Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô, Chúa Nhật 02/06/2024
Lời Chúa: Xh 24,3-8; Hr 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Suy niệm: TỪ HIẾN TẾ CỦA BÀN THỜ ĐẾN HIẾN TẾ CỦA CUỘC ĐỜI
Các bài Sách Thánh của lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay đều nói về tính chất hy tế. Chúa Giêsu nói về chính Ngài: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Những lời ấy như nhắc đến giao ước ở núi Sinai với máu của thú vật; và như thế, bí tích Thánh Thể mang ý nghĩa của hiến tế.
Ý nghĩa hiến tế của bí tích Thánh Thể và của thập giá gắn liền với nhau. Điều được thể hiện nơi bí tích Thánh Thể dưới dạng bí tích vào đêm thứ năm ấy sẽ được thể hiện cách hiện thực vào trưa hôm sau. Hiến lễ của bàn thờ đi liền với hiến lễ của đồi Canvê và làm nên cùng một ý nghĩa.
Nhưng tại sao cùng một ý nghĩa mà Chúa Giêsu cần phải thiết lập bí tích Thánh Thể? − Hiến tế trên đồi của Chúa Giêsu chỉ thực hiện một lần vào năm 30 là đủ để cứu độ mọi người qua mọi thời đại. Nhưng với con người qua các thế hệ thì cần một thể hiện khác để “nhắc nhở” và thực hiện từng bước hiệu quả của ơn cứu độ thập giá ấy. Cử hành Thánh Thể không chỉ mang ý nghĩa “nhắc nhớ” một chuyện quá khứ, nhưng vì là bí tích, Thánh Thể làm cho cuộc hy tế năm xưa được hiện tại hoá cho con người qua những thời đại khác nhau và cho cùng một con người với từng bước của cuộc đời họ.
Bí tích Thánh Thể còn mang ý nghĩa “nhắc nhở” con người về hy tế thập giá trên đồi và như thế, khi cử hành Thánh Thể, tín hữu không được dừng lại ở một nghi lễ trong nhà thờ, nhưng phải đưa tín hữu đến hiến tế của chính họ trong cuộc sống. Cử hành của Giáo Hội luôn mang tính chất làm cho nên hiện thực, do đó, cử hành của tín hữu cũng phải trở nên hiện thực trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nếu không, cử hành của họ không giúp họ đón nhận được ơn cứu độ và cũng không làm cho tín hữu nên giống Chúa Kitô. Hãy luôn luôn nối kết hiến tế của bàn thờ với hiến tế của cuộc đời giống như Chúa Giêsu Kitô.
Giuse Nguyễn Trọng Sơn