Paris có gì lạ không ai? Thời điểm hỏi giờ Fidel Castro.
“Tiên tri được thiên hạ tôn quí ở nơi khác thì có, nhưng về quê hương về nhà riêng thì không“.
Ngày 21 tháng 1 năm 1998, Đức Gioan Phaolô II đã rời Roma để sang thăm Cuba, nước Cộng Sản cuối cùng của tây bán cầu. Đây quả là một chuyến thăm lịch sử, và cũng kéo sự chú ý nhiều của người Bắc Mỹ, vì Cuba nằm sát nách nước Mỹ, đã từng gây nhức nhối cho Mỹ nhất là vào thời tổng thống Kennedy với cuộc đột kích ở Vịnh Con Heo.
Báo chí Mỹ bàn tán cả tháng trời trước về chuyến viếng thăm lịch sử này. Nào là hai địch thủ không đội trời chung sẽ đối đầu với nhau, nào là “thiên thần” sẽ gặp “quỉ dữ”, thủ lãnh của niềm tin đạo Chúa giáp mặt với lãnh tụ vô thần chống đạo v.v. , nào là diễn lại câu chuyện dài từ ngày vị giáo chủ đến từ một nước Cộng Sản Ba Lan, rồi bị đường dây Cộng Sản bắn tại công trường thánh Phêrô vào năm 1981 mà vẫn không chết, rồi những cuộc công du về Ba Lan, qua Nam Mỹ thách thức với trào lưu duy vật, rồi thành trì xã hội chủ nghĩa Xô Viết vĩ đại và Đông Âu sụp đổ, Nam Mỹ hoàn hồn. Lần này báo chí và dư luận cũng tha hồ mà suy đoán, thậm chí đặt cả câu hỏi rất ư thế tục: ai thắng ai thua?!
THỜI ĐIỂM HỎI GIỜ FIDEL CASTRO
Vừa bước xuống phi trường Havana, Đức Gioan Phaolô II hỏi ngay chủ tịch Fidel Castro: “Ở địa phương đây là mấy giờ rồi?”. Cảnh Fidel Castro giơ đồng hồ lên xem giờ được giới truyền thông ghi lại thật kỹ.
Quả là một câu hỏi hơi lạ thường. Chẳng mấy khi hai nhân vật lớn gặp nhau lại hỏi nhau câu đó, ra như chẳng có gì để nói chuyện với nhau cả sao, giống như kiểu hỏi trời mưa trời nắng vậy. Nhưng đây có thể là điềm thời đại. Một việc tình cờ nhưng cũng là một dun dủi từ bên trong. Nhìn cảnh này, có người buột miệng chú giải ngay rằng Đức Gioan Phaolô II có ý hỏi Fidel Castro: “Giờ hồn đấy nhé, đến giờ đến tuổi biết mệnh Trời chưa? Liệu ông còn sống được mấy năm nữa? Bằng ấy năm phá đạo đã đủ chưa?
Mà đúng vậy,cao điểm sau năm ngày thăm viếng nhiều nơi,ngày Chúa Nhật 25 tháng 1, Đức Gioan Phaolô II đã trở lại Havana cử hành thánh lễ tại quảng trường Cách Mạng, ngay trước tượng anh hùng Cộng Sản là Che Guevara. Nhưng bức hình Chúa Giêsu được vẽ lớn như vượt lên tất cả. Fidel Castro lần đầu tiên sau 39 năm chống đạo ngồi dự lễ nghiêm trang nghe Đức Gioan Phaolô “giảng bảo” trong một bài nói dài 40 phút, nhiều lúc cũng vỗ tay theo đám đông hoan hô ủng hộ. Nhiều lúc Đức Gioan Phaolô phải ngưng nói vì những tràng vỗ tay dài, Ngài lại dí dỏm khôi hài khiến bầu khí trở nên thân tình: “Tôi cũng thích được vỗ tay lắm, vì mỗi lần như vậy là tôi được nghỉ xả hơi một chút”. Nơi quảng trường này từ 39 năm qua, chỉ một mình Fidel Castro mặc sức tung hoành, và mọi người chỉ có một bổn phận là hoan hô lãnh tụ. Vậy mà giờ đây dân Cuba thấy được một chân trời mới. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi dân Cuba “hãy tìm con đường mới đáp ứng thời điểm đổi mới”, “một cuộc giải phóng thật không thể chỉ co vào khía cạnh xã hội và chính trị, nhưng còn phải bao gồm việc thể hiện tự do lương tâm, là căn bản và là nền tảng của mọi thứ nhân quyền khác”, ” trong thời đại này, không một nước nào có thể sống đóng kín”. Ngài nhắc tới lời của nhà anh hùng Marti mà phi trường của Cuba mang tên, đó là “mọi người đều cần tôn giáo”.
PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG AI?
Bài hát văng vẳng đâu đây lời thơ mộng: Paris có gì lạ không em? Mai anh về bên bến sông Seine… Rồi bài khác của Phạm Duy với lời của Cung Trầm Tưởng: Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế. Trời mùa đông Paris suốt đời làm chia ly…
Paris có gì lạ không mà người ta chịu khó làm thơ làm nhạc ca tụng như làm vậy?! Riêng nhà văn Võ Đình thì xôn xao xúc động trong bài viết “Paris có gì lạ đâu em!” ở Xứ Sấm Sét. Võ Đình trong một lần trở lại Paris đã tả cái nỗi xúc động rồi tự phân tích cái xúc động này chẳng có gì là kỳ bí cả: “Ba mươi năm sau tôi trở lại Paris khi bộ râu tôi đã bạc quá một nửa, những con đường lót đá vuông… những giọt mưa phơi phới trên tàng cây maronnier. Tôi chợt nghĩ ra rằng Paris mà tôi yêu không phải là “kinh thành ánh sáng”, không phải là “thủ đô văn hóa Tây phương”… mà chỉ vì “là thành phố duy nhất tôi đã sống qua trong đời ở đó thời gian diệu vợi, mông lung nhất… Ngày nay tôi đi trên đại lộ Émile Zola, một đại lộ tầm thường, “bourgeois hàng hai, mà lòng tôi bồi hồi thấy rằng chính Paris đẹp nhất ở những nét tầm thường, đúng hơn, bình thường, đó.
Bước vào một năm mới mình cũng ngâm nga thành câu hát: năm nay có gì lạ không ai? Và từ trong đáy lòng hình ảnh một dòng sông bỗng hiện lên, có tiếng vọng đâu đây về một tiễn biệt cái cũ và đón chào dòng nước mới, luôn mới mãi. Đó là tiếng trong Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Tam Quốc Chí là bộ truyện lịch sử Tầu rất hấp dẫn với cả ngàn trận đánh, với những quân sư giỏi như Khổng Minh, với những tay gian hùng như Tào Tháo. Ai là người khôn ngoan, ai là kẻ xảo quyệt? Ai thắng ai thua? Nhưng đọc Tam Quốc Chí thực ra chẳng phải để xem những truyện như vậy, mà để thấy được cái nhìn về cuộc đời mà người viết đã tóm gọn trong một câu hát theo điệu Tây Giang Nguyệt ở ngay đầu sách:
Sông dài cuồn cuộn về đông
Sóng vùi gió dập anh hùng còn đâu
Được thua phải quấy tranh nhau
Xôn xao mấy chốc ngoảnh đầu thành không.
TIN VUI GỬI NGƯỜI MẤT SỨC
Nếp văn hóa ngày nay thích điều mới lạ, trẻ trung. Những gì quen thuộc dễ trở thành nhàm chán, những gì già cũ dễ trở thành lỗi thời. Người Do Thái thấy Đức Giêsu xuất thân từ một làng quê Nagiarét thì bỉu môi như kiểu Natanaen lần đầu tiên được giới thiệu: Nagiarét thì có chi ra hồn! Và khi Ngài bắt đầu rao giảng thì người ta càng thấy chả có gì phải chú ý; Ngài cũng chỉ là một người bình thường như bất cứ ai! Kinh Thánh ghi rõ: “Người tìm về bản quán, vào hội đường mà thuyết giảng. Người ta ngạc nhiên nói: Ông ấy lấy từ đâu ra trí tuệ và tài lạ như thế này? Phải chăng ông là người con bác thợ mộc? Phải mẹ ông có tên là Maria, và anh em ông là Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa? Các chị ông chẳng ở cả với chúng ta hay sao? Vậy từ đâu người ấy được như thế này?” Và họ không tin phục Người. Đức Giêsu bảo họ: “Tiên tri được thiên hạ tôn quí ở nơi khác thì có, nhưng về quê hương về nhà riêng thì không”. Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ thiếu lòng tin. (Mt 13:54-58)
Nhưng người ta có ngờ đâu là Ngài đã bắt đầu với “đầy quyền năng của Thánh Thần”, vì được xức dầu, được thánh hóa, được Thánh Thần ở cùng. Cũng thế một cụ già với 77 tuổi đời lại bị bệnh run tay là Đức Gioan Phaolô II lại đã thực sự thổi vào dân Cuba một luồng Sinh Khí mới hết sức trẻ trung, đã cho Fidel Castro những phút dừng chân điểm giờ cuộc đời mà cảm thấy “sao có tiếng sóng ở trong lòng”.
PHÚT TỊNH TÂM
Sức sống Thánh Thần là đây. Và cũng là thời điểm cho cả năm với cảm nhận Sinh Khí Chúa trong mọi sự… Đức Gioan Phaolô có thể cũng đang hỏi giờ mỗi người: Năm nay có gì lạ không ai? Mọi sự xem ra rất bình thường, nhưng sẽ rất lạ: mỗi cử chỉ, mỗi hơi thở, mỗi cây cỏ đều lạ lùng quá phải không? Mỗi phút mỗi giây đều trân quí vì cảm nhận được phép lạ của sự hiện hữu: mình còn sống, đang có thể nhìn, đang có thể nghe, đang có thể thở, và đang có thể suy tư để cảm thấy như “sao có tiếng sóng ở trong lòng”.
Con người cần được phút bừng mở này, cảm nghiệm được sức biến đổi kỳ lạ từ bên trong như Thánh Phaolô: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Chúa là sức mạnh cho tôi” (Phil 4:13). Đó là phép lạ của Chúa Thánh Thần. Chuyển đạt được những phút giây xúc động, “sao có tiếng sóng ở trong lòng” như Đức Gioan Phaolô II, khiến cho con người náo động thấy được mệnh trời, là bởi cảm nhận được cái Tâm trong từng sự việc dù tầm thường, để Thánh Thần Chúa tác động.
Xin Chúa là sức mạnh nâng đỡ chở che trong năm mới với tâm tình cầu nguyện qua thánh vịnh 18:
Lạy Chúa là sức mạnh của con;
Lạy Chúa là núi đá, là thành lũy,
Là Đấng giải thoát con;
Chúa cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai,
Người đặt tôi đứng vững trên đỉnh núi.
Chính Chúa đã làm cho tôi nên hùng dũng,
Và cho nẻo tôi đi được thiện toàn.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
(Trích từ Nhịp Múa Sông Thanh)