Lời giới thiệu: Giáo trình Văn Hoá Công Giáo Việt Nam

 

Lời giới thiệu

Giáo trình Văn hoá Công giáo Việt Nam

Các bạn thân mến,

Chúng tôi giới thiệu tập tài liệu Văn hoá Công giáo Việt Nam này để giúp các bạn tìm hiểu về nền văn hoáCông giáovà xây dựng bản sắc văn hoá Công giáo cho đồng bào Việt Nam.

Văn hoá được hiểu như là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhất định của một dân tộc,haynói rộng ra như Công đồng Vaticanô II trong số 53 của Hiến chế Gaudium et Spes, là toàn thể những hoạt độnggiá trịcủa con người trong mọi thời đại nhằm thăng tiến nền văn minh nhân loại. Vì thế Giáo hội Công giáo hết sức coi trọng văn hoá, cổ vũ người tín hữu xây dựng nền văn hoá dân tộc và “hội nhập văn hoá”,nghĩa là đem những giá trị Tin Mừng thâm nhập vào các nền văn hoá ấy,để làm cho đời sống con người tràn đầy niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ.

Cách đây 400 năm những tín hữu Công giáo đã giới thiệu cho dân tộc Việt biết đến nền văn hoá Kitô giáo. Trong hàng ngàn năm trước, kể từ thời bị người Trung Quốc đô hộ cho đến khi thiết lập nền dân chủ (năm 111 TCN đến năm 1945), nước ta theo chế độ quân chủ chuyên chế, vua có toàn quyền sinh sát trong tay, xã hội phong kiến, nam nữ bất bình đẳng, hôn nhân đa thê, dân tộc lạc hậu, chữ viết lệ thuộc người Tầu với chữ Hán, chữ Nôm và cách học từ chương. Người Công giáo Việt Nam, từ năm 1615 trở đi, đã giới thiệu một nền văn hoá mới, lấy tình yêu Thiên Chúa là nền tảng, và truyền đạt các giá trị mới về chính quyền dân chủ, về con người bình đẳng nam nữ, về gia đình một vợ một chồng, về khoa học tiến bộ, về chữ Việt viết theo ngôn ngữ Latinh nên dân tộc ta từ đó dễ dàng tiếp cận văn hoá và khoa học của toàn thể nhân loại….

Người Công giáo Việt Nam ngày nay cũng cần phải trình bày cho đồng bào mình bản sắc văn hoá Công giáo, mà cha ông chúng ta đã tốn nhiều công sức và hy sinh cả mạng sống để giới thiệu và chứng minh bản sắc này. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong thời đại khoa học hiện đại nên cần phải chứng minh bản sắc đó bằng những luận chứng khoa học thuyết phục và những hành động cụ thể, chứ không phải bằng những lời nói suông, những đòi hỏi tuyệt đối của đức tin, trong khi chính người tín hữu vẫn hiểu rằng: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

Tuy nhiên, khi cả dân tộc Việt Nam đón nhận những giá trị đó của văn hoá Kitô giáo, thì rất nhiều tín hữu Công giáo Việt đã dừng lại, tự mãn về những gì mình đóng góp cho dân tộc, không tiếp tục con đường tình yêu, sự thật và sự sống của Chúa Giêsu Kitô để giới thiệu những giá trị mới cho đồng bào. Họ chọn cách sống thụ động, cầu an.

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong buổi triều yết Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 5/3/2018, dịp đi Ad Limina ở Rôma, đã nói đến điều này trước Đức Giáo hoàng Phanxicô và toàn thể Giáo Hội rằng: “Sau hàng nửa thế kỷ phải trải qua những giờ phút đầy thử thách của một cuộc chiến tranh ý thức hệ, giờ đây chúng con đang phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con, thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân,khép kín. Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không gia tăng” (x. Diễn từ triều yết của TGM Giuse Nguyễn Chí Linh tại Rôma, ngày 5/3/2018).

Thái độ sống cầu an này đã gây nên những tổn hại lớn lao cho Giáo Hôi và dân tộc. Ai cũng thấy nền đạo đức, luân lý của xã hội Việt Nam đang xuống dốc với đủ loại tội ác ghê rợn được thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thái độ đó cũng làm cho chính đồng bào Công giáo Việt Nam mất đi ảnh hưởng tốt đẹp và vị trí đặc biệt trong lòng dân tộc khiến từ năm 1885 đến nay, tỷ lệ dân số theo đạo Công giáo vẫn giữ nguyên 7% dân số.

Nếu người Công giáo Việt Nam chúng ta quyết tâm sống theo bản sắc tích cực của mình để xây dựng nền văn minh tình yêu bằng nền văn hoá sự sống, chúng ta chắc chắn sẽ làm cho đất nước Việt Nam phát triển về mọi mặt, dân tộc ta sẽ giàu mạnh, hưởng được tự do hạnh phúc hơn nhiều. Điều này anh chị em Công giáo Hàn Quốc đã thực hiện được cho dân tộc của mình trong vòng 50 năm qua để từ một nước nghèo khổ, lạc hậu, thua xa Việt Nam Cộng hoà vào những năm 1960-1970, bây giờ đang là một trong mười nước phát triển hàng đầu thế giới.

Chính trong tinh thần đó, chúng tôi muốn trình bày nền văn hoá Công giáo để xây dựng bản sắc văn hoá Công giáo Việt Nam theo 20 đề tài sau đây:

Phần Tổng quát:

  1. Con đường tình yêu mở rộng cho mọi người
  2. Đức Giêsu Kitô là con đường sự thật và sự sống
  3. Thở được linh khí của Trời
  4. Giải nghĩa được tình yêu
  5. Nền văn hoá toàn diện và liên đới.
  6. Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử Việt Nam
  7. Giáo hội Việt Nam và các dân tộc thiểu số
  8. Tôn giáo như hình thức tối thượng của văn hoá
  9. Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt
  10. Về với cội nguồn

Phần chuyên biệt:

  1. Sống đẹp từng giây phút trong đời
  2. Ăn để chuyển hoá và thăng hoa vạn vật
  3. Nói Lời cứu độ
  4. Chữ là người
  5. Học với người thầy tuyệt vời
  6. Mặc lấy con người mới
  7. Uống nước nhớ nguồn
  8. Làm việc để hiệp thông
  9. Chơi cho hồn lành xác mạnh
  10. Giấc ngủ an bình

Những đề tài trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong nền văn hoá vô cùng phong phú của con người mà mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm thực hiện cho mình và truyền đạt cho thế hệ tương lai. Xin các bạn viết tiếp với chúng tôi về nhiều đề tài khác nữa. Chúng tôi hy vọng sẽ trình bày những đề tài gần gũi với đời sống này bằng những câu từ đơn sơ, dễ hiểu trong tinh thần hội nhập vào nền văn hoá dân tộc Việt Nam và các nước trên thế giới. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các bạn để tập tài liệu này mang lại hiệu quả tốt đẹp cho mọi người.

Chân thành cảm tạ các bạn và cầu chúc từng người luôn an lành, mạnh khoẻ, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Trân trọng,

Sài Gòn, ngày 5/9/2018,
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Comments (1)

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau