Thế là trong mấy ngày cuối cùng của tháng 3 năm 1999, lực lượng NATO, Khối Bắc Đại Tây Dương với sự dẫn đầu của Chú Sam đã oanh tạc trừng phạt đất Serbia vì phạm tội diệt chủng sắc dân thiểu số tại vùng Kosovo. Dân Serb nào phải của vừa, lợi dụng lòng căm phẫn của quần chúng, xua quân phá nát và đốt cháy rụi nhà cửa của sắc dân Albania, và bắn hạ được một phản lực siêu thanh tàng hình F-117 của “Mỹ Ngụy.” Cả nước ăn mừng chiến thắng tưng bừng, coi anh chàng khổng lồ Mỹ chả ra cái thá gì! Báo chí đăng tải hình ảnh một bà già nhảy mừng hả hê bên cạnh cái xác của Diều Hâu Đêm F-117, đang khi cả mấy trăm ngàn người Albania nhoai nhóc đói khổ với những khuôn mặt ngơ ngác mất hồn bỏ Kosovo chạy đi tị nạn.
Hận thù vay trả, trả vay chồng chất. Cái rễ đã bén sâu từ nhiều thế kỷ. Dân Serb theo Đạo Chính Thống toàn tòng. Còn sắc dân Albania ở Kosovo thì theo Hồi giáo. Hai bên hầu như không đội trời chung. Bởi lẽ dân theo Hồi giáo trước kia đã từng tấn công đòi san bằng Âu châu, ghi lại một cơn ác mộng. Thế là bây giờ dân Serb lợi dụng thời cơ đòi nhổ cỏ phải nhổ tận gốc là vậy.
Nhưng đây có khi chỉ là những luận điệu khiêu khích tự ái dân tộc. Đàng sau vẫn là những bàn tay lông lá, những thủ đoạn tham vọng. Sự chèn cựa đấm đá vẫn xảy ra bên cạnh cuộc sống đời thường của mỗi người. Ở cuối thế kỷ văn minh cao độ chuyển mình sang thiên kỷ mới, chả lẽ trong các động vật thì chỉ còn lại một loài động vật mang mặt người là vẫn tiếp tục hành hạ nhau một cách khoa học, có hệ thống, có chủ nghĩa, có thăng thưởng huy chương, có hả hê chiến thắng, thành vòng hệ lụy nghiệt ngã không lối thoát như thế?! Và nỗi oan cứ chồng chất thêm, bên Tây, bên Đông, trong nhà, ngoài ngõ…
THỜI ĐIỂM THÁNG TƯ ĐỌA ĐẦY
Tôi còn nhớ những ngày chạy tị nạn vào tháng Tư năm 1975, được tàu hải quân 331 vớt lên từ ngoài khơi đảo Phú Quốc. Chiếc tàu này thật kỳ quặc, sinh tật vào tuổi già, các máy đều về hưu hết, chỉ còn lại một máy duy nhất chạy ì ạch, nên cuối cùng phải buộc dây để một tàu hải quân khác kéo đi. Mấy chiếc tàu lớn dìu nhau lụ khụ như thế mà dám vượt đại dương mới lạ. Cà rịch cà tàng mất 18 ngày rồi cũng lết sang được Vịnh Subic bên Phi Luật Tân.
Trong 18 ngày lênh đênh, đoàn tàu vẫn hiên ngang kéo cờ quốc gia, binh lính vẫn thi hành nhiệm vụ tận tình như đang đi công tác theo sự vụ lệnh vậy. Nước và đồ ăn trên tàu 331 thì vẫn đủ cầm hơi cho mọi người.
Cuối cùng rồi cũng chính thức xin tị nạn với Mỹ tại Subic, là nơi Mỹ thuê của Phi Luật Tân làm căn cứ hải quân. Thế là các tàu được lệnh phải hạ cờ Việt Nam Cộng Hòa xuống mà kéo cờ Mỹ lên, phải giải giới vất hết khí giới xuống biển (chứ Mỹ không thèm sài mấy thứ đồ cũ rỉ ấy), và dĩ nhiên cũng là lúc sĩ quan phải bỏ lon cấp bậc xuống trở thành người thường. Đây là giây phút xúc động nhất ghi sâu vào tâm khảm nhiều người: chả còn gì hết, cả một đời người xây dựng bằng xương máu bỗng một lúc thành số không. Ngậm ngùi, chua xót. Sau đó mỗi người được phát nửa trái táo. Thú thực, dù cay đắng nghẹn ngào, trong đời tôi chưa bao giờ được ăn nửa trái táo thơm và ngon như hôm đó, vì đã 18 ngày không có một chút gì gọi là đồ tươi cả.
Vào trại tị nạn thì mỗi người được cấp một con số và trở thành một con số, không còn đẳng cấp gì nữa, ngày ngày xếp hàng đi xin phần ăn. Gần khu lều lớn là những dãy nhà vệ sinh mới được dựng. Cái khoản đổ những thùng phân mới sản xuất mỗi ngày này là công tác dành riêng cho đàn ông từ 18 tuổi trở lên. Đàn bà và con gái được miễn. Sau mấy ngày, con số của tôi cũng được gọi để đến lượt ngày hôm sau đi thi hành “nghĩa vụ” như kiểu “đi quân dịch là thương nòi giống.” Tôi tự nhiên thấy nhột, nhưng để ý mấy người sĩ quan hay giáo chức còn nhột hơn tôi. Cả đời có bao giờ phải làm thế. Tôi mới làm linh mục được ít lâu, chưa kịp coi xứ hay làm gì ra hồn, thì nay một trong những công tác đầu đời linh mục là đi đổ thùng phân. Mấy người bổn đạo thấy vậy thì ái ngại xin đi làm hộ cho. Nhưng tôi nghĩ, có làm một chút thì chết chóc gì đâu. Vả lại đã đến mức này rồi thì mình phải san bình địa làm lại từ đầu có lẽ hay hơn là cứ bám vào cái quá khứ để nó hành hạ mình. Mà thực ra mình đã có “quá khứ” gì đâu mà phải bám.
Vậy là sáng hôm sau tôi vui vẻ “anh dũng” lên đường thanh toán mục tiêu nhanh chóng. Và điều bất ngờ nhất đã xảy ra. Mấy người sĩ quan và giáo sư quen thân cùng đi làm công tác thì rưng rưng nói trong nước mắt vì cảm thấy được an ủi quá, bớt tủi đi nhiều, vì có một vài linh mục cùng đi đổ phân với mình, đổ phân cho con cho cháu mình, cho người mình cả đấy chứ. Tự nhiên các thùng phân thấy nhẹ hẳn ra, và bớt hôi thối đi.
TIN VUI ĐÀN SÂU LỘT XÁC
Lễ Phục Sinh bao giờ cũng nhằm vào lúc đầu xuân, trời đất cựa mình bật lên những mầm nụ mới, hoa nở tràn lan khắp các ngóc ngách. Người Tây Phương có phong tục đi tìm trứng đã được vẽ nhiều màu thật đẹp. Trứng nở ra gà, ra vịt, ra chim. Một cuộc đột biến lạ lùng: một sinh vật mới đẩy bể vỏ trứng chui ra chào đời.
Trina Paulus với cuốn sách tu đức bán chạy nhất trong nhiều năm: Hope For the Flowers, tạm dịch là Chờ Đón Mùa Hoa. Cái đặc biệt của cuốn sách này là rất ít chữ mà chỉ có hình vẽ thôi. Mà lại toàn là hình sâu róm, sợ quá!
Truyện kể về một chàng sâu róm sinh ra trên một cành cây trong một ”gia đình êm ấm”. Một hôm nó nhận ra mình đã trưởng thành, cần ”đi xuống cuộc đời” cho biết đó biết đây. Và nó đã bò xuống. Nó lấy làm lạ là tại sao nó toàn gặp những con sâu đang đi hối hả về phía trước. Nó hỏi đi đâu, thì những chú sâu cô sâu đều bận rộn không có giờ trả lời, chỉ ngoắc tay thật nghiêm trọng. Nó cũng sinh tò mò đi theo. Một lúc lâu thì nó thấy một cái cột thật cao, ngọn chạm tới trời. Nhìn kỹ hơn, nó nhận ra đó là một cái cột toàn sâu lúc nhúc đang chen nhau bò lên. Nó hỏi trên đó có gì thì không đứa nào trả lời. Thấy đông đứa hăm hở như vậy chắc là có gì hồ hởi lắm. Vậy là nó cũng hòa mình vào đám đông ”ai sao tôi dzậy” mà cố sức leo lên, đạp văng nhiều đứa khác mà đạt “đỉnh cao trí tuệ”. Lên đến lưng chừng thì nó ”thấm mệt cuộc đời”, ”ngựa nản chân bon”, bèn nghĩ chuyện bỏ cuộc. Chắc là chả có gì đâu. Và nó bò được xuống đất. Hú hồn.
Nhưng rồi nó đâm hồ nghi chính nó. Hay là mình chẳng giống ai. Nó quan sát thấy ”người ta” miệt mài tranh nhau bò lên thế kia, ắt là phải có cái gì chứ. Thế là nó lại ra sức trèo lên một lần nữa. Lần này nó hung hãn hơn trước. Đấm đá kỹ hơn. La hét kỹ hơn. Tỏ ra ta đây lắm. Và cuối cùng nó đã leo lên được đỉnh cao chót vót. Nhưng cũng chính là lúc nó thất vọng nhất. Chẳng có gì. Cái cột ”danh vọng” cuộc đời này được tạo bằng chính những con sâu. Nhìn sang rừng cây bên cạnh, nó thấy một đàn bướm đủ màu tung tăng vỗ cánh thảnh thơi. Nó có dịp ”tịnh tâm” để phát hiện một điều lạ là ở cành cây đang đeo lủng lẳng những cái tổ kén. Một vài con sâu đang chịu nằm trong “mồ tối” đó. Ở một tổ khác nó thấy rõ một con bướm vừa tung bay ra. Thì ra cái tổ kén là nơi con sâu chịu bị vùi giập để lột xác.
Đúng rồi. Nó là ”con của chim Tiên”. Mặc dù đang thấy hiện trạng là con sâu, nhưng nó biết bản chất của nó là có thể mọc cánh thành bướm bay lên được. Với điều kiện nó phải lột xác. Tiến trình thật gay go. Nhưng đâu còn con đường nào khác nữa!
PHÚT TỊNH TÂM
Bướm là biểu tượng của lễ Phục Sinh. Sâu muốn thành bướm phải chui vào tổ kén, phải xuống tận mồ sâu. Đây cũng là tiến trình của ba ngày quan trọng nhất trong năm phụng vụ của Đạo Chúa, là Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh. Cũng gọi là Ba Ngày Vượt Qua.
Chúa Giêsu đã tỏ dấu yêu thương bằng cách quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân là công việc của một người nô lệ, hèn mạt cúi mình xuống tột độ. Việc đi đổ phân cũng có phần giống như vậy. Nhưng đây cũng chính là giây phút tác động nhất, vì chạm đến được trái tim trong độ rung sâu thẳm. Ngài đã chui vào tổ kén, đã xuống tận đáy mồ hôi thối. Và vì thế con bướm đã thoát mình bay lên.
Xin cho những gì là oan trái xót xa được biến thành hòa khúc dịu êm, khi được sợi đàn tình yêu từ Trời chạm đến; và những gì là sâu bọ rợn rùng bên trong được dám chui vào tổ kén lột xác thành đàn bướm vàng tung tăng trong vườn hoa mùa xuân mới.
Lm.Dũng lạc Trần Cao Tường