhìn thấy Chúa như một người tầm thường hay cũng cho Chúa ngang sức với một tiên tri nào đó thôi. Duy mình thánh Phêrô đấu giá trúng, và đã trúng số thật. Đấy là con mắt biết nhìn và thấy được.
PHÚT TỊNH TÂM
Trên đường ra pháp trường ở Châu Đốc, thánh Lê Văn Phụng thật cảm động gặp lại các con cháu của mình. Không biết nói gì hơn, Ngài liền gỡ thánh giá đang đeo mà khoác vào cổ người cháu gái tên là An-na Nhiên mà dặn dò:
“Cháu hãy nhận lấy kỷ vật của ông. Đây là tượng Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Tượng này quí hơn vàng bạc bội phần. Cháu hãy luôn mang trên cổ, và trung thành cầu nguyện sớm chiều cháu nhé”.
Một kinh đọc kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có câu “Các Thánh Tử Đạo là ân huệ Chúa ban cho Hội Thánh Việt Nam, vì thế chúng con dâng lời cảm tạ và ca tụng Chúa”. Ân huệ này chả lẽ không bằng 49 triệu Mỹ kim? Chính vì nhận ra gia tài giầu có này mà thánh Lê Văn Phụng cũng như Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã muốn quyết liệt trối lại cho con cháu bằng bất cứ giá nào, và hội thánh đã công nhận và chuyển đạt cho thế giới. Chả lẽ mình cứ sống nghèo khổ mãi sao?
Trích từ “Nhịp Múa Sông Thanh” – Tác giả: Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường