Ngôn sứ trên miền đất tục hóa

Gc 1, 1-11
Mc 8, 11-13

Lời Chúa

¹¹Những người Pha-ri-sêu kéo đến và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su; để thử Người, họ xin Người một dấu lạ từ trời. ¹²Người thở dài não nuột và nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật các ông, thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” ¹³Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.

Ngôn sứ trên miền đất tục hóa

Người ngôn sứ tố cáo việc khai thác và coi thường con người, ngài hành động ít nhất là một cách tượng trưng sao cho lòng can đảm và sự phân biệt của ngài tạo nên một thế giới công bình, nơi đó không ai còn có cảm tưởng bị khinh miệt hay bỏ rơi. Một số người cho rằng tiếng kêu của người ngôn sứ có thể được Thiên Chúa linh hứng, giả dụ như Jean Cardonnel, người đã công bố, năm 1968, trong bài giảng Mùa Chay: “Việc ăn chay làm đẹp lòng Thiên Chúa, đó là tham gia đình công toàn diện”.

Người ngôn sứ cũng mặc lấy một vai trò xã hội, có thể nói là cách mạng, tuy vẫn không sử dụng uy quyền chính trị. Ngài đứng bên lề để mạc khải cho nhân loại ơn gọi của mình, ngài cổ vũ nhân loại tách mình ra khỏi những ảo tưởng của quyền lực, ngạo mạn và lợi lộc. Người ngôn sứ có nhiệm vụ chỉ cho thấy cái gì làm băng hoại con người và cái gì làm cho con người nên cao cả. Thiên Chúa không còn là đối tượng đầu tiên của việc tuyên ngôn, tốt hơn là không nên đề cập tới Ngài nếu như người ta không muốn làm dấy lên những tranh cãi bị cho là cổ hủ.

Thiên Chúa đáng bị lãng quên đến mức ấy sao, mức mà để được lắng nghe, lời ngôn sứ phải bỏ qua việc loan báo Ngài? Làm thế nào mà giải thích được chuyện này: ngày xưa các ngôn sứ trong Kinh Thánh đã xác tín rằng Thiên Chúa hiện diện một cách năng động trong lịch sử, còn ngày nay thì lại khác xa?

 

Christian Duquoc
Trực giác ngôn sứ (Éditions de l’Atelier)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau