NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (3)
TÌNH YÊU CẦN SỰ DÀI LÂU
Người chồng cũng như người vợ một khi ý thức về vấn đề này sẽ cố gắng kích thích tình cảm, cố gắng có được sự đáp trả thay vì quan tâm đến quyền lợi riêng mình. Rất nhiều người không bao lâu sau khi kết hôn quên đi khả năng quyến rủ và lôi cuốn của họ. Họ tin rằng giấy chứng nhận hôn phối cho phép họ có quyền hưởng thụ. Và khi những mong đợi của họ không đạt được, họ đòi hỏi nhiều hơn thay vì tìm cách để thu hút hơn. Nhiều bà đã phải khổ sở để làm cho mình có sức hấp dẫn hơn khi họ đi ra ngoài hoặc đi thăm bạn bè nhưng lại quên chăm sóc cho sự thân mật trong đời sống gia đình. Họ đón nhận tình yêu của người chồng được trao ban thay vì chiếm được sự ngưỡng mộ và tình cảm mới mẻ của ông. Một khi đã kết hôn rồi, họ không còn lo lắng: họ có còn hấp dẫn để khêu gợi được cảm giác cũng như cảm xúc của người bạn mình nữa không, và họ quên mất phương cách tế nhị mà họ đã dùng một cách thành công để tóm gọn được chàng. Họ có thể xem những cố gắng như thế là nhục mạ. Không, chúng phải được yêu quí như chúng đáng yêu. Không có người đàn bà nào quá trẻ và quá đẹp đến nỗi không cần những điều đó, và cũng không có ai già và xấu quá đến nỗ không thể tìm những phương cách khéo léo để giữ cảm xúc của ông chồng luôn sống động.
Nhiều người đàn ông cũng cư xử trong cách thế đó. Sau khi kết hôn hoặc ít nhất sau những ngày trăng mật, họ quên mất đi sự ngọt ngào là cái đã mang đến sự phấn khởi. Ít ra trong những dịp sinh hoạt có tính cách xã hội, họ nên tỏ cho thấy sự tận hiến của mình trước mặt những người khác. Họ không nhận ra rằng người đàn bà đòi hỏi những dấu hiệu của tình yêu và không thể lấy gì biểu lộ mình yêu nếu điều đó không được lập đi lập lại. Sau đám cưới, các ông thường không tăng không giảm trong việc tìm cách thuyết phục một người đàn bà. Xem ra các ông không được huấn luyện để làm điều đó. Họ xem các bà như bị bó buộc vào bổn phận hôn nhân và đòi hỏi sự thõa mãn trong việc tình ái như là một sự đương nhiên. Nhiều người trong họ nghĩ rằng chỉ có sự ham muốn của các ông mới là quan trọng và các bà phải chấp nhận điều đó mỗi khi họ muốn. Họ tin rằng các bà nên luôn sẵn sàng nhưng không bao giờ nên đòi hỏi.
Niềm tin vào sự ưu thế của phái nam của họ cổ vũ cho quan niệm sai lầm này và thường thì rất khó thay đổi. Họ không học biết rằng sự đáp trả đối với vấn đề làm chuyện tình ái là bổn phận của cả hai, và bất cứ một bất hòa nào trong sự liên hệ tình ái phải được xem là một vấn đề chung và chỉ có thể giải quyết nếu cả hai bên cùng nhau cố gắng cho bổn phận chung đó.
MỌI TRỤC TRẶC LÀ BỔN PHẬN CHUNG
Thật là hữu ích cho sự hạnh phúc hôn nhân nếu nhận biết rằng bất cứ một trục trặc nào trong hôn nhân đều là bổn phận chung cần đến sự giúp đỡ và cùng nhau giải quyết. Tình trạng nan giải có thể xảy đến không hẳn làm nguy hiểm sự hợp nhất, trái lại thường làm họ gắn chặt nhau hơn. Mọi sự chỉ tùy thuộc khả năng hai người gắn bó vào nhau khi phải đối đầu với công việc khó khăn. Có cùng quan điểm và cùng nhau thiết lập những giá trị chung sẽ làm tăng thêm sức kháng cự đối với bất cứ một chiều hướng đối nghịch nào. Một niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, một quan niệm triết lý về nhân sinh vững vàng được chia xẻ bởi cả hai, mang lại cho hôn nhân một sự vững bền. Điều đó không có nghĩa là sự khác biệt tôn giáo và niềm tin xung khắc là một bệnh hoạn. Những khác biệt như thế đòi hỏi một sự hiểu biết rộng rãi, sự cảm thông, và sức chịu đựng được phát triển một cách tốt đẹp.
CẢ BÊN VỢ LẪN BÊN CHỒNG ĐỀU LÀ BỔN PHẬN CHUNG
Một trong những đe dọa nguy hiểm và gần như phổ thông đối với sự hài hòa hôn nhân là sự phân biệt bên chồng, bên vợ. Không phải bất cứ một sự nan giải nào phát xuất từ đây đều khó giải quyết hơn những cái khác. Nhưng trong trường hợp này, sự cám dỗ thì rất mạnh để đổ lỗi cho người bạn mình và gia đình họ cho những xung đột xảy ra. Mẹ chồng và gia đình thì thường trục trặc hơn. Trong lúc bà mẹ vợ rất hân hoan chào đón chàng rể vào trong gia đình, bà mẹ chồng thường không xem cô gái nào tốt đủ để họ quí trọng. Di nhiên, có nhiều luật trừ cho điều lệ này, nhưng kinh nghiệm cho thấy có chút lợi điểm thiên về phía mẹ vợ. Chính sự phân biệt sẽ dẫn đến sự đụng độ và chán nản ngoại trừ cả hai bên cùng quyết định xem mọi trục trặc như là một bổn phận chung. Nếu không, người này đổ lỗi cho người kia là phe phái và không hiểu gì cả.
Một khi sự chống đối đã được thiết lập, sự giải quyết thõa đáng bị cản trở. Việc cố gắng để thuyết phục đối phương là sai, thì điều đó không giúp ích gì và cũng không làm hiểu nhau hơn. Cô nàng dễ dàng quên mất đi sự khó xử của người chồng bởi sự giằng co giữa bổn phận của một người chồng và bổn phận của một người con phải bảo vệ mẹ mình trước những tố cáo của vợ. Nhận ra sự xung khắc của người mẹ đáng kính và người vợ đáng yêu, người đàn bà thông minh sẽ giúp chồng giải quyết vấn đề bằng cách không làm chồng giận bởi những lời phàn nàn của nàng. Không khó để tìm ra một câu trả lời hữu hiệu cho một tình thế mà nhiều người cho là không giải quyết được, nếu chúng ta biết xử dụng óc tưởng tượng chúng ta và sự thông minh của chúng ta trong chiều hướng đúng. Những khác biệt quá nhiều về lợi ích giữa những phần tử khác nhau của gia đình có thể không thể nào xóa hết được ít nhất là trong lúc này, nhưng sự hài hòa trong hôn nhân không nhất thiết đau khổ.
Không phải mọi xung đột bên chồng cũng như bên vợ có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Cần phải chịu đựng và kiên nhẫn hơn đối với những người xem ra không muốn chấp nhận sự hiện diện của nàng trong gia đình. Nhưng bao lâu nàng không để bất cứ ai có thể tách rời nàng ra khỏi chàng, bao lâu nàng còn quyết tâm yêu chàng, khích lệ chàng, nâng đỡ chàng, và giúp chàng thắng vượt mọi xung khắc trong chàng, chắc chắn không gì có thể tiêu hủy sợi giây liên hệ của họ. Sau cùng, nàng sẽ thắng được bà mẹ chồng là người cuối cùng cũng phải nhận thấy rằng bà phải chấp nhận đứa con dâu của bà vì không cách nào lấy nàng ra khỏi trái tim của đứa con mình.
Lối giải quyết này xem ra không thể ở lúc đầu, nhưng rồi biến thành có thể bởi những người xem ra biết tế nhị và có sự quyết tâm, là những người tuy đau khổ nhưng vẫn biết cảm thông đối với những khổ đau của những con người muốn mạ lỵ và làm tổn thương mình. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp có thể không thành công, nàng có thể thuyết phục chồng rằng quả thật không còn cách nào để giúp bà mẹ cho dẫu chúng mình có cố gắng tìm hết mọi cách tốt đẹp nhất. Bấy giờ, chàng sẽ nhận thấy nàng như một người bạn chân thành và tuyệt vời, chàng sẽ tin tưởng vào nàng và lấy sức mạnh qua nàng, chàng có thể tiến đến việc thiết lập một sự độc lập khỏi bà mẹ, một sự độc lập mà những người đàn ông may mắn có được dưới những trường hợp ít bi đát và ít đau khổ. Trong mọi trường hợp, cách cư xử thích hợp của người vợ, người không nhường cũng không chống, nhưng biết cảm thông và giúp đỡ, có thể khôi phục được sự quân bình giữa mẹ và con, và như thế sẽ không còn làm hôn nhân của họ nguy hiểm nữa.
Dĩ nhiên, tình trạng như thế này cũng có thể xảy ra đối với những người phía bên vợ như vậy. Có nhiều cặp hôn nhân và nhất là đối với những cặp mà hai gia đinh không được “môn đăng hộ đối” hay hoàn cảnh kinh tế gia đình cách biệt quá xa, chàng có thể bị khước từ hay bị coi thường bởi những người bên vợ. Nếu chàng tin rằng chàng có thể đòi hỏi sự phục tùng của nàng và nếu chàng xem đó như là một bổn phận của một cô gái đã lấy chồng, chàng sẽ tỏ ra không cần sự cảm thông đối với những qui luật nhân bản dành cho nàng. Chàng có thể ép buộc nàng phục tùng, nhưng rồi chàng sẽ gặt sự thù ghét mà chàng đã gieo. Những yêu sách, đòi hỏi như một phương cách để giải quyết những khó khăn thì chẳng có ích gì nếu người chồng nghĩ họ có quyền làm như vậy. Thật không may, bản tính của đàn ông thường không sẵn sàng để mang lại cho những bà vợ sự khích lệ và sự dễ dàng trong những trường hợp khó khăn, cách riêng trong những lúc có sự xung đột. Dường như cái quan niệm dành cho phái nam một sự ưu thế đã khiến cho các ông mất sự cảm thông và thiện cảm. Sự nhạy cảm đối với thể diện của họ rất dễ dàng được khơi dậy và xem ra vì thế giá của họ, họ phải đòi hỏi và cưỡng bách sự phục tùng đó. Dầu sự trục trặc xem ra là do bên vợ, thật ra nó đã được tạo ra bởi cách cư xử thống trị và hay đòi hỏi của người chồng.
Tác giả: Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.