Lễ kính thánh Mátthia tông đồ, Thứ Ba 14/05/2024
THẾ CHỖ

Lời Chúa: Cv 1,15-17.20-26; Ga 15,9-17

Suy Niệm: THẾ CHỖ

Ông Matthia được chọn để thế chỗ cho ông Giuđa Ítcariốt đã phản bội Thầy và đã tự kết liễu đời mình. Phải chăng vì vai trò là thế chỗ nên ông Matthia cũng mờ nhạt?!

Trước nhất phải nói “thế chỗ” không phải là “giành chỗ”, bởi vì chỗ này không béo bở gì. Lúc ấy, Giáo Hội đối diện với những cuộc bắt bớ của người Do Thái. Thế chỗ ở đây là “nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ” (Cv 1,25), tức là đảm nhận lấy một trách nhiệm. Và khi được chọn, ông Matthia được kể thêm vào số mười một tông đồ để trở thành con số mười hai. Tại sao phải là con số mười hai? Con số mười hai chỉ mười hai chi tộc Israel, tức là toàn dân. Mọi người đều có trách nhiệm làm chứng về Đức Kitô.

Chúa Giêsu nói: chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em đi và sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15,16). Ông Matthia được chọn cho sứ vụ, để sinh hoa trái, nhưng còn là được chọn để đi vào một tương quan mới, là mối tương quan làm nền tảng cho sứ vụ. Chúa Giêsu đưa các môn đệ vào mối tương quan giữa Người với Chúa Cha. “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,9-10). Và điều răn mà Chúa Giêsu mời gọi môn đệ tuân giữ lại chính là tình yêu thương dành cho tha nhân: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Như vậy, “thế chỗ” mang ý nghĩa là “có chỗ” trong một tương quan của lòng yêu mến! Thật là điều tuyệt vời! Không còn là vị thế nổi bật hay mờ nhạt như là một thứ tìm kiếm và chiếm hữu cho bản thân, nhưng là hạnh phúc vì mình có chỗ, chắc chắn là có chỗ trong lòng của Chúa và trong lòng của nhau!

Người ta thường nói sống ở đời thì phải có danh, có phận; làm gì thì phải có lợi cho mình. Nhưng ông Matthia đã cho chúng ta thấy một quan niệm khác: sống ở đời là phải đi vào lòng nhau, sống trong cộng đoàn là chung chia cuộc sống của cộng đoàn, và sống ở đời còn là cưu mang lấy người khác vào lòng mình. Như thế, tôi không ở bên lề cuộc sống của người khác, nhưng đi đến đâu, tôi đều cảm nhận mình và người khác như thuộc về nhau. Ơn cứu độ của Chúa Giêsu Kitô chính là đưa con người đi vào lòng của gia đình của Chúa Cha, để làm cho người ta thuộc về nhau.

Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau