Nông trại Koinonia

gdvsdt

Clarence Jordan (1912 – 1969) có hai bằng tiến sĩ, một về nông nghiệp và một về Kinh Thánh. Ông là người có nhiều tài năng và kiến thức sâu rộng, ông có thể kiếm tiền và tìm một địa vị trong xã hội một cách dễ dàng, tuy nhiên ông đã chọn phục vụ người nghèo.

Tôi không nghĩ là các ông hiểu chúng tôi. Những gì chúng tôi đang làm tại nông trại này không phải vì thành công, nhưng là vì trung tín

Vào thập niên 1940, Clarence Jordan thành lập nông trại Koinonia tại Americus, Georgia. Trong nông trại này, nhiều nông dân da trắng lẫn da màu đều được tạo công ăn việc làm và đều được ông phục vụ như nhau. Vì ý tưởng này, dĩ nhiên vào thời điểm ấy, ông bị chống đối kịch liệt, đặc biệt từ những người cùng niềm tin tôn giáo với ông. Trong vòng 14 năm, rất nhiều người dân trong thành phố đã cố gắng ngăn chặn kế hoạch của ông, kể cả loại trừ ông và quấy rầy những người nghèo thuộc nông trại Koinonia. Cuối cùng vào năm 1954, quá mệt mõi với Clarence Jordan, Ku Klux Klan (KKK) – một tổ chức phân biệt người da màu và chống chính sách nhập cư tại Mỹ, đã quyết định loại bỏ ông Jordan. Vào một đêm tối, với vũ khí và đuốc, KKK đã đốt tất cả các căn nhà trong nông trại Koinonia và đuổi tất cả dân làng đi hết, chỉ trừ căn nhà của ông Clarence Jordan. Trong hoãng loạn đêm đen, ông Clarence cũng đã  nhận ra những giọng nói quen thuộc, trong đó có một số người cùng thuộc cộng đoàn tôn giáo với ông.

Sáng hôm sau, các phóng viên đến hiện trường để tìm hiểu sự việc. Họ gặp ông Clarence Jordan đang cuốc đất và trồng lại những cây cối đã bị tàn phá tối hôm qua. Các nhà báo hỏi chuyện, “Tôi nghe một thảm cảnh xảy đến với nông trại của ông, chuyện đầu đuôi ra sao?” Ông Clarence vẫn tiếp tục cuốc đất và trồng cây trong thinh lặng. Các nhà báo vẩn cố tìm cách lôi kéo ông Clarence vào cuộc với giọng giễu cợt, “Tiến sĩ Jordan, ông có hai bằng tiến sĩ và ông đã phí 14 năm trên nông trại này. Bây giờ không còn gì nữa. Ông nghĩ là ông đã thành công hay sao?” Ông Clarence ngừng lại, nhìn những nhà báo với giọng cương quyết ông đáp: “Thưa các ông, thành công như thập giá vậy! Tôi không nghĩ là các ông hiểu chúng tôi. Những gì chúng tôi đang làm tại nông trại này không phải vì thành công, nhưng là vì trung tín. Chúng tôi sẽ tiếp tục ở đây!” Từ ngày ấy trở đi, ông Clarence và những cộng sự của ông đã xây dựng lại nông trại Koinonia và nó vẫn phát triển cho đến ngày nay[1].

* * *

“Những gì chúng tôi đang làm tại nông trại này không phải vì thành công, nhưng là vì sự trung tín.” Một lời khẳng định chắc chắn nhắm tới cho một mục đích rõ ràng: Trung tín với lý tưởng của mình. Đó có thể là thách đố cho những ai dấn thân đời mình cho lý tưởng phục vụ con người và xã hội.

Thông thường khi ta dấn thân cho một lý tưởng phục vụ, ta được thúc đẩy từ những hoàn cảnh thực tế – có thể ta là nạn nhân, hoặc có thể ta cảm nhận được lý tưởng dấn thân của ta có giá trị cho con người. Chính vì lẽ đó, thời gian đầu luôn làm cho ta phấn khởi bởi những thành quả mà ta đạt được; hay ít ra ta cũng thấy ý nghĩa của những hy sinh của ta. Nhưng theo thời gian năm tháng, những nỗ lực hay thành quả của ta – dù nó vẫn có đó, nhưng không còn mới mẽ như xưa, nên đôi khi ta cũng không nhận ra được thành quả nữa. Chỉ tiếc rằng, ta ít khi nhận ra điều này. Đáng buồn hơn, khi ta không “tạo” thêm thành quả mới thì ta dễ rơi vào suy  nghĩ tiêu cực là ta “vô dụng.”  Thực tế, căn nhà đã xây xong là một thành quả, dù sau 20 năm nó cũng là một thành quả. Không phải suy nghĩ như thế để an ủi chính mình, nhưng đó là thực tế thành quả của chính ta, của công sức của ta, của nỗ lực của ta. Căn nhà tôi xây dù có cũ đi, không có nghĩa rằng nó không phải là thành quả của tôi!

Lý tưởng phục vụ con người cũng như thế. Năm tháng và giới hạn về thể lý, hoàn cảnh của con người sẽ ảnh hưởng đến lý tưởng và sáng kiến phục vụ của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là mình vô dụng. Điều quan trọng là sự trung tín với lý tưởng bao lâu có thể. Hoàn cảnh và thể lý có thể không cho phép ta thực hiện những hoài bão như dự tính, nhưng sự trung tín với lý tưởng đã là một nỗ lực thành công rất lớn rồi. Hơn ai hết, Mẹ Têrêsa Calcutta đã thấm thía thế nào là thành công khi xung quanh mẹ vẫn là những người bất hạnh không được chăm sóc đầy đủ. Tiếng kêu của Mẹ vẫn không được những người quyền thế và giàu sang hưởng ứng. Sự dấn thân của mẹ vẫn bị nhiều người phê bình lên án. Vâng, giữa những sự không thành công ấy, Mẹ vẫn khẳng định: “Tôi không được Chúa gọi vì sự thành công, nhưng vì sự trung tín.”[2]

Thưa bạn, khi chân bạn mõi, gối bạn chùn, mắt mờ, và trí óc tăm tối, bạn chỉ hướng đến một điểm thôi, để có thể nói rằng: Tôi được gọi không vì thành công, nhưng vì sự trung tín.

Br. Huynhquảng


[1] Lược dịch từ Galaxie Software, 10,000 Sermon Illustrations (Biblical Studies Press, 2002).

[2] Từ http://www.osv.com/OSV4MeNav/BlessedMotherTeresa/WeAreCalledToBeFaithful/tabid/3143/Default.aspx (truy cập 25/2/2013).

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau