MỞ RA TẦM NHÌN
Đúng vào ngày Halloween 31.10.1999 thì chuyến bay Ai Cập 990 đã chở 217 người đi chôn xuống biển Đại Tây sau khi cất cánh khỏi phi trường New York được 33 phút.
Nhiều người xem hay đọc tin này đúng như một bản tin, với một chút thương tâm, rồi lướt vội sang các bản tin khác ở địa phương gây chú ý hơn về hãng Không Gian Lockheed sa thải 300 nhân viên, về buổi khai trương trung tâm đánh bạc Harrah chớp chớp ánh điện thôi miên ở cuối đường Canal, về công tác xây cất khu vực giải trí Jazzland phía đông thành phố đang cung cấp nhiều việc làm mới khiến cho giá nhà tăng lên vùn vụt.
Nhưng đối với các thân nhân của chuyến Ai Cập 990 thì tin tức từng phút được theo dõi cặn kẽ. Phi trường Cairo cũng như tòa đại sứ Mỹ ở Ai cập phải làm việc tối đa để thân nhân có thể sang Mỹ tìm xác.
Tarek Anwar là anh của phi công phụ Adel Anwar cho biết là em mình chính ra đâu phải đi chuyến này. Vì muốn về Ai cập sớm một chút để sửa soạn cho đám cưới thứ sáu tuần này nên đã đổi chuyến bay cho một nhân viên khác. “Đúng là cái số của nó. Ngay từ lúc 4 tuổi nó đã mê lái máy bay. Một hôm nó lấy nhôm làm máy bay với động cơ lấy từ đồ chơi, rồi leo lên mái nhà cho máy bay cất cánh. Ông bố thấy vậy sợ quá liền kéo xuống đánh cho một trận.”
Abdul Fattah thì đi tìm xác em rể là Ragab Abdul Bati. Trước khi máy bay cất cánh Ragab còn gọi điện thoại về Ai cập cho vợ rằng “anh sẽ về ăn bữa trưa nhá, nhớ đợi anh”. Vợ chồng đã có bốn con. Khi được tin máy bay rơi xuống biển cô vợ trẻ xỉu liền phải chở đi nhà thương cứu cấp.
Ông Ibrahim Qassem có người con 24 tuổi làm trong Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế phải đi New York dự khóa hội thảo. Ông mếu máo nói: “Tôi đã cản nó đừng đi, vì tôi có linh cảm điều gì không ổn sẽ xảy ra.”
AI CÔNG HẦU, AI KHANH TƯỚNG?
Một người chết đi có liên hệ tới biết bao nhiêu chuyện. Cái chết san bằng tất cả giá trị cuộc sống: giầu hay nghèo, thắng hay thua. Những gì mình vẫn nghĩ là tự nhiên bình thường bỗng một lúc thấy khác hoàn toàn. Tầm mắt được mở ra cho thấy những chân trời mới, giá trị mới.
Tôi bỗng nhớ câu chuyện “ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai” xẩy ra trong lịch sử Việt Nam giữa hai nhân vật nổi tiếng là Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm. Cả hai người cùng học với nhau và đỗ đạt lớn, xuất thân từ nhà Thái Học, tức đại học đầu tiên của Việt Nam đã có từ thời nhà Lý, nay còn lại dấu tích nơi Văn Miếu ở Hà Nội. Ngay từ nhỏ Ngô Thời Nhiệm đã tỏ ra thông minh hơn Đặng Trần Thường. Trong thời buổi cuối triều Lê, đất nước nhiễu nhương, Ngô Thời Nhiệm đã theo giúp vua Quang Trung phục hưng đất nước mà cuộc tốc chiến chiếm lại Thăng Long đánh bại quân Thanh vào những ngày tết năm 1789 đã ghi sâu niềm hãnh diện cho hậu thế. Nhưng rồi vận nước nổi trôi, vua Quang Trung qua đời quá sớm chưa kịp ổn định đất nước. Thế là Nguyễn Ánh nắm được cơ hội khôi phục nghiệp nhà Nguyễn, thống nhất sơn hà, xưng làm vua, hiệu là Gia Long vào năm 1802.
Đặng Trần Thường theo phò Nguyễn Ánh, khi thắng trận, đã bắt được Ngô Thời Nhiệm và đưa đến tận Văn Miếu là nơi văn chương chữ nghĩa để đánh đòn trị tội có học mà u mê theo giặc. Trước khi xử tội, Đặng Trần Thường có vẻ đắc chí vì được dịp qua mặt bạn xưa vốn cao ngạo, nên ra một câu đối để bắt bí:
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai.
Ông Ngô Thời Nhiệm vốn thông thái hơn người liền nhanh chai đối lại ngay:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời thời phải thế.
Quá giỏi cũng là một cái tội với một số người! Câu trả lời không ngờ làm cho Đặng Trần Thường càng tức giận thêm nên đã ra lệnh đánh đòn thù. Vì roi có tẩm thuốc độc nên sau đó Ngô Thời Nhiệm đã chết, để lại một nỗi xót xa trong lòng người về sau. Bây giờ nhìn lại mới càng thấy câu dằn mặt của Đặng Trần Thường không ngờ lại dạy lại chính mình, và trở thành câu răn đời.
TIN VUI THẤY ĐƯỢC NHỮNG LẠ LÙNG BÊN KIA CỬA TỬ
Đúng vậy. Ngô Thời Nhiệm đã chết. Đặng Trần Thường cũng đã chết. Cứ thử đặt mình vào trường hợp là một trong những người đã chết trong chuyến bay Ai Cập 990, mình sẽ thấy mọi giá trị đời sống bị đặt lại hết: ai công hầu, ai khanh tướng, ai giầu sang, ai lấn lướt, ai thành đạt?
Điều này thì chỉ những người đã chết rồi mà sống lại mới trả lời đích xác được. Đây lại là chuyện đã trở thành những khảo cứu nghiêm chỉnh ngày nay. Cả ngàn trường hợp những người đã chết do bác sĩ chứng thực, rồi sau một thời gian ngắn vì một lý do huyền bí nào đó bỗng sống lại. Những điều họ kể lại trong thời gian chết thực được ghi nhận. Có người chết năm phút, có người mười phút…
Từ năm 1975 tôi đã để ý theo dõi những ghi nhận của bác sĩ Raymond Moody qua những cuốn sách như Life after Life, the Light Beyond… Đọc mà tôi vẫn nghi ngờ cho là chuyện tạo tò mò. Nhưng rồi sau những đợt khảo cứu gần đây có tích cách khoa học của nhóm bác sĩ Melvin Morse ở trung tâm Seattle, tôi phải tìm hiểu kỹ hơn. Trong những lời thuật lại, tôi chú ý nhất hai người là Betty Eadie trong cuốn Embraced by the Light và Kimberly Clark Sharp trong cuốn After the Light.
Tất cả đều cho biết là sau khi chết thì hồn ra khỏi xác vẫn còn quanh quẩn, nhìn lại được xác của mình nằm bất động, nhìn thấy những y tá và bác sĩ hối hả cứu cấp, nhìn thấy những người thân yêu thương khóc. Sau đó thì bị hút vào một cái ống đen dài hun hút với một tốc độ kinh khủng; bà Eadie gọi đây là “thung lũng sự chết” như Kinh thánh đã từng đề cập tới.
Điều đáng chú ý là ai cũng nhìn lại được cuộc đời của mình trong một khoảnh khắc. Để dễ hiểu, có thể so sánh với kỹ thuật thu hình theo khoảng cách bây giờ gọi là interval recording. Thí dụ thu một bông hoa quỳnh nở, cứ năm phút ghi một lần, và thu trong một thời gian lâu từ khi hoa chưa nở cho đến khi nở xong. Khi chiếu phim thì thấy hoa nở trong khoảnh khắc ngay trước mắt mình. Kỳ lạ quá chứ. “Cuốn phim” ba chiều chiếu lại tất cả cuộc đời của mình trong khoảnh khắc cũng y như vậy. Đây là điều mà đạo Chúa vẫn gọi là “phán xét”. Sau giai đoạn này thì một số người nói gặp phải quỉ dữ khủng khiếp và bóng đen ghê sợ đến tột độ, nhiều người thì gặp được Ánh Sáng đầy yêu thương ấp ủ. Nhưng cũng đến giây phút này thì có lệnh “chưa phải lúc!” Thế là họ bỗng sống lại.
Tất cả những người sống lại như vậy đều nhìn cuộc sống với một con mắt khác, thấy giá trị đời sống hoàn toàn khác. Bà Sharp cho biết là bây giờ tôi chỉ còn một giá trị phải tìm là tình yêu thương phục vụ người nghèo đói. Bà Eadie một người gốc Da Đỏ nói rằng: “”Bây giờ thì tôi biết có Chúa thật. Không còn chỉ tin vào một lực vũ trụ, mà tin vào một Đấng đàng sau sức mạnh đó. Tôi thấy Đấng đầy yêu thương đã dựng nên vũ trụ và đặt mọi khôn ngoan vào đó. Tôi thấy Ngài điều khiển trí khôn ngoan và sức mạnh này. Tôi thấy trực tiếp rằng Chúa muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, và Ngài cho chúng ta những đặc tính giống như Chúa, như óc tưởng tượng và sáng tạo, ý chí tự do, trí thông minh, và nhất là khả năng yêu thương…” (trang 61). “Tôi cảm nhận tình yêu của Chúa vô điều kiện, vượt trên mọi tình yêu trần thế… Và tôi được ấp ủ trong cánh tay của ánh sáng vĩnh cửu này” (Embraced by the Light, Gold Leaf Press, trang 53).
PHÚT MỞ TẦM NHÌN
Ai công hầu, ai khanh tướng, ai khôn ngoan, ai khờ dại, trong trần ai ai dễ biết ai. Chỉ khi nào nhìn vượt lên trên mình mới thấy rõ đâu là giá trị đích thực. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã so sánh nước Trời giống như “những cô khờ dại mang đèn mà không mang dầu theo; còn những cô khôn ngoan thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.” (Mt 25,3-4). Có thể những cô khờ dại này lại cứ tưởng mình khôn lắm, chỉ lo trưng diện thân xác hay ăn chơi bên ngoài mà quên mất tích trữ chất liệu cho hồn bên trong.
Người Việt rất tin vào cuộc sống vĩnh cửu nên luôn biết tích trữ dầu sẵn sàng, như ca dao diễn tả:
Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Như vậy, nét văn hóa mang bản sắc Việt rõ nhất là niềm tin vào hồn thiêng bất tử từ một cội linh thiêng, vẫn gọi là Trời. Mà ngay cả theo những khảo cứu về trường hợp những người đã chết mà bỗng sống lại, Ông Trời này nhất định không phải là một khối lực vô vi, mà là một Đấng chan hòa Ánh Sáng Tình Yêu.
Thi hào Hàn Mặc Tử trong lúc vật vã với bệnh cùi có thể cũng đã chết đi và sống lại, rồi ghi ra như một thực chứng những gì đã thấy bên kia cửa tử:
Ai tới đó mà chẳng nao thần trí
Tòa châu báu kết bằng hương kỳ dị
Của Tình Yêu rung động lớp hào quang.
Trích tác phẩm Khúc Sáo Ân Tình của cố Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường