Bài hát Mộ Phần Thế Kỷ của Phạm Duy đang vẳng vẳng đâu đây với lời ca ghi mốc thời điểm cuối đông của một thế kỷ, của một ngàn năm theo vòng xoay của cái chấm nhỏ li ti là trái đất trong giải ngân hà để chuyển mình sang xuân của một thiên kỷ mới. Con người cũng như vạn vật đang chôn đi những tàn tạ rã nát để mở ra một nhãn quan mới với giá trị mới về cuộc đời.

Vùi sâu trong mộ chung
Hoặc vùi nông trong mộ hoang:
Anh hùng rơm hay chủ nghĩa phi thường…
Hãy lấp kỹ tội hèn của chúng ta.
Người đi trong mùa đông,
đội khăn tang, mang tình thương
theo người phu đi vùi hết mộ phần.
Rồi tan trong mộ sâu
Một thây ma đang buồn đau,
Thế kỷ sau sẽ dùng bón hoa màu…
Mai đây nấm mồ, một nụ vàng sẽ hé…
Hoa ơi tên gì? Có phải hoa hướng dương?

HỒI SINH TỪ MỘT CÁI XÁC CHẾT

Có lần ghé St Petersburg bang Florida, tôi thấy tượng một vị thánh Việt thật trẻ với những nét khá đặc biệt. Hỏi ra mới biết đây là một ông thánh gốc thuộc loại bụi đời chôm chỉa! Cứ tưởng phải là con nhà lành mới có thể làm thánh, đâu ngờ một người vốn có thành tích bất hảo, chuyên nghề cướp giật mà cũng làm thánh được mới lạ, được phong hiển thánh trong danh sách sách 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Đó là trường hợp thánh Phaolô Hạnh, sinh vào khoảng năm 1827 tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa, nhưng lớn lên thì cùng với hai người anh chuyển về Sài Gòn, chọn vùng Cầu Muối, Chợ Quán, để làm ăn. Nói tới Cầu Muối là nói tới những băng đảng hắc ám. Phaolô Hạnh đã trở thành “đại ca” của một trong những băng đảng này.

Sống trong tội lỗi với cái nghề bất lương này, anh Hạnh luôn cảm thấy lương tâm bất ổn, vì dù sao anh cũng là người Công Giáo, hạt mầm đức Tin vẫn âm thầm nẩy nở trong anh. Anh thấy không thể tiếp tục đi con đường như vậy được nữa, và anh đã tìm cách thoát ra khỏi cái đường dây đã làm cho đời anh ra nhầy nhụa ghê tởm. Nhưng đâu có dễ dàng như vậy được, vì chốn giang hồ thì có luật giang hồ: ai lật tẩy đường dây thì phải đền mạng! Dù vậy anh Hạnh cũng tìm cơ hội để làm lại cuộc đời.

Một hôm biết được đàn em của mình đã làm một chuyện hết sức tồi bại, là đi ăn cướp nhà một thiếu phụ nghèo khổ, “đại ca” Hạnh bỗng cảm thấy thương tâm và quyết ra tay áp lực bắt chúng phải trả lại tất cả cho nạn nhân. Thế là bọn chúng tức giận quyết tâm trả thù bằng cách đi tố cáo với chính quyền rằng anh Hạnh là người Công Giáo.

Thời đó vua Tự Đức đang ra lệnh cấm đạo gắt gao, nên anh Hạnh đã bị bắt ngay và bị hành hạ dã man để bỏ đạo. Quan đã ra lệnh tra tấn bằng kìm nguội kẹp vào thịt anh, rồi lấy những thanh sắt nung đỏ dí vào người anh, mùi khét xông lên nồng nặc. Vậy mà anh vẫn cương quyết tuyên bố: “Tôi là người Công Giáo, dù có phải chết tôi cũng không bao giờ bỏ đạo.” Phaolô Hạnh đã yếu đuối trong đường tội lỗi, nhưng khi đã trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa thì lại nhận được sức mạnh lạ lùng.

Ngày 28 tháng 5 năm 1859, anh Hạnh đã bị án chém đầu tại Chí Hòa lúc 32 tuổi.

TIN VUI ĐẦU CÀNH KHÔ BỖNG HOA NỞ TRÀN

Yếu tố gì đã khiến một người bê bối từ một cái xác chết như Phaolô Hạnh mà còn có thể tìm lại sức sống mới đầy hoạt lực đến can đảm xưng đạo và chết vì đạo?

Những cành cây trơ trụi mùa đông xem ra vô vọng bỗng dưng trổ những mầm xanh tươi mơn mởn khi mùa xuân đến.

Người trở thành cây mùa đông
Lá úa rơi vun cao cội nguồn
Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần
Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn.
(Phạm Duy, Hóa Sinh)

Những bờ đất đá khô cằn bỗng dưng tràn ngập hoa nở rực rỡ đủ màu sắc. Đó là sức sống mùa xuân, vượt khỏi sức tưởng tượng bình thường.

Đó là niềm tin vào sức mạnh ơn thánh: tình thương tha thứ và chuyển ban sinh lực mới:

“Vì này, Ta tạo nên trời mới đất mới. Những sự đã qua, người ta sẽ không còn nhớ đến, chúng sẽ không còn vẩn lại trong lòng. Trái lại, hãy hoan lạc, hãy nhảy mừng luôn mãi trên điều Ta tạo dựng” (Isaia 65:17-18).

Sức Thánh Linh như nhựa sống mùa xuân, như người yêu muôn thuở đánh thức những cành cây khô héo như trong Kinh Thánh:

Lời chàng văng vẳng bên rào
Em ơi tỉnh dậy ra chào Chúa Xuân
Mưa ngớt tạnh đông tàn băng giá
Hoa đồng nhà muôn đoá khoe tươi
Nhạc xuân rộn rã nơi nơi
Ngàn chim đua hót vang trời líu lo.
(Diễm Tình Ca 2:10-12)

Sức sống mùa Xuân này đã đánh thức một Mai Đệ Liên nhầy nhụa tội lỗi,
một tướng cướp Dismas gục đầu tin vào tình thương bên thập giá Chúa,
một Âu Cơ Tinh đắm mình trong vũng bùn nhơ nhớp.
Không một cảnh huống vô vọng nào mà không có thể bừng lên mùa xuân mới với sức sống mới, chỉ trừ những ai chấp mê con đường tự đầy ải mình.

Một tay đàn anh cướp giật cỡ Phaolô Hạnh vẫn có thể trở về làm lại cuộc đời và làm thánh. Cám ơn thánh Phaolô Hạnh, cám ơn những cành cây khô, hay với Tô Thùy Yên cám ơn hoa đã vì ta nở.

Đó chính là câu truyện Kinh Thánh Chúa Giêsu đã làm cho La-gia-rô sống lại, sau khi đã chết thối xác tới bốn ngày rồi: “La-gia-rô, hãy ra đây!” Người đã chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải liệm, mặt còn che khăn. Đức Giêsu bảo họ: “Hãy tháo gỡ vải bọc, để anh ta được đi lại thong thả.” (Gioan 11: 43-44)

PHÚT TÌM LẠI SINH LỰC

Sử gia Rodriguez trong tài liệu “Tử Đạo Á Đông” đã ví cuộc đời của Phaolô Hạnh “như một bông hoa tím mọc dại bên đường, cho đến ngày có người đi ngang qua dẵm nát, thì mới tỏa hương thơm. Phaolô Hạnh quả là bông hoa bị che khuất bên vệ đường Giáo Hội, cho đến khi bị vò nát trong cuộc bách hại, mới tỏa ra hương thơm ngát khiến chúng ta phải lâng lâng ngây ngất… Giữa một đô thị ô nhiễm đầy bon chen thấp hèn, những gian dối bất công và những nỗi cơ cực, thì mọi người mong đợi những cánh hoa báo hiệu mùa Xuân mới đang đến, đem lại bầu khí trong lành hơn. Cánh hoa Phaolô Hạnh đã tỏa hương nhờ sức mạnh Thánh Linh làm cho những ai chán ghét mùa đông tội lỗi, lạnh giá, sẽ thấy lòng mình xuất hiện một niềm vui bí ẩn, hy vọng tràn trề vào tương lai, và khắc sâu vào tâm khảm hình ảnh mùa xuân vĩnh cửu”

Cuối mùa đông, những bờ đất đá hay cành khô trơ trụi đang bật lên cả triệu triệu mầm nụ mới. Cuối một thế kỷ, cuối một ngàn năm, tất cả đều biết “lấp kỹ tội hèn” trong những “nấm mồ” của những gì đang qua đi để tin vào sức sống bao la của đất trời. Mùa xuân của ngàn năm mới đang hé mở đây rồi, đang chuyển mình vào một khúc vũ trong nhịp sống thần linh. Chả lẽ mình cứ tiếp tục khư khư giữ lại những gì đã tàn tạ một cách tội nghiệp?

Cám ơn đất đá trổ hoa.
U mê hạt bụi hồn ta bám hoài?

Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau