MỘT NGƯỜI VIỆT MỌC CÁNH
Ai đã có dịp ở Phi một thời gian thì biết rằng dân Phi mê bờ-lút còn hơn cả người Việt nữa. Người Phi gọi hột vịt lộn là bờ-lút. Họ ăn sáng ăn tối, ăn cả ban đêm nữa, ăn một cách ngon lành mà không cần rau răm gì cả. Vì thế mà người mình liền biến chế tiếng bờ-lút thành một tĩnh từ có nghĩa là ngon lành. Ông bạn đi làm ăn về liền được hỏi có bờ-lút không, nghĩa là có ngon lành không? Trả lời là bờ-lút thì mọi sự vui vẻ ngay.
NGHỆ THUẬT BỜ LÚT
Ăn hột vịt lộn cũng cả là một nghệ thuật sống nữa mới lạ. Này nhé, thử cầm nhẹ nâng hột vịt lên mà ngắm nghía chiêm ngưỡng. Kinh ngạc quá. Cái “nhà máy” nào chế tạo thật kỳ diệu. Cái vỏ mỏng vậy mà rất đều, không chỗ dầy chỗ mỏng hay lồi lõm mấp mô. Mỏng vậy mà vẫn vừa đủ để giữ cho hột vịt được an toàn. Cũng đừng vội “khấn như ý”, tức là cố vấn cho Đức Chúa Trời làm dầy thêm ra một tí cho chắc ăn. Vì ai đã có dịp quan sát lúc chú vịt con chào đời thì mới càng sửng sốt hơn. Chẳng cần máy điện toán hay xem Tivi để biết trời mưa trời nắng nóng lạnh gì cả, cứ đúng kỳ đúng hẹn là nó tụ lực chu cái mỏ non ra mà đẩy nứt được cái vỏ ra một chút. Rồi nó gồng mình cho rạn thêm để chui ra, và theo bài hát của Lê Hựu Hà mà “ngước mặt nhìn đời, nhìn đổi thay ta buông tiếng cười”. Lúc này mới thấy phục Người làm ra cái vỏ trứng. Tính toán giỏi quá, đúng cỡ đúng độ: dầy đủ để bao bọc được trứng, nhưng mỏng đủ để chú vịt con có thể đánh bể mà chui ra. Chứ cứ theo lời cố vấn “khấn như ý” mà làm dầy vỏ thêm ra cho chắc ăn thì chú vịt con chỉ có nước đi đời nhà ma.
Nhưng bây giờ là màn bờ-lút cơ. Lấy cái thìa nhỏ khẻ nhẹ vào thành vỏ, khoét một lỗ vừa đủ, rắc muối tiêu vào, thêm mấy cọng rau răm. Bờ lút nhé! Người Việt mình ăn uống khoa học lắm chứ: vịt lộn phải đi với chất muối mặn, hột tiêu và rau răm cay, dù mà hàn nhiệt âm dương thủy hỏa khác biệt xung khắc vậy mà vẫn hòa hợp thành món ngon lành quá sức phải không? Đồ ăn mình không làm người mập quá khiến nhiều người Âu Mỹ bắt thèm. Lại làm cho tính tình điềm đạm vì dung hóa được nhiều đối cực. Mấy người theo ngành dinh dưỡng thời mới nên nghiên cứu đồ ăn Việt mà làm luận án tiến sĩ được đấy.
KHI LỚP VỎ QUÁ DẦY
Khoa chữa bệnh tâm thần đã tìm ra lý do tại sao người ta ra điên mát: con người thật bị chôn vùi che phủ bằng một lớp quá dầy, khiến mình đánh mất chính mình, soi gương không còn nhận ra mình là ai nữa. Điều này nhiều tôn giáo Đông phương đã nói tới: cái chân ngã bị cái phàm ngã lấp đi để phóng rọi ra ngoài thành hiện tượng đáng thương.
Những cái phóng rọi này được diễn tả qua nhiều hình thức: hay khoe khoang, hiếu danh, đam mê, bị thương nặng nên hay rên la giẫy giụa, hay tấn công phê bình chỉ trích, hoặc buông xuôi bỏ cuộc… Nói cách khác, khi thấy mình biểu diễn những hiện tượng này thì biết đây là những dấu hiệu cho thấy mình đang bị bệnh tâm thần một cách nào đó.
Và khoa tâm lý kết luận: những gì bạn đang lên án người khác thì lại chính là những cái đang bị chôn sâu trong bạn, vì bạn vốn không chấp nhận nổi những cái đó trong bạn. Đúng như Đức Giêsu đã nói: người có cái xà trong mắt mình thì luôn thấy những rác nơi người khác.
Bác sĩ Karl Menninger với cuốn sách nổi tiếng về bệnh tâm thần ”Có phải bất cứ chuyện gì cũng phát sinh bởi tội lỗi không?”, đã kể câu chuyện về một nhà giảng đạo ở đường phố Chicago. Đứng bên lề đường vào giờ tan sở, gặp ai đi qua ông cũng chỉ vào mặt mà hô lớn: ”Đúng tên này là phạm nhân rồi!”.
Những người bị chỉ mặt thì phản ứng rất khác nhau. Người thì lấy làm buồn cười, cho vị giảng đạo là khùng mát. Người thì bực mình vì bị điểm mặt kết tội tầm phào. Người thì không bận tâm chi, ngoái cổ nhìn người lạ rồi rảo bước. Một số người bỗng giật mình nhận ra như một dấu chỉ cho thấy một điều rất thường mà mọi khi mình cứ tưởng khác.
Tiên tri Nathan xưa đã dùng phương pháp tâm lý này mà làm cho Đavít đang bầy nhầy trong đường bê bối được thức tỉnh. Ai cũng tưởng người khác tồi tệ, và mình có bổn phận phải cứu độ chúng sinh mê lầm. Sau khi nghe Nathan kể chuyện về một người hư đốn thì Đavít đùng đùng nổi giận đòi chỉ cho biết thằng khốn nạn nào vậy để mà trừng trị. Đúng lúc này Nathan đã chỉ vào mặt Đavít mà nói rằng tên đó chính là ngài! Thế là một cuộc đổi đời bắt đầu từ bên trong.
TIN VUI PHƯƠNG CÁCH MỌC CÁNH
Có được mấy người Việt cho truyện thiêng mình là con của chim Tiên là chuyện thật chứ không phải chuyện hoang đường? Nay thì khoa tâm lý miền sâu đã khai mở được chiều kích của những truyện thiêng nơi mỗi dân tộc, là một bộ niềm tin, tiềm ẩn nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân tộc ấy. Một người Việt mọc cánh biết bay là tổ mẫu người mình đấy. Chẳng phải là một chuyện lạ lắm sao? Vậy thì con của chim Tiên mà không biết bay mới càng lạ hơn nữa. Hình ảnh con chim là chính con người thật, là “the Self” theo kiểu nói của nhà tâm lý nổi tiếng nhất thế kỷ là Karl Jung. Đây mới là chân ngã của mỗi người được Đức Chúa Trời tạo dựng theo khuôn hình Chúa (Kinh Thánh, Khởi Nguyên 1:27). Truyền thống đạo Chúa chẳng diễn tả Chúa Thánh Thần bằng hình ảnh chim bồ câu là gì? Nhưng con chim Tiên, tức là chân ngã này đã bị chặt cánh, rồi bị cột cẳng trói ghì xuống, không sao vươn lên được bởi những ràng buộc tham sân si của phàm ngã.
Chính vì thế mà khi khai mạc bước đường rao giảng Tin Vui, Đức Giêsu đã làm một nghi thức điểm đạo kiểu mẫu là nhận Phép Rửa. Kinh Thánh thuật lại rõ: “Sau khi dân chúng đã chịu phép rửa, cả Đức Giêsu cũng đã chịu phép rửa rồi và đương còn cầu nguyện, trời bỗng mở ra. Thần Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán xuống: Đây là Con yêu dấu của Ta, Người làm cho Ta rất hài lòng” (Luca 3:21-22)
Hình ảnh thật sống động: màn chắn được mở ra, vỏ cứng được đánh bể, thì con người thật mới thực sự hiện lên, chú vịt con mới ló đầu ra được, con chim mới có thể mọc cánh bay lên được. Chân ngã đây là chính hình ảnh chim bồ câu hay chim Tiên trong truyện thiêng Việt tộc, mà cũng là điều thánh Phaolô xác quyết: “Thần Linh Chúa ngự trong lòng anh em” (Roma 8:9). Đúng là:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Chim tiên lại nở ra dòng chim tiên.
Chúa đã hiển linh, đã tỏ mình ra cho mọi người thiện tâm tìm Người thấy được Người vẫn hiển hiện, qua những dấu chỉ, qua những thời điểm, qua một ngôi sao dẫn đường. Tin Vui tuần này lại đúng là nghi thức hiển linh của con người: cách khai quật, làm tỏ hiện con người thật quí trọng của mỗi người. Trong giây phút trân trọng, mọi màn cản được mở ra, thì tiếng từ trời cũng xác quyết với mỗi người: Con là Con rất yêu dấu của Ta.
PHÚT TỊNH TÂM
Khai mạc một lễ nghi trang trọng, người Việt thường điểm ba hồi trống. Khai mạc là mở màn che, là nhận phép rửa để mở tâm ra, cất khỏi những gì đang chặn vít sức sống bên trong không luân lưu vươn lên được. Một số nhà thờ Công Giáo đã đưa nghi thức đánh trống vào phần nghi thức thống hối: mọi người cùng hòa nhập theo tiếng trống, trở thành chính cõi trống cho Thần Linh Chúa tác động và hiện hình, như Đức Giêsu chịu phép rửa rồi thì trời bỗng mở ra. Thần Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Người. Đây cũng là giây phút con người hóa thân hòa nhập với Thần Linh Chúa thành chim Tiên bay lên được.
Quả thực, khi đọc kinh ”cáo mình” trong đạo Chúa, đôi khi tôi cũng đấm ngực mình nhưng vẫn liếc sang bên cạnh để quẳng cái điều vừa đấm vào mặt người khác. Giả như có người nào đó chỉ vào mặt tôi mà hô to: chính lỗi tại tên này, thì tôi sẽ phản ứng ra sao về điều tôi vừa tuyên bố: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!
Giây phút soi gương nhận ra chính mình là điều cần thiết để tránh cho mình khỏi bị điên mát và được cân bằng về tâm lý cũng như ổn định nội tâm. Đó là điều mà bác sĩ Menninger kết luận.
Và lúc này con muốn khai mạc lại cuộc sống của con: xin đánh ba hồi trống trên tim, trong tận đáy lòng, xả trống mọi sự. Xin cho con được cảm nhận sức sống Thần Linh Chúa trong con đang bị vít cản, để con sẵn sàng xả buông lớp cát bụi phù du, mà thấy được con người thật hiển hiện như con chim thiêng đang vỗ cánh bay lên, như hình nụ hoa mới bật lên cạnh xác con ve sầu.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
Nguồn: chungnhanduckito.net