Ông ta không phải là bác thợ sao?
Thứ tư, tuần 4 mùa thường niên
Chân phước Piô IX, Giáo hoàng
1 V 10, 1-10
Mc 7, 14-23
Lời Chúa
¹⁴Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Mọi người hãy nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: ¹⁵Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. [¹⁶ ]” ¹⁷Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. ¹⁸Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu muội như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, ¹⁹bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. ²⁰Người nói: “Cái gì từ con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. ²¹Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: gian dâm, trộm cắp, giết người, ²²ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, dâm đãng, ganh tị, vu khống, kiêu ngạo, ngông cuồng. ²³Tất cả những điều xấu xa đó đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
Ông ta không phải là bác thợ sao?
Nhờ lao động, con người thông phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, chân lý này đã được Đức Giêsu Kitô đặc biệt nêu rõ. Thật vậy, nhiều người trong số những kẻ nghe Ngài giảng ở Nazareth đã vô cùng kinh ngạc thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?… Ông ta không phải là bác thợ sao?… “.
Quả thế, Đức Giêsu đã công bố và nhất là đã đem ra thực hành trước tiên tin mừng mà Thiên Chúa ủy thác cho Ngài, những lời khôn ngoan hằng sống. Vì lý do đó, đây thực sự là “tin mừng lao động”, bởi Đấng công bố tin mừng ấy cũng chính là một người lao động, một bác thợ như ông Giuse thành Nazareth.
Cho dù trong các lời Đức Giêsu giảng dạy, chúng ta không thấy có lệnh truyền đặc biệt nào về lao động… nhưng cuộc đời của Ngài đã là một lời minh chứng hùng hồn: Ngài thuộc về thế giới lao động; Ngài yêu thích và tôn trọng lao động của con người. Người ta có thể nói thêm: Ngài yêu mến và nhìn nhận lao động cùng với những biểu hiện khác nhau của nó, bởi Ngài thấy nơi mỗi biểu hiện của lao động một cách thế đặc biệt để bày tỏ sự tương đồng giữa con người với Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và là Cha.
Thánh Gioan Phaolô II
Thông điệp Laborem exercens
Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67