Chúa Nhật Thường Niên 2A:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.”
Đúng nửa đêm giao thừa tết tây năm 1999, mười một tổng trưởng tài chánh của mười một nước trong thị trường chung Âu Châu đã họp nhau ở thủ đô nước Bỉ, mở rượu sủi bọt kêu đôm đốp để chúc mừng nhau khai mào một kỷ nguyên “vĩ đại” cùng thỏa hiệp sài chung một loại tiền, đó là đồng Âu (euro). Dẫn đầu là các nước Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Áo, Ái, Lục, Bồ, Phần Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha. Dân hồng mao Anh vốn là mẫu quốc của Mỹ tuy hai mà một, vẫn còn chơi bài “khoan” để đi hai hàng với chú Sam. Thụy Điển và Đan Mạch ở xa cũng thấy chưa mắc mớ gì mà phải rộn lên! Hy Lạp và mấy nước Đông Âu mới được “ơn trở lại” thì còn phải đứng vòng ngoài chầu rìa!
THỜI ĐIỂM ĐỒNG ÂU EURO TRANH MỐI
Sở dĩ mấy ông Tây ông Đức vốn thù nghịch với nhau nay phải ngồi lại là để có sức mà đương đầu với ông thần đô-la quá quyền năng thao túng thế giới chả còn coi ai ra cái thá gì cả. Ai đời thuở nào, các nước Âu châu đã từng tự phong vai trò mang “ánh sáng văn minh” thực dân đi khai phá chiếm đoạt các nước “tối tăm tiểu nhược” bên Á, bên Phi, bên Mỹ kể cả nước Mỹ… một thời bá chủ hoàn cầu mà nay lại bị chú Sam chơi gác quá. Vậy là phải tự ái rồi. Dù sao Âu Châu cũng là cha đẻ của văn minh hiện đại. Thị trường chiếm tới một phần năm thế giới chứ ít gì của.Vậy không thể để mất mặt “bầu cua” mãi được! Hăng hái nhất trong vụ này là ông Pháp , ông Đức và ông Ý, vốn cay cú từ lâu, nay mới có dịp ra tay.
Nghe tin này xong có người thở dài phát ngôn ngay: lại một màn tranh mồi, tranh mối và tranh gáy nữa. Thì cũng là để chèn nhau miếng to miếng bé, chỗ cao chỗ thấp. Cứ trông cảnh bảy anh nhà giầu nhất thế giới xếp hàng chụp hình ở cái gọi là thượng đỉnh kinh tế, thì chú Sam bao giờ cũng phải đứng giữa như mặt trời cười toe toét cho các hành tinh khác tung hấng hào quang vòng quanh theo thứ bậc lớn nhỏ. Mấy thế kỷ trước các nước Âu chèn cựa chia chác thuộc địa để kiếm mồi, vênh vang lên mặt, thì thời mới người ta đã thấy rõ một “trật tự mới” khác ngay từ lúc ba ông chóp bu xếp đặt chia chác trên một chiếc tàu đậu ngoài khơi đảo Malta ở Địa Trung Hải trong lúc đại chiến thứ hai gần kết thúc. Đó là các ông Roosevelt của Mỹ, Churchill của Anh, và Stalin của Nga. Rồi sau đó là các “ông thần” nhiều râu được đúc nặn ra để chỉ tay dẫn đạo thế giới hết chiến tranh nóng, đến chiến tranh lạnh, hết bom bẩn đến bom sạch… Thôi thì đủ bùa đủ phép! Chỉ tội cho bao nhân mạng cứ phải làm con vật thí nghiệm tế thần cho những tham sân si khốn khổ của cái kiếp người.
PHAN LẠC TIẾP VỚI QUÊ NHÀ 40 NĂM TRỞ LẠI
Đây là tập bút ký những tâm tình trong chuyến về thăm Việt Nam sau bao năm xa cách. Cũng như những dòng suy tư “Cánh Vạc Lưng Trời” lờ lững bâng khuâng không biết bay về đâu trên khung trời vô định, những ghi nhận này lại từ những thực tế xót xa, bùi ngùi.
.. nhiều chỗ đọc mà muốn khóc. Nhất là chương cuối cùng chất chứa nhiều xúc động.
“Tôi, lúc này tôi trở về, nhớ quá mà phải về, tuổi đã già, tài lại chẳng có và hoàn cảnh thì khác. Cuộc chiến tranh dài dặc đầy tàn khốc:
Sống trên đời chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không.
(thơ Tô Thùy Yên)
Vâng, sống được đã là lạ. Đất nước đổ nát, lòng người đổ nát, ở đâu cũng thấy những chua xót, đắng cay, và kinh sợ…” (trang 258)
Đắng cay chua xót nhất phải kể đến cảnh ghé lại Vườn Hoa Canh Nông thuở trước. Người Pháp chiếm Việt Nam xong thì xây ở vườn hoa này một đài lớn: hai người Tây cao lớn đặt tay lên đầu một người An-nam thấp nhỏ đen đủi quì dưới chân mà lãnh nhận ơn dạy dỗ khai phá. Người dân Việt uất hận khi nhìn bức tượng này, nên sau khi Pháp cuốn gói chạy, dân chúng ùa ra kéo đổ xuống “để mở đầu cho một giai đoạn mới, giai đoạn đi tìm độc lập, giai đoạn của bao nhiêu máu đổ, xương rơi, chia lìa, thù hận. Bây giờ, sau gần 50 năm, tôi trở lại Hà Nội, cảnh trí có thay đổi, nhưng nơi đây tôi vẫn còn nhận ra. Một pho tượng khác, một người Tây nào đó đứng kia. Đó là tượng Lê Nin. Lê Nin tay trái ôm cuốn sách (chắc là cuốn Tư Bản Luận), và tay phải chỉ xuống, thẳng băng…” (trang 262)
Mấy “ông thần” râu xồm đến từ bên Tây chỉ tay cho dân mình tiến lên đỉnh cao sao mà khủng khiếp quá! Người mình được dạy đổ nhiều máu đi làm lịch sử với những chiến thắng thần kỳ. Bên Đông Âu nhiều tượng “thần” đã bị lôi cổ xuống. Bây giờ thần Euro có vùng vẫy xây tượng lại thì chắc cũng không còn giá bao nhiêu. Vậy chắc dân ta lại phải rước ông thần đô-la màu xanh tươi trở lại cho thêm rạng rỡ. Lại thêm một “ông thần nhiều râu” đặt tay dạy dỗ chỉ đường nữa!
Thế là mình vẫn chưa sao ra khỏi được cái vòng quẩn tự đầy đọa. Thì đây là những dòng cuối cùng của cuốn sách, chảy xuống như dòng nước mắt vật vã của bao bà mẹ ôm xác con, của cả dân tộc mình tang tóc đổ vỡ và nhục nhằn thua kém, của bao uất nghẹn sau những gì phi lý lãng nhách, của bao hụt hẫng mất mát ê chề và bi thảm tột cùng.
“Tôi buồn quá, chua xót quá. Tôi bảo các cháu tôi, các em tôi: “Thôi đừng đi đâu nữa, chẳng cần xem gì nữa…”. Chúng tôi trở lại trung tâm Hà Nội, ngồi bên Hồ Gươm, trong nhà Thủy Tạ. Mọi người nghỉ mệt. Lòng tôi ngao ngán, và mệt mỏi lạ lùng. Tôi nhìn ra mặt hồ, nước vẫn xanh ngắt, lớp lớp sóng xô, gió thổi trùng trùng. Mọi người ăn trưa, nâng ly rượu lên mời. Tôi cũng nâng ly rượu lên mời. Ly lạnh, bọt rượu chảy ra ngoài ly ngoằn ngoèo như hàng lệ chảy. Tôi cúi xuống, lòng tôi chùng và bỗng nhớ đến câu thơ của một người bạn, Tô Thùy Yên, sau cuộc chiến, nằm trong rừng sâu của “trại cải tạo”, đã viết:
“Nước mắt ta tuôn khi nghĩ đến
Những người đã chết, chết như rơm.”
TIN VUI TỪ NHỮNG DẤU LẠ VÀO THỜI ĐIỂM 2000
Bằng ấy khốn cùng đã đủ cho con người tìm ra một con đường nào khác sống an bình và có ý nghĩa hơn vào ngàn năm mới không? Đang khi các nước nghèo lóa mắt lên cơn sốt chạy theo các loại thần cứu mạng do các quyền lực với các mớ lý thuyết kinh tế vất sang từ Âu Mỹ, thì các nước Tây phương lại mệt mỏi đi tìm một cái gì khác. Chả lẽ làm người sinh ra trên mặt đất này cũng chỉ để lo tìm mồi nhét cho đầy dạ dầy theo nhu cầu chung như một động vật, dù là duy vật hay duy lợi thì cũng giống nhau.
Bằng chứng là trong khoảng hai chục chiều hướng sở thích mà con người vào thời điểm 2000 đang tìm tới, do tờ The Times-Picayune vùng New Orleans nêu ra dịp đầu năm 1999, thì có mấy điểm cuối rất đáng chú ý:
- Con người bắt đầu thích đề cao tuổi trưởng thành hơn là chỉ tô điểm và ham hố tuổi trẻ. Cơn ám ảnh về trẻ đẹp thân xác nay nhường chỗ cho sức mạnh nội tâm và sự giầu sang của tình nghĩa qua những tháng ngày tận tụy phục vụ, thích đề cao những giá trị tinh thần hơn là những khoe mẽ bề ngoài hay những đòn phép lọc lừa. Sách của cựu tổng thống Carter bán chạy trong chiều hướng này. Và những sách của lớp trung tuổi viết ra với kinh nghiệm chín mùi sau khi đã thấm mệt cuộc đời “thấy vậy mà chẳng phải vậy”.
- Nhiều người thích tìm đến những tiệm sách đạo thay vì những sách báo dâm ô đã truyền độc làm ung thối rã rời tan hoang. Và thích những nhà khảo cứu Thánh Kinh hơn những tay hùng biện trên màn ảnh Tivi buôn nước miếng.
Vào thời điểm Đức Giêsu xuất hiện tại Do Thái, nhiều người cũng đi vào sa mạc để tìm cho ra con đường giải thoát, trong đó có Anrê và một môn đệ khác của Gioan Tẩy Giả. Nhưng rồi mọi người như đi vào ngõ cụt tù mù, vì sư phụ nào cũng chẳng làm toại nguyện. Đọc được tâm trạng của họ, một hôm Gioan thấy Đức Giêsu đi tới thì giới thiệu ngay với lời quả quyết:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian… Tôi đã thấy Thánh Linh tựa như chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Ngài. Tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng sai tôi đi làm phép rửa bằng nước, đã căn dặn tôi: “Chừng nào ngươi thấy Thánh Linh ngự xuống và dừng lại trên ai, thì đó là vị sắp làm phép rửa bằng Thánh Linh”. (Gioan 1: 29, 32-33)
PHÚT TỊNH TÂM
Đúng vậy. Giá phải trả cho một trăm năm vật vã trong vũng lầy vật chất nhầy nhụa cũng đã quá đủ. Tìm về giá trị tinh thần, tìm ra nét giầu có của nội tâm, lấy lại được sinh lực niềm tin, là dấu chỉ của thời đại vào lúc cựa mình bước qua ngưỡng cửa thiên kỷ thứ ba. Nói như kiểu của một người trung tuổi thấm đòn cuộc đời khác là thánh Âu-cơ-tinh: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, vì thế tâm hồn con khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Chúa”.
Chúa mới là Đường, là Sự Thật, và là Sức Sống. Chúa mới là Đấng giải thoát, xóa được tội đời, rửa cho sạch mọi oan khiên ám ảnh làm méo lệch biến chất người, để hình ảnh con người thật hiện lên theo với Thánh Linh như hình ảnh chim bồ câu thanh thoát bay bổng thảnh thơi. Hình ảnh chim bay vốn là biểu tượng của hồn sống. Ở hai bên tường những ngôi mộ cổ Ai Cập vẫn được vẽ hình những con chim bay, nói lên chiều kích vươn lên đích thực của con người.
Vậy điều khẩn thiết lúc này là phải để thời giờ hơn cho đời sống nội tâm, xếp lại những ưu tiên tinh thần, so với những lăn lộn đang áp đặt! Lúc này đây, mình trở lại với chính mình, tìm cho mình một phút giây tĩnh lặng. Mình muốn xả bỏ những gì đang vây bọc đầy đọa kéo ghì mình xuống. Và kìa, hình ảnh một con chim bồ câu đang bay vụt lên từ trong tâm, nhẹ nhàng thanh thản, tươi mát hân hoan, có sức bật sáng lung linh, chuyển sinh khí trổi dậy một con người mới.
Trích “Khúc Sáo Ân Tình” – Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường