NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (7)

TÌM CÁCH GIẢI QUYẾT

Chúng ta phải chú trọng: những lời tường thuật này thì không là lý thuyết nhưng có hiệu quả rất thực tế. Chúng ta có thể thay đổi toàn thể cuộc đời chúng ta và thái độ của những người chung quanh chúng ta bằng cách thay đổi chính chúng ta. Sự thay đổi thì không dễ. Sự thăng tiến thì có thể chỉ khi sự khởi đầu nơi chính mình được nhận thấy và được chấp nhận. Có quá nhiều người cố gắng giáo dục và thay đổi người bạn mình. Có biết bao người đi đến hôn nhân với ý nghĩ sẽ thay đổi được người bạn. Trong cuộc sống chung, chúng ta ảnh hưởng và thay đổi lẫn nhau không phải bằng cách chú trọng trên sự thay đổi người bạn mình. Chỉ bằng hành vi của riêng chúng ta, chúng ta có thể ảnh hưởng được những người chúng ta cùng chung sống.

Bất cứ điều gì xảy ra trong liên hệ hôn nhân đều cho thấy tương quan của cả hai người phối ngẫu. Thay vì đòi hỏi chung chung: “Nếu bạn tôi thay đổi, tôi cũng vui vẻ thay đổi”. Chúng ta nên nhận thấy sự thật này là: “Nếu tôi thay đổi hành vi thái độ của tôi, người bạn mình không thể tiếp tục lối xử sự của họ”. Ngay cả những thay đổi nho nhỏ trong thái độ của người này cũng được phản ảnh ngay lập tức trong thái độ của người kia. Không nhận ra được điều đó, chúng ta không thể hiểu được sức mạnh đáng kể của tương giao hài hòa.

Thật bất hạnh cho chúng ta là chúng ta biết nhiều về cách thế để giao chiến nhau, để giết hại nhau, để đâm chém nhau hơn là cách thế để làm vui lòng nhau, để yêu nhau, để cảm thông tha thứ, hay để mang lại hạnh phúc cho nhau. Vì thế, chúng ta thường thành công trong việc đâm chém nhau hơn là đi tìm hòa bình. Chúng ta thường tốn phí quá nhiều thì giờ và tiền bạc để tìm những mánh khoé, những mưu mô, những thủ đoạn bất chính để làm hại người khác nhất là khi cuộc chiến đã bùng nổ. Trong mối tương quan vợ chồng cũng vậy, chắc chắn cũng đã có những cuộc chiến cũng như những tranh chấp đã từng xảy ra trong quá khứ, nên rất cần có thời gian để thiết lập lại một bầu khí kính trọng và tin tưởng nhau.

Nên biết rằng không phải mọi người đều hoàn toàn xấu hay hoàn toàn tốt cả đâu. Cái khả năng có thể trở nên tốt hay xấu đều hiện hữu trong mỗi con người chúng ta. Chính người chồng cũng như người vợ đều có khả năng để làm cho cái tốt hoặc cái xấu của người bạn mình chổi dậy. Nhưng họ biết gì về người bạn của mình?

Dẫu cho họ sống chung với nhau trong cùng một căn phòng, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một giường, nhưng họ biết về nhau được bao nhiêu? Cứ sự thường, họ chỉ biết về những thói xấu của nhau như thích nắm quyền, thích phàn nàn, thích tiêu tiền, thích rượu chè, không thích làm việc. Nhưng họ không biết được nguyên nhân nào đã làm cho bạn mình có thái độ sống như vậy. Và một khi họ thấy chán chường, họ chỉ muốn loại bỏ những chứng bệnh đó mà không muốn thõa đáng những nhu cầu tâm linh cần thiết giữa họ với nhau. Tuy nhiên, khi hai người có dịp sống xa cách nhau thì lại là dịp họ sẽ hiểu nhau nhiều hơn lúc trước. Chính những tranh quyền tranh lợi đã làm cho đầu óc họ ra tối tăm. Mỗi khi đổ lỗi cho nhau, họ cố gắng bào chữa những sai lầm của mình.

Chính việc không biết đến những quyền lợi căn bản của người khác đã làm cho họ cứ tiếp tục tranh đấu cho quyền lợi cá nhân của riêng mình. Điều mà họ nói về người khác thì thường là đúng, dầu những tường thuật giữa họ xem ra là mâu thuẫn với nhau. Nhưng điều quan trọng không phải là ai sai ai đúng, vì mỗi người đều đúng dưới cái nhìn của riêng mình nhưng sai dưới cái nhìn của đối phương. Nếu chúng ta yêu một người nào, chúng ta sẽ không hỏi người đó đúng hay sai. Đó là lý do tại sao người ta thường nói “yêu là mù quáng”. Nhưng tình yêu thì không nhất thiết mù quáng. Chúng ta thường nói “anh yêu em dẫu em có bất toàn”, anh yêu em và chấp nhận em như em hiện là. Điều đó có nghĩa là dẫu em đẹp hay em không đẹp, em tốt hay em xấu, anh vẫn yêu em. Nhưng sau đó, khi quyền lợi của chúng ta bị đe dọa, chúng ta sẽ không chấp nhận nhau như trước nữa. Trái lại, để tranh đấu cho ưu thế của chúng ta, chúng ta thường đi tìm những lỗi lầm nơi người bạn chúng ta và dùng chúng như những lý do chính đáng để chấm dứt sự cộng tác của chúng ta. Hãy nhớ rằng đối với sự hạnh phúc của chúng ta, câu hỏi sai hay đúng không phải là quan trọng, nhưng biết chấp nhận cái xấu cũng như cái tốt của người khác mới là quan trọng.

Chúng ta cần nhớ rõ điều đó khi có sự bất đồng ý kiến hoặc sự chán nản đe dọa đời sống hôn nhân của chúng ta. Bước đầu tiên cũng như điều kiện trước tiên cho mọi cuộc thăng tiến là chấp nhận tình trạng hiện đang có. Cần phải đối diện vấn đề một cách can đảm là điều kiện thiết yếu cần có trước nhất để có một lối thoát cho vấn đề đang gặp phải. Điều đó dĩ nhiên không phải là dễ. Nhưng chạy trốn thực tại thì không phải là cách thế thực tế. Không có vấn đề nào được giải quyết bằng cách thế đó. Một khi chúng ta đã quyết định đối diện vấn đề là chúng ta đang đi đúng đường. Sau khi loại bỏ được ảo giác cho rằng chúng ta có thể thành công bằng các giao chiến và áp lực vấn đề, khuất phục được cảm giác không phù hợp trong con người chúng ta, và nhận ra rằng đối phương cũng đau khổ như chính mình là chúng ta đã tìm ra những giải quyết. Tuy chậm và cũng có thể là không thích hợp ở lúc đầu, nhưng với sự can đảm gia tăng, chính sự tự tin sẽ làm chúng ta ít bị thương tổn và giúp chúng ta ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp hơn.

Mẫu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta có ít nhiều kinh nghiệm trong việc đối đầu với những lủng củng của chúng ta trong đời sống hôn nhân. Những lủng củng đó có thể được loại bỏ hoặc giải quyết một cách dễ dàng nếu cả hai người phối ngẫu hiểu được những động lực sâu xa đang tiềm ẩn đàng sau những biến chứng đang xảy ra. Một khi họ nhận thức được tất cả những nguyên nhân đó, họ sẽ không còn giận dữ và lên án nhau nữa. Trái lại, họ cố gắng đi tìm những cách thế để thay đổi tình huống một cách tốt đẹp.

Chị Nguyễn thị Kim Dung là một người đàn bà trẻ trung, thùy mỵ, và dễ thương. Chị có một vấn đề xem ra không có gì quan trọng, nhưng đang đe dọa đời sống hôn nhân của chị. Chị lấy chồng được một năm và xem ra rất hòa hợp trong đời sống vợ chồng cũng như trên bình diện xã hội. Nói chung, vợ chồng chị sống vui vẻ với nhau ngoại trừ một vấn đề bất ổn dần dần đã làm cho cuộc hôn nhân của họ mất đi hòa khí và trở thành nặng nề.

Chị ta cho biết rằng dầu chị đã cố gắng hết sức, chị cũng không thể làm cách nào để chồng chị trao tiền cho chị mua thức ăn cũng như trang trải những chi phí khác đúng thời gian. Chị ta cứ phải hỏi tiền mỗi tuần nhiều lần. Nếu chị ta không hỏi, anh ta quên đưa tiền cho chị cho tới khi tuần đó qua đi. Chị có đem chuyện đó ra nói với anh ta, rồi còn năn nỉ và hăm dọa anh ta nữa, nhưng tất cả đều vô ích. Họ càng gây lộn với nhau thì anh ta càng ít đưa tiền cho chị. Vậy chị ta có thể làm được gì? Bây giờ thì anh ta bắt đầu tố cáo chị tiêu tiền quá nhiều. Chị ta phải làm gì để tránh chiến tranh bùng nổ?

Tôi có thể hiểu được tình cảnh khó khăn của chị. Chị không thể nào dự trù được ngân sách của chị ngay cả đến những bữa ăn. Chị ta phải đi mượn tiền, phải đi vay nợ, đó là những điều mà chi rất ghét. Nhưng chị ta cũng không thể làm gì khác hơn là năn nỉ hay đe dọa.

Thật rõ ràng là thái độ phi lý của người chồng. Người chồng xem ra là kỳ cục nếu chỉ nhìn trên bình diện lý trí. Anh ta không có quyền cũng như không có lý do chính đáng để hành động như thế. Nhưng tình huống có thể là khác hẳn nếu được nhìn dưới nhãn quan tâm lý. Anh ta yêu vợ và hy sinh cho vợ rất nhiều đến nỗi chị ta có thể thuyết phục anh ta làm bất cứ điều gì chị ta muốn. Chị đã làm như thế, ngoại trừ trong vấn đề này, bởi lẽ chỉ còn một lãnh vực duy nhất mà anh ta cảm thấy có thể còn giữ được uy thế, còn giữ được thế thượng phong, đó là vai trò cung cấp. Anh ta muốn lợi dụng vai trò này để giữ được uy quyền của mình trên người vợ, nhưng anh ta hoàn toàn không ý thức gì về chuyện đó. Anh muốn được hỏi và được xin. Nếu anh ta trao cho chị số tiền ngay vào đầu tuần, uy quyền của anh sẽ không còn. Nhưng anh ta không thể cắt nghĩa điều đó cho chị ta được vì anh ta hoàn toàn vô ý thức về vấn đề này. Anh ta hoàn toàn vô thức về động lực tâm lý của mình. Vì thế, khi chị ta tố cáo anh, anh ta phải đi tìm những lý do loanh quanh để cắt nghĩa. Nhưng những lý do loanh quanh đó chỉ làm cho chị ta thêm tức giận mà thôi. Do đó, họ đã đi đến chỗ bế tắc trong cuộc chiến tranh lạnh và cũng rất có thể làm cho cuộc hôn nhân của họ đi đến chỗ tan vỡ.

Sau khi giúp chi ta hiểu được lý do tại sao chồng chị đã làm như thế, chị ta không còn tức giận nữa. Chị đã tìm ra cách thế dễ dàng để giải quyết vấn đề của chị. Trước hết, chị ta không còn khó chịu nữa, nhưng rất vui vẻ hỏi anh ta điều chị cần đến. Thứ đến, chị muốn anh ta cũng được vui vẻ. Và nếu đó là cách làm cho anh ta vui vẻ, tại sao chị lại không làm? Chị có thể lấy một trăm đô la như chỉ lấy hai mươi đô la nếu chị chịu hỏi anh ta nhiều lần. Quả thật, anh ta rất rộng rãi với chị. Vì thế, sau đó nhiều lần chị ta đã lấy không những một vài trăm mà ngay cả một vài ngàn một cách dễ dàng để chi trong những việc cần thiết mà không có gì rắc rối.

Điều mà chị ta học được từ kinh nghiệm này là: làm một cái gì khác hơn là giải quyết vấn đề tiền bạc. Chị đã khám phá ra rằng cái nguy hiểm thật của họ nằm trong chỗ tranh chấp quyền hành lẫn nhau, và rằng anh ta thật sự sợ chị nắm quyền trên anh ta. Nhờ tâm lý, chị ta đã hiểu được cái gì là động lực sâu xa, đâu là lý do tại sao đã khiến anh ta hành động như vậy? Sau khi đã khám phá ra được điều đó, chị đã có thể tìm được một phương cách để giải quyết vấn đề của chị một cách thành công và dễ dàng.

Lm. Lê văn Quảng.

Bài trước Bài sau