MA ĐÓI
Ở Mỹ vào đêm thứ Bẩy cuối tháng 10 chuyển sang tháng 11 hằng năm thì phải vặn đồng hồ lại một tiếng. Vào mùa này đêm dài hơn ra, mới bốn giờ chiều mà trời đã tối sập xuống rồi.
Bóng đêm qua bao đời vẫn là hình ảnh của một thế giới khác, thế giới bên kia. Cũng vào dịp này, ở khắp các đường phố, người ta dựng những ngôi nhà ma với những cảnh rùng rợn kinh hồn. Chỗ này là một cái xác bị treo lên lè lưỡi thòng xuống phát rợn người. Chỗ kia là một con ma với khuôn mặt méo lệch kỳ quặc đến khủng khiếp, máu me bê bết, vừa đi vừa thở phì phì nhọc mệt như kiếm chác một thứ gì hiếm lạ… Còn các trẻ em thì đóng vai những con ma đói đi xin ăn khắp các ngả đường, không cho ăn thì sẽ bị phá phách. Có điều ma Mỹ đói mà đòi ăn sang lắm, chỉ đòi ăn kẹo loại ngon thôi, cho thứ rẻ tiền là ma chê liền.
CHUYỆN DÀI NHỮNG NGÔI NHÀ MA
Xã hội này thừa mứa đồ ăn mà có thể lại nhiều ma đói. Chuyện thật về những ngôi nhà có ma thì nhiều lắm, nơi nào cũng có. Nguyên ở New Orleans cũng có tới cả chục ngôi nhà ma được báo địa phương cho địa chỉ đàng hoàng để những ai tò mò có thể tìm đến. Tại số nhà 1113 đường Chartres đối diện với nhà dòng Ursuline cũ, lâu lâu người ta thấy hồn tướng Beauregard đi lại điều khiển trận đánh Shiloh với quân quốc rầm rập. Đây là địa điểm xảy ra trận đánh nhau chết nhiều người trước kia có ghi lại trong lịch sử.
Ở ngôi nhà ma số 1447 đường Constance thì thấy hai người lính nét mặt ủ rũ nhợt nhạt đi lại và hát nghêu ngao. Người ta kể lại câu chuyện về hai người lính này vốn là hai người giữ kho thời nội chiến Bắc Nam. Một hôm bị phát giác phạm tội biển thủ lớn nên phải ra tòa án quân sự lãnh án tử hình. Đêm đó hai tên liền rủ nhau kề súng vào nhau mà bắn để cùng chết một lúc.
Hiện tượng thật lạ là ma Hermann Grima ở số nhà 820 đường St Louis không hề phá phách làm ai sợ sệt, nhưng thường tỏa mùi hoa hồng thơm dịu; trời lạnh thì sưởi ấm cho nhà. Nhưng bọn ma LaLaurie Hona ở 1140 đường Royal thì ồn ào động đạc quá sức: chúng là hồn những người nô lệ bị hành hạ trước kia chết ở đây.
Ở ngôi nhà ma Garlette-LePretre ở đường Dauphine thì thường thấy hồn của cặp vợ chồng người Thổ Nhĩ Kỳ bị giết. Và còn nhiều địa chỉ khác nữa như ma Vodoo Queen Marie Lavean ở số 1020 đường St Ann; Ma ở nghĩa địa St Louis I, St Louis II, ma ở 514 đường Chartres; ma ở 739 đường Bourbon v.v.
LỄ VU LAN VỚI VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN
Ai cũng thấy rõ rằng sau khi chết, con người hoặc được siêu thoát, hoặc còn bị trói buộc cách này cách khác. Họ không tự cứu mình được, nhưng phải trông nhờ những người còn sống tu thân tích đức bù đắp cho. Những hành động ma phá phách là có ý nhắc xin cứu giúp, và khi được cứu giúp giải thoát thì yên ngay. Ma đói đúng là tình trạng của những người chết mà chưa được siêu thoát. Thì ra bên Tây cũng như bên Đông, bên Đạo Phật cũng bên Đạo Chúa… tất cả đều tin và thấy ma đói có thật.
Truyền thống Đạo Phật từ Ấn độ có lễ Vu Lan vào dịp rằm tháng 7 âm lịch, từ tích truyện Mục Kiền Liên chuyển hóa cứu khổ cho mẹ đã chết nhưng còn nhiều vướng mắc nên bị treo ngược ở địa ngục. Có lần Mục Kiền Liên được phép thần thông thấy mẹ bị đói quá liền thương mà dâng cơm cho mẹ, nhưng cơm vừa đưa vào miệng thì hóa thành lửa không ăn được. Quả thực ma đói cũng không ăn cơm ăn kẹo được, mà phải cho đồ ăn tinh thần là tu thân tích đức theo đúng truyền thống Ngày Rằm Xá Tội Vong Nhân, để những người còn bị giam trong vòng tăm tối được bước vào cõi sáng êm ả như trăng rằm. Vu Lan là chữ tắt bởi Vu Lan Bồn, phiên âm tiếng Phạn Ullambana.
Đạo Hiếu vốn đã ăn sâu trong máu người Việt, nên việc thờ cúng tổ tiên đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa người mình, có trước khi các tôn giáo du nhập vào Việt Nam. Quả thực mỗi tôn giáo đều có một hệ thống niềm tin riêng với cả một truyền thống nhằm mục đích giải thoát cứu khổ con người, nhưng đặc biệt khi vào Việt Nam, các tôn giáo đã có được một điểm gặp gỡ chung rất gần gũi thân thương, đó là Đạo Hiếu. Đây cũng chính là mẫu số chung để xây niềm tin chung tạo sức mạnh chung cho dân Việt như giáo sư Kim Định đã có lần đề cập đến trong “Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên”.
Căn bản của Đạo Hiếu là niềm tin vào hồn thiêng bất tử. Mỗi người nhận được sức sống từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, như một dòng sức sống vẫn tiếp tục chảy. Cắt đứt dòng sức sống sẽ gây cho mình tự tắc nghẽn héo tàn như thằn lằn cụt đuôi giẫy chết và làm mồi ngon cho kiến. Như vậy Đạo Hiếu là hướng về, là nối vào được dòng sức sống này. Mỗi gia đình dòng họ là những nhánh sông nhỏ, lại cần nối vào một dòng sống lớn hơn, đó là tổ tiên của cả một dòng giống. Nhưng dòng sống không chỉ ngưng lại ở tổ tiên của một dòng tộc, một giống nòi, mà phải nối tới tột đỉnh Cội Nguồn là chính Đức Chúa Trời Nguồn Sống. Như vậy Đạo Hiếu trong tâm thức Việt rất gần với niềm tin Đạo Chúa.
Nguyễn Du đã diễn tả tài tình được niềm tin vào cuộc sống mai sau trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh:
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận bồ côi lần lữa đêm đen.
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.
Người mình không chỉ tin mà luôn thấy được rằng người chết vẫn còn sống. Khi được siêu thoát thì hiển linh phò trợ cho con cháu như truyện vua Hùng trong Bộ Truyện Thiêng Lĩnh Nam cầu khẩn với tổ tiên mà được ơn soi sáng đi tìm được nhân tài giúp nước là Phù Đổng Thiên Vương. Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa hoài không xong, cũng đã cầu khẩn thần linh. Ngày mồng bẩy tháng ba bỗng có một ông già tiến thẳng vào cửa thành, vừa đi vừa nói rằng: “Xây kiểu này thì bao giờ mới xong! Nếu không có sứ giả nhà Trời cùng xây thành, thì mọi cố gắng cũng thành uổng công. Thành xây xong lại bị sập là do ma quỉ quấy phá.”
Còn những người chưa được giải thoát mà trở thành những cô hồn, những con ma đói, thì mình có bổn phận lo cứu đói bằng đồ ăn tinh thần là những việc lành phúc đức và lời cầu nguyện.
TIN VUI GỬI NGƯỜI BIẾT BÁO HIẾU
Đạo Chúa khi vào Việt Nam đã gặp được một độ rung hài hòa rất nhuần nhuyễn trong Đạo Hiếu, như đã có sẵn trong mạch máu. Ngoài những ngày giỗ, Đạo Chúa dành cả tháng 11 hằng năm để lo “cứu đói”, gọi là tháng các linh hồn, cầu nguyện cho những người chết mà còn bị vướng mắc cần phải được thanh tẩy trong nơi luyện tội, nhất là các linh hồn những người trong gia tộc. Đúng là Mùa Báo Hiếu, mà cũng là mùa mỗi người dừng chân để nhìn vào cuộc sống của chính mình, để thấy rằng mình sẽ trở thành hồn sống siêu thoát hay phải chịu số phận ma đói lang thang kiểu “phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người”! Người theo đạo Chúa không chỉ dâng hoa thắp hương kính nhớ ông bà đã qua đời, mà còn hơn thế nữa, phải có bổn phận dâng lời cầu nguyện và thánh lễ, làm các việc từ bi bác ái trong ý nghĩa hiệp thông sâu xa nhất. Đó mới là những đồ ăn dâng cúng đúng nhất.
Nhìn xa hơn về bên kia thế giới, tự nhiên mọi giá trị về danh lợi cao thấp hơn thiệt ở đời đều trở thành tương đối. Và thấy rõ hơn cái gì thực sự mới làm cho mình no thỏa ở đời sau mà tội nghiệp cho những ai sống như không bao giờ phải chết, chỉ lo bon chen tích trữ bằng đủ mọi cách, mánh mung để có thêm chút danh hão, lên mặt lãnh tụ chỉ đường “chơi cha” thiên hạ. Mà cơn đói danh và khát lợi cứ theo đà thành chứng nghiện khốn khổ. Để rồi đến lúc chết ra đi chẳng mang theo được gì, mà trở thành những con ma đói thèm khát khủng khiếp.
Chính vì thấy được như vậy mà Chúa Giêsu đã loan báo Tin Vui: “Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23:10-12)
PHÚT NHÌN CAO LÊN
Thử hình dung hôm nay là ngày mình chết. Sau bằng ấy năm tích trữ trên cõi đời này, mình sẽ mang theo được gì về đời sau?
Người Việt mình gọi giờ chết là sinh thì, là giờ bắt đầu sống. Đúng là “birthday”, vì thế người Việt nhớ rất kỹ ngày giỗ của ông bà cha mẹ, chứ mấy ai nhớ ngày sinh vào đời này đâu. Sau một cuộc sống ăn ngay ở lành, tu thân tích đức, con người không lo sợ phải trở thành ma đói lang thang trong cõi đêm dài u tối, mà thực sự được bước sang một cõi sống mới đầy ánh sáng và âm thanh phúc lạc, như cái thấy của thi hào Hàn Mặc Tử:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh.
Trích “Khúc Sáo Ân Tình” của cố Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường