Chúa Nhật 1 Mùa Vọng: Nhận quà Bonus  
 ” Hãy tỉnh thức, hãy mở mắt, hãy sẵn sàng. (Mt 24:42, 44)

Người Ý vốn nổi tiếng là có máu nghệ thuật cao, từ văn chương, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, đến âm nhạc… Ai có dịp qua Ý thăm các kho tàng nghệ thuật đều để ý một pho tượng bị bể đầu gối. Đó là tượng Môsê do Michelngelo tạc bằng cẩm thạch trắng. Truyền thuyết cho biết tại sao tượng này bị bể đầu gối, thì không phải do tai nạn gì cả, mà do chính Michelangelo đập bể.
muavong-iSau nhiều ngày căm cụi đục đẽo và chuyển được hồn nghệ sĩ vào khối đá cứng ngắc cho thành một người sống động toát ra được sinh lực, Michelangelo sung sướng chiêm ngưỡng một đại tác phẩm vừa hoàn thành. Bức tượng giống mọi nét của Môsê mà Michelangelo muốn diễn tả. Từ nét quả quyết của một người lãnh đạo biệt tài, đến nét sức mạnh nội tâm của niềm tin và con mắt sáng ngời toát lên tia viễn kiến cho tiền đồ dân tộc Do Thái qua những vùi giập đọa đầy. Những bắp thịt quả cảm, những đường gân cương nghị đều nổi rõ nét. Giống quá! Tuyệt quá! Bị hút hồn như đang đứng trước một Môsê bên bờ Biển Đỏ lúc dẫn dân chạy vượt biên trốn quân Ai Cập qua sa mạc, Michelangelo van xin Môsê: Nói Đi! (tiếng Ý là: Parla!) . Tượng Môsê sống động như vậy mà nói không được! Thế là Michelangelo đã lên cơn, không chịu nổi giới hạn của con người, sẵn búa đập vào  đầu gối khiến bị bể như thấy ngày nay.

THỜI ĐIỂM AN NHIÊN VỚI LÊ ĐÌNH ĐIỂU

Báo Thế Kỷ 21 số tháng 7.1998 có loan một tin “An Nhiên” mà đọc xong mình cũng thấy niềm an vui rạng lên trong lòng.

“Thời gian qua, anh em Thế Kỷ 21 chứng kiến hơi nhiều chuyện bệnh và chết. Trần Đại Lộc, rồi Mai Thảo, Nguyên Sa, Tô Thế Liệu, Becky Ngô (Trần Bích Thược) lần lượt ra đi. Bệnh ung thư là nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp. Chưa bao giờ ta thấy căn bệnh ngặt nghèo này gần và dữ đến thế. Cuộc sống vẫn tiếp tục, nhưng hai yếu tố “bệnh” và “tử” cứ đến thường xuyên một cách bất thường, khiến cho dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải đối diện, nhìn thẳng vào nó”.

Và bây giờ thì đến lượt Lê Đình Điểu, là một trong những người sáng lập và từng là chủ nhiệm tạp chí Thế Kỷ 21, cũng lâm bệnh ung thư, người mà tôi rất mến và đã có dịp gặp gỡ nói chuyện tại tòa soạn Người Việt ở Nam Cali. Sau khi đi giải phẫu về, ông đã viết một lá thư cho bạn bè tâm sự. Đây là một trích đoạn:

“Cám ơn các bạn đã cho tôi sự yểm trợ vô cùng quí báu. Các bác sĩ và y tá ở đây cũng lấy làm lạ là tại sao tôi có vẻ như người không có bệnh! Họ thấy tôi ngồi nghe nhạc classic, viết thư, hoặc nhìn ra cửa sổ ngắm cảnh (tuy cảnh chẳng có gì để ngắm), cứ như một du khách đang ở khách sạn, họ ngạc nhiên. Cô ý tá hỏi bà Dung: “ông ấy không biết ông ấy bị bệnh cancer?” Bà Dung bảo, ‘ông ấy biết chứ.’

Quả thật hôm nghe bác sĩ thông báo kết quả thử nghiệm “positive” (tức là có cancer), tôi hơi choáng một chút. Nhưng nghĩ cho cùng, năm nay tôi 60 tuổi (ta) rồi, vừa tròn một hoa giáp, cũng đủ cho một đời người. Nếu phải “ra đi” thì cứ thản nhiên lên đường thôi. Còn nhiều việc muốn làm mà chưa làm được hay chưa làm xong thì cũng đành chứ sao?

Nay nhờ y khoa tiến bộ cãi lại mệnh trời, sống thêm ít lâu, cứ coi như được… bonus, càng vui! Thành ra vấn đề vẫn là giá trị đời sống, chứ không phải là chiều dài của đời sống, mới là điều quan trọng. Mỗi người có một thước đo giá trị riêng. Thước của tôi là niềm vui của người khác khi mình còn ở với họ. Hôm qua nhâm nhẩm trong đầu mấy câu thơ sau đây, gửi các bạn đọc chơi:

Vừa tròn sáu mươi tuổi
“Tri chỉ” cũng đủ rồi
Chia tay mong để lại
Nụ cười bạn mình thôi.”

TIN VUI MỞ MẮT NHẬN RA QUÀ THƯỞNG THÊM

Một nghệ sĩ đại tài như Michelangelo cũng chẳng có thể làm cho một pho tượng nói được. Khoa học chẳng sáng tạo ra gì, dù một mầm sống, dù một tế bào, nhưng chỉ mở mắt nhận ra những nhịp điệu của vạn vật, mà chuyển thành định luật, định lý, định đề. Thế thôi.

Ngay trong cả nghệ thuật chụp hình, nhà ảnh Gary Braasch cũng nhận định như vậy trong cuốn “Chụp Được Nhịp Điệu Của Thiên Nhiên” (Photographing The Patterns of Nature. Amphoto)

“Một trong những chìa khóa chụp được diễn tiến của thiên nhiên là cái nhìn thấy toàn thể trong từng phần. Chẳng hạn như chụp chi tiết một vỏ ốc trên bãi biển là đã có thể diễn tả cả một bãi biển mênh mông đó rồi, cũng như diễn tiến tăng trưởng của loài ốc. Những đường vòng xoáy vào cũng như xoáy ra như cùng diễn tả một lúc. Nó gợi lên những kỉ niệm, và cũng có thể là biểu tượng cho con đường nội tâm. Nó vẽ lên trong mắt mình hình ảnh một đứa trẻ đang lắng nghe tiếng sóng vỗ với tất cả vẻ kinh ngạc hút hồn”  (trang 9)

Thiên nhiên có vô vàn đường nét diễn tiến. Những bức chụp cận ảnh mở ra những chân trời kì thú về vũ trụ khiến ta kinh ngạc. Dường như ngón tay nhà chụp hình đang có quyền sáng tạo trong việc cảm nhận những phép lạ diễn biến không ngừng ngay chung quanh mình. Những diễn tiến theo một qui trình được nhận ra nơi cây cối, súc vật, hòa nhịp với thiên nhiên. Những diễn tiến trong nhịp điệu lúc đổi mùa, trên mặt đất, trên cõi trăng sao. Mọi vật đang hòa vào một dòng sức sống chuyển động không ngừng. Cỏ cây uốn mình theo gió; sóng nước bãi biển và những làn nước gợn lăn tăn mặt hồ; đàn chim đang bay lượn…

Vẻ đẹp vô biên của vũ trụ thấy được ngay trước mắt, dù trong những phố thị ngột ngạt. Mình có thể đuổi theo những chiếc lá vàng đang chạy bên đường, hay nhìn ngắm những đường nét và mầu sắc nơi những bông hoa ngay trong vườn. Cái “nhà máy” nào mà sản xuất màu sắc lạ lùng vậy. Còn “nhà máy” sản xuất chất ngọt, chất chua cho trái cây mới kì thú chứ. Tất cả đều là những viên kim cương chờ nhà ảnh khám phá ra. Nghệ sĩ đúng là một người giầu có đúng nghĩa nhất, vì chụp bắt được vẻ đẹp và đào lên được kho tàng giàu sang trong thửa vườn địa đàng vũ trụ.

Những diễn biến như những nhịp điệu chuyên chở đầy ý nghĩa biểu tượng, nên những tấm hình đều vang lên những bài thơ tiềm ẩn của đất trời, những dòng nhạc trầm bổng nhịp nhàng, mà nếu không để giờ đủ mà mở mắt nhìn sâu vào thì khó mà thấy được.

Chính vì thế mà Hội Thánh Công Giáo khai mạc cho năm phụng vụ bằng chính Lời Chúa: Hãy tỉnh thức, hãy mở mắt, hãy sẵn sàng. (Mt 24:42, 44).

Sống thêm một tháng, một năm, và ngay cả một ngày, một phút với một ngụm khí thở, chẳng phải là nhận được quà “thưởng thêm”  (bonus) là gì? Tại sao cứ đợi bị đụng xe liệt chân mới thấy đi được là ơn ban? Tại sao cứ đợi bị nghẹt tim hết thở nổi, mới thấy mỗi hớp hơi thở đang là một quà tặng quí báu không tiền bạc nào mua nổi? Văn hóa Việt thấm sâu ơn Trời, “vần giữ đạo Trời khăng khăng” nên dễ an nhiên với mọi nhịp trầm bổng biến rời. Có vần vũ mấy trên cuộc sống này rồi đến lúc cũng phải nhận ra bàn tay huyền nhiệm của Đức Chúa Trời, như tâm tình đầy chất đạo của người Việt qua ca dao:

Ta về ta dựng mây lên
Trời xe mây lại một bên hòn Lèn.

Mình đang mang sức sống, đang có thể nói được, cử động đánh máy được, nhìn được màu sắc, nghe được âm thanh, cảm được buồn vui, đầu mình đang nối kết hàng tỉ tỉ tín điệp qua những tế bào óc làm việc ngày đêm. Tất cả chẳng phải là phép lạ của đời sống sao? Và tim mình bỗng đánh nhịp reo vui khi cảm nghiệm được chất mầu nhiệm, được hiện hữu trên quả địa cầu này.

PHÚT CẢM NHẬN QUÀ TẶNG

Mọi ơn ban đã sẵn sàng, đã bày biện ra đó qua bàn tiệc vũ trụ. Chỉ cần mình cũng sẵn sàng nhận hưởng thôi. Mình cần mở mắt để nhận ra được dòng sức sống đang tuôn chảy qua vạn vật, qua từng cây cỏ, từng cành lá, qua từng bông hoa dại, qua mạch máu của mỗi người. Cũng chỉ là một dòng sống thôi. Và như vậy mỗi vật đều trở thành một nhiệm tích, một mạch chuyển sinh lực từ dòng thác nước vô biên. Chỉ cần cắm được vào đó, hòa nhập vào đó, nối vào đó, giơ hai bàn tay ra mà đón nhận, và chụp lấy. Có cần gì phải tới tận thác Bridal Veil ở Yosemite mới có cảm nghiệm dòng ơn thánh đâu. Ngay ở trong phòng này mình cũng đang thấy dòng thác nước ngày đêm tuôn chảy ào ào như vậy, qua từng bình cây, từng cái bút, ánh sáng đang ùa vào qua cửa sổ. Nhìn thấy thế thì cuộc sống hút hồn lắm, và sẽ chụp được những tấm hình thành những tác phẩm tuyệt vời.

Mình đang nhận quà thưởng thêm (bonus) mỗi phút giây, và nói lên lời cảm ơn với thi hào Rabindranath Tagore, cảm nghiệm dòng sức sống ơn Trời ban vẫn ngày đêm tuôn đổ xuống đời mình qua mọi chuyện, kể cả những gì tầm thường nhất:

Ân sủng Người ban thì vô biên vô tận
Để lãnh nhận tôi chỉ có hai bàn tay nhỏ bé vô cùng.
Ngày ngày lớp lớp qua đi Người vẫn không ngừng đổ rót
Song hồn tôi vẫn trống và tay tôi thì hãy còn vơi.

Trích “Tiếng Sáo Ân Tình”
Lm.Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau