Kinh nghiệm mỗi người đều thấy rõ là bước vào một tiệm bán quần áo hay chỉ đi bộ ở hành lang siêu thị, nhiều khi mình không cưỡng lại được những “cám dỗ” do những mặt hàng hấp dẫn bày biện ra kia. Trước khi đi thì chả thấy cần gì bao nhiêu, mà sao bây giờ lại thấy thích thú muốn “tậu” món nọ món kia đưa về cho đời thêm tươi mát, vì cái màu bắt mắt quá, kiểu thật mới mà giá lại vừa phải, không mua ngay sợ tuần tới sẽ mắc vì hết “sale” hoặc có người mua mất!
Sở dĩ có tình trạng này là vì mình đang bị thôi thúc lên cơn thèm khát. Người lớn còn thế, phương chi là trẻ con. Các lái buôn đang giữ quyền lực tạo ra được sở thích, đặt mức giá trị, và thôi thúc người ta phải chọn lựa. Joseph Kincheloe và Shirley Steinberg trong khảo cứu về Mức Ảnh Hưởng Tới Lớp Trẻ đã cho biết rằng hiện nay hai công ty Disney và McDonald’s có mãnh lực đào tạo cách suy nghĩ và hành động của trẻ mạnh hơn cả hệ thống trường tiểu học.
CHIẾN THUẬT KHÊU GỢI LÒNG HAM MUỐN
Trung bình mỗi ngày một đứa trẻ có thể chạm tới ba chục ngàn cách quảng cáo khác nhau, từ truyền hình, truyền thanh, đến những tờ in kèm vào báo, các bảng quảng cáo trên đường, và ngay cả trên những trang sách học. Những hình ảnh và những lời thôi miên này từng giây từng phút ấn sâu vào óc, lọt tận vào mạch máu thành ám ảnh, thành phản ứng “không người lái”, không kịp suy nghĩ . Thế là trẻ cứ tự nhiên thích Barney, Power Rangers, Pokemon, giầy Nike, và không muốn cho những đứa khác thấy mình theo cha mẹ vào tiệm rẻ tiền như K Mart, Wal Mart… Sở dĩ các lái buôn thành công trong việc xỏ mũi thiên hạ mà lôi đi, vì họ đã áp dụng đúng chiến thuật gồm bốn điểm:
- Tạo ra niềm tin rằng cứ mua mấy thứ sản phẩm đó là thế nào cũng ngon lành hạnh phúc. Trong quảng cáo, ai cầm lon nước Coca uống cũng vui vẻ yêu đời quá sức; ai dùng loại xà bông gội đầu đó thì tóc cũng óng mượt bay bay như mây trời. Đâu có ngờ là người mẫu này có thể chả dùng loại xà bông đó, nhưng vẫn phải cười tươi, nhe răng đúng độ bài bản, đứng trong phòng studio cho những tay lấy ảnh chuyên nghiệp vẽ vời: năm sáu loại đèn chiếu khác nhau từ nhiều góc cạnh cho nét mặt nổi lên như ba chiều vậy, cho tóc long lanh mầu nắng thủy tinh; rồi để quạt máy thổi từ góc phòng cho tóc bay bay. Thế là ăn ảnh đứt đi chứ. Rồi bảo rằng đẹp như vậy là do xà bông gội đầu loại đó. Thế là người ta cứ răm rắp tuân lệnh mà mua về. Vẫn có nhiều kẻ tin hơn kinh Tin Kính!
- Tạo cảm tưởng tin rằng mọi người đang dùng sản phẩm đó cả, hợp thời và văn minh quá sức. Vậy là nếu không mua thì tự cảm thấy lạc hậu chẳng giống ai. Thôi đành cũng phải gồng mình chứ biết sao.
- Cứ ám ảnh bằng ấn rất nhiều hình ảnh qua mọi hình thức, để thành phản ứng tự động mà không cần suy nghĩ đúng sai. Chẳng hạn như những hình ảnh của công ty Disney xuất hiện trong bất cứ gì liên hệ tới đời sống hằng ngày của trẻ, từ sách học đến những chương trình hoạt họa và các đồ chơi. Đây là một khám phá của khoa tâm lý thời mới: đa số các phản ứng và hành động của con người đều do những hình ảnh trong đầu, chứ không phải là những suy tư lý luận. Vì nhiều hình ảnh chả hợp lý tý nào mà nhiều người vẫn theo. Vậy là người ta cứ “nhất trí” suy nghĩ bằng những hình ảnh đó, hành động theo kiểu những hình ảnh đó.
- Tạo ấn tượng cứ phải leo thang thêm cho hợp thời. Bất cứ một sản phẩn nào vừa ra lò thì ngay ngày sau đã thấy giới thiệu một thứ mới nâng cấp “up-grade”. Vừa mua xong cái máy này chưa kịp xử dụng đã thấy bị lỗi thời, vì kìa một mặt hàng mới cùng loại hấp dẫn hơn nhiều đa xuất hiện. Cứ thế mà sinh bất mãn kinh niên. Lại phải lo nâng cấp hay thay thế cái mới. Và chả bao giờ thỏa, vì các tay làm ăn luôn tìm ra cái mới hơn nữa để chiêu dụ thôi thúc lên cơn thèm khát nhức nhối không cùng!
THỜI ĐIỂM BỊ THÔI MIÊN
Chỉ nguyên ba hãng Gatorade, Hanes, và MCI WorldCom đã phải trả từ 42 tới 47 triệu Mỹ kim một năm cho thần tượng thể thao môn bóng rổ là Michael Jordan để thuê anh chàng này tươi cười cầm chai nước ngọt Gatorade, xử dụng điện thoại hay mặc đồ Hanes. Chưa kể một điều khác khủng khiếp hơn: đó là tiền trả của hãng Nike cho một mình Michael Jordan quảng cáo trong vòng mấy chục giây cho giầy Nike nhiều hơn là tổng số tiền lương của tất cả nhân công làm cho hãng Nike. Thế mới biết ai mua giầy Nike là đã phải trả tiền cho Michael Jordan nhiều hơn là giá trị thật của đôi giầy. Vì chiến thuật của hãng nhằm làm sao tạo ra được ấn tượng là đi giầy đó thì sẽ đầy hoạt lực và hiệu năng như Mike Jordan như lời thôi miên: Hãy như Mike (Be like Mike). Mặc đồ có dấu Nike là theo được đà tiến bộ, vì kìa tất cả mọi cầu thủ chơi giải Túc Cầu Thế Giới bên Pháp hay giải Super Bowl đều mặc đồ Nike.
Và ban cầm đầu hãng Nike mỗi tháng hay cuối năm ngồi lại tính sổ sẽ vỗ tay cười chiến thắng vì chiến thuật của mình thành công trông thấy, vì đã xỏ mũi sai khiến được bao người ngoan ngoãn nghe lệnh mình, ít người có thể cưỡng lại được. Nguyên một mình Michael Jordan qua quảng cáo đã làm cho hãng Nike thu lợi thêm được trên 5 tỷ tiền Mỹ.
Đấy là mới chỉ nhìn qua mấy mặt hàng mà mình đã thấy rợn người lên rồi. Huống hồ là nhiều thứ khêu gợi lòng dục khác cứ tấn công tới tấp ngày đêm trên phim ảnh, báo chí, qua những giao tiếp hằng ngày. Riết rồi mình trở thành con mồi ngon không còn làm chủ nổi mình nữa như bị ám lên cơn. Từ cơn thèm khát biến thành cơn nghiện nặng. Khổ một điều là càng mua càng thiếu, càng ăn càng nghiện, càng uống càng khát. Biết làm sao bây giờ?!
TIN VUI GỬI NGƯỜI ĐANG LÊN CƠN THÈM KHÁT
Câu truyện lên cơn thèm khát của thời đại cũng là câu truyện Kinh Thánh tuần này giữa Chúa Giêsu và người đàn bà vùng Samaria bên bờ giếng Gia-cóp. Người đàn bà này bị cơn khát bên trong hành hạ khổ sở hơn cơn khát nước của vùng miền Trung Do Thái khô chồi đầy cát bỏng và nắng cháy. Vì chị ta đã thèm khát và đã lạng quạng kiếm chác tới năm anh chồng rồi mà vẫn không thỏa, vẫn khắc khoải quằn quại lên cơn, và càng ngày càng nghiện mê thêm. Cái vòng quẩn trói buộc hành khổ không sao thoát ra được! Đúng là chị ta bị ám, bị tới năm tên chặn vít mạch làm sao nước từ nguồn có thể chảy ra được.
Nhìn rõ được tâm trạng của người đàn bà, Chúa Giêsu nói ngay: “Ai uống nước này sẽ còn khát; chứ những ai uống nước ta sắp cấp cho, sẽ không bao giờ khát nữa: thứ nước ta cho, vào mình người ấy sẽ hóa ra một ngọn suối, cuồn cuộn phát ra sức trường sinh.” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, xin cho tôi loại nước đó, để tôi hết còn khát và hết phải trở lại kín nước” (Gioan 4:13-15).
Câu truyện thánh sử Gioan kể lại thật tài tình. Chúa Giêsu cứ từ từ gợi ý cho người đàn bà khởi đi từ những rung động đời mình và muốn tìm câu trả lời thực sự cho những khắc khoải đó. Ngài cần đợi đến lúc người đàn bà nghiệm thấy không gì trên đời này có thể làm mình vui thỏa, mà phải đi tới được một khát vọng sâu thẳm hơn, đó là “Tôi biết rằng Đức Mét-sia, tức là Đức Kitô đương tới; và khi tới rồi, Người sẽ dạy bảo chúng tôi mọi điều.” Chính lúc này, Chúa Giêsu mới “bật mí”: “Chính ta, kẻ đương nói chuyện với chị đây là Vị ấy.” (Gioan 4:25-26)
PHÚT XẢ TRỐNG
Truyền thống đạo Chúa để ra một thời gian 40 ngày gọi là Mùa Chay, là cơ hội thuận tiện để mỗi người nhận diện chính mình đang bị cơn khát thèm nào ám ảnh điều khiển sai khiến mình, làm mình mất đi cái tự do sống thảnh thơi. Ngay cả trong việc mua sắm, mình cũng dễ bị rơi vào cái bẫy ham hố vơ vét, càng có thêm lại càng bất mãn bồn chồn. Và bao nhiêu cơn thèm khát khác đang hành hạ đời mình, nhiều thứ tham sân si đang vít mạch khiến không sao mà sống tươi mát được, nhiều tên thứ dữ đang ám mình khiến càng ngày càng lên cơn nghiện mê thêm mà không bao giờ thỏa!
Mình muốn tìm cho mình một phút giây lắng đọng tâm hồn, để dứt khoát muốn làm một cái gì thay đổi hướng đi đời mình, như cảm nghiệm của thánh Âu Cơ Tinh: “Tâm hồn tôi khắc khoải quằn quại mãi cho tới khi tìm gặp được Chúa.”
Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường