Vào thế kỷ 20, người Do Thái đã làm được ba phép lạ.
Phép lạ thứ nhất: từ một lớp người mất tổ quốc, bị phát lưu lang thang đi khắp thế giới gần hai ngàn năm, vậy mà họ đã tụ về lập nước lại được. Nhờ cuốn sách “Quốc Gia Do Thái” của Herzl khơi động phong trào Sion từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 ở Âu châu, vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, Ben Gurion đã tuyên bố thành lập quốc gia Do Thái: “Kể từ hôm nay, quốc gia đó lấy tên là Israel. Hỡi các đồng bào Do Thái ở khắp thế giới, xin hãy nghe tôi đây. Xin đứng lên ủng hộ Israel đi, giúp cho quốc gia phát triển, giúp cho dân tộc chiến đấu để thực hiện cái mộng ngàn năm của chúng ta, cái mộng cứu quốc và phục hưng dân tộc.”
Phép lạ thứ hai: Tụ về giữa một thế giới Ả Rập thù hận chồng chất với lực lượng gấp mấy chục lần sẵn sàng ăn sống nuốt tươi, người Do Thái đã can đảm và khôn ngoan tột độ để chiến đấu một mất một còn, vì thực ra họ không còn một chọn lựa nào khác: thua là bị tiêu diệt. Khi tuyên bố lập quốc vào năm 1948, lập tức các nước Ả Rập đồng loạt tấn công từ mọi phía. Vậy mà họ đã tử thủ được. Rồi trận chiến 1956 họ cũng thắng một cách thần tốc với siêu tài của tướng độc nhãn Mosh Dayan. Và trong trận chiến sáu ngày khốc liệt vào năm 1967, chẳng những họ không bị xóa sổ mà còn tiến chiếm được cổ thành Giêrusalem, và nhất là chiếm lại được “Bức Tường Khóc” di tích đền thờ biểu trưng niềm tin của dân tộc họ.
Phép lạ thứ ba: biến một sa mạc hoang vu trở thành những cánh đồng trù phú, biến tiếng Do Thái đang là một tử ngữ trở thành tiếng nói chính thức của quốc gia Do Thái, biến một vùng đất nhỏ bé nghèo nàn thành một quốc gia cường thịnh được cả thế giới nể vì.
BÍ MẬT CỦA PHÉP LẠ DO THÁI
Biết bao người đã ca tụng óc thông minh, niềm tin mãnh liệt, lòng can đảm và kiên nhẫn của người Do Thái. Điều này rất đúng. Nhưng thực ra chính cái chủ thuyết “Làng Cộng Đồng” Kibbutz mới là một chiến lược then chốt và là một phương thức đào luyện thực hiện tinh thần Do Thái.
Thủ tướng đầu tiên của Do Thái là Ben Gurion đã được gọi là một tiên tri mang khí giới. Ông là một người rất thực tế: cần phải có chỗ cắm dùi đã. Vì cả gần hai ngàn năm, vùng đất này do người Ả Rập Palestine chiếm ngụ, làm sao có thể len lỏi vào được?! Giữa bao lý thuyết về lập quốc, ông Ben Gurion tuyên bố: “Hằng ngàn bài diễn văn, hằng trăm đại hội cũng không bằng lập được một làng cộng đồng Kibbutz.” Những đợt hồi hương đã manh nha từ cuối thế kỷ thứ 19, nhưng phải kể từ sau cuốn sách của Herzl ra đời thì mới được một lớp người trẻ có học và đầy chí hướng đẩy mạnh kế hoạch lập làng Kibbutz kiếm đất cắm dùi.
Kibbutz là một làng cộng đồng qui tụ khoảng vài trăm người, mua đất đai chung dựng nhà như một làng nhỏ. Nhưng họ không phải là những người đa tạp, mà là những lớp thanh niên với tinh thần mới muốn làm một điều gì cho đất nước, nên chọn làng cộng đồng Kibbutz như một mô thức chung thực hiện ước mơ này. Họ chọn công việc chân tay để cùng làm việc với tinh thần bình đẳng, góp quĩ chung, ăn chung, tiêu dùng theo tiêu chuẩn, nghĩa là họ sống như một đại gia đình với tinh thần huynh đệ không đẳng cấp.
Không phải ai cũng tự ý vào sống trong Kibbutz được. Muốn gia nhập, họ phải qua một thời gian học hỏi tinh thần và tập sự, hết hạn rồi hội nghị Kibbutz mới xét xem có được nhận vào hay không. Không ai bắt phải vào Kibbutz cả, nhưng khi đã gia nhập thì đúng là họ mang một tinh thần mới và một lối sống mới. Họ phải theo kỷ luật chung, bỏ bớt ý riêng đi để theo quyết định chung, ăn những món như nhau, mặc những loại quần áo giống nhau trong một thời gian, và một số việc như rửa chén đĩa hay lau nhà thì ai cũng phải thay nhau làm không miễn trừ bất cứ ai. Họ coi đó như một vinh dự được biến những việc thấp hèn thành những cơ hội rèn luyện giá trị con người đích thực.
Chính cái tinh thần này mà phong trào Kibbutz đã đào tạo được những nhân vật lẫy lừng như thủ tướng Ben Gurion, tổng thống Ben Zvi, tướng Mosh Dayan, thủ tướng Golda Meyer… Đương kim thủ tướng Ehud Barak cũng sinh trưởng từ Kibbutz Mishmar Hasharon chuyên về trồng xoài và táo. Cha mẹ vào thập niên ’30 là những thanh niên đầy lý tưởng và thiện chí từ Đông Âu trở về gia nhập Kibbutz ngay từ thuở ban đầu, lúc Kibbutz chưa có điện nước ngoại trừ phòng dành cho trẻ em.
MƠ ƯỚC NÀO CHO CỘNG ĐỒNG VIỆT?
Năm 1986, tôi có dịp qua Do Thái và ghé thăm Kibbutz Degania ở ngay cửa Biển Hồ đổ vào sông Jordan huyết mạch của Israel. Đây là Kibbutz đầu tiên được thành lập năm 1911 với bao gian khổ. Mẹ của tướng Mosh Dayan là Deborah đã bỏ đời nữ sinh ở Ukraine bên Đông Âu về gia nhập Kibbutz này vào năm 1913, với công tác chuyên môn nướng bánh. Đệ tử của Tolstoi là Aaron David Gordon cũng là thành viên và đã trở thành một lý thuyết gia nổi bật cho tinh thần lao động bình đẳng và yêu thiên nhiên.
Điều tác động tôi mạnh là khi có dịp nói chuyện với một số sinh viên đang tập sự làm thành viên Kibbutz này. Họ tình nguyện về từ nhiều nước Âu Mỹ. Có người ở lại tiếp tục sinh hoạt trong Kibbutz, có người chỉ học hỏi và thực tập một thời gian rồi mang tinh thần đó trở lại Âu Mỹ để tạo hạt nhân nơi các bạn trẻ Do Thái khác.
Trở về với cộng đồng Việt tại Mỹ tuy đôi khi cũng đa tạp, nhưng tôi thật lạc quan thấy được hiện nay đang có những nhóm trẻ hoạt động, những trại huấn luyện rất thành công. Họ đang tạo ra được một phương thức gọi là cộng đồng căn bản thu gọn (basic community), với một nhóm người cùng chí hướng, cùng ấp ủ ước mơ làm một cái gì cho dòng tộc mình, dù đã mang quốc tịch Mỹ.
Làng Việt bây giờ cũng vì thế mà mang một chiều kích mới. Cách đây mấy ngàn năm biên cương nước mình còn nằm ở vùng Lĩnh Nam phía sông Dương Tử. Bị người Tàu đẩy thì mình chạy xuống vùng sông Hồng. Rồi mở rộng mãi xuống đất Thuận Hóa của người Chàm, theo đà vượt xuống Sài Gòn của người Chân Lạp, và mở rộng bờ cõi tới được Hà Tiên và Cà Mau chỉ mấy trăm năm nay thôi. Biến cố 1975 không ngờ mà lại là dịp mở thêm biên cương mới. Ông Ben Gurion nói đúng đấy. Chẳng gì bằng lập được một làng Việt, hơn là cứ bàn tới bàn lui hoài. Bờ cõi mới có thể là ở thung lũng Hoa Vàng San Jose, có thể là Sài gòn Nhỏ ở Cali hay Texas, có thể là ở hai bên bờ sông Mississippi…
TIN VUI BỒI ĐẮP BỜ CÕI MỚI
Riêng thành phố Ngọc Lân (New Orleans) nơi tôi ở thì mang nhiều nét đặc sắc vì có tới bốn năm làng Việt ở qui tụ với những cơ sở tôn giáo và giáo dục, với hội trường riêng như những đình làng. Một trong những nơi thu hút người Mỹ trắng Mỹ đen là Chợ Xổm ở làng Versailles phía đông thành phố. Đó là tên gọi cho vui ban đầu cách đây cả hai chục năm về trước lúc phe ta mới tới, kéo đại ra ngồi xổm “dã chiến” ở một khoảng trống mà bán hàng chả có quầy sập và ghế bàn gì cả. Người đem mấy bó rau vừa hái trong vườn, người mang dăm con vịt vừa mua từ nông trại về để bà con “mại dô” đem đánh tiết canh cho lên tinh thần. Vậy mà riết rồi thành chợ nổi tiếng, chả cần tính thuế má gì cả. Cảnh sát biết vậy nhưng cũng làm ngơ, cứ coi như nét đặc sắc của thành phố vậy thôi. Bây giờ văn minh hơn thì có ghế bàn quầy bán đàng hoàng với nhiều thứ rau trái tươi, vịt sống kêu quàng quạc, gà “chạy bộ” tưng bừng vào sáng sớm thứ Bảy. Mặt trời lên thì chợ cũng biến đi. Tuy nhiều mặt đã cải tiến, nhưng tên gọi Chợ Xổm dễ thương đã gắn chặt từ lâu rồi, đến Ngọc Lân thì ai cũng thích rủ nhau đi Chợ Xổm mới được.
Mới đây có dịp nghe ký giả Nguyễn Trọng nói về làng Việt tại Ngọc Lân (New Orleans), tôi thật vui khi thấy nơi mình đã cùng góp bàn tay lập làng Việt từ một phần tư thế kỷ vẫn giữ được nét thuần túy Việt:
“Chợ Xổm đã đưa chúng tôi về những ngôi chợ bé nhỏ ở làng xưa, với những bà mẹ quê, với những bó rau muống, rau đay, rau mồng tơi, với những con cá còn sống vẫy vẫy cái đuôi và ngáp ngáp cái miệng.
Chúng tôi đã được nhìn những mảnh vườn trồng cấy theo kiểu Việt Nam, được nhìn thấy những chiếc ao nhỏ phủ kín bồng bồng, được nhìn thấy những cụ già khom lưng nhổ cỏ trước vườn hoa chung quanh tượng Đức Mẹ.
Cảnh tượng này, cũng như cảnh chợ Xổm họp vào buổi sáng tinh sương, lại đưa chúng tôi về với làng quê Việt Nam, nơi chúng tôi sinh trưởng, nơi một số quí vị ở đây đã sinh trưởng, và cảnh tượng đó đã được làm sống lại ở Ngọc Lân, và có lẽ chỉ ở Ngọc Lân này mà thôi.
Tôi đã tới thăm nhiều nơi trên đất Mỹ và tôi phải công tâm mà nói rằng không đâu bằng Ngọc Lân, cảnh làng quê Việt Nam đã được duy trì, phát triển và trở thành linh hồn của người Việt tha hương nơi hải ngoại.”
Lời ký giả Nguyễn Trọng chuyển nhiều chất tình cảm xúc động. Có điều ai cũng thấy được là nét ràng buộc gắn bó quấn quít, liên đới trách nhiệm của người mình với nhau thì thật nổi. Vì sống theo kiểu mỗi người một đảo hoang chẳng mắc mớ gì tới ai thì bác sĩ thần kinh lại phải làm việc tối đa! Tin Vui tuần này nói lên nét tích cực của tình liên đới cộng đồng. Cần mang được một niềm tin chung, một ước mơ chung, cố gắng làm một cái gì cho người mình ngóc đầu lên được. Người theo đạo Chúa thì tin rằng Chúa hiện diện qua đời sống cộng đồng, tham dự sinh hoạt chung xây dựng tình thân thương là chỉ cho người khác thấy được Chúa.
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18:19-20)
PHÚT TRỞ VỀ LÀNG
Thế là mình không thể sống riêng rẽ kiểu cá nhân chủ nghĩa được rồi. Cuộc ra đi phải mang một ý nghĩa. Mình cần góp phần làm đẹp cộng đồng, bồi bắp bờ cõi mới. Trở về làng chả lẽ cứ phải trở lại vùng Động đình Hồ? Đây là phút giây mình nhận ra biên cương mới nơi ngôi làng mới, và quyết định tích cực dựng xây với tất cả tâm huyết và bền chí. Và đây, con mắt mình đang rưng rưng thấy được dòng sinh mệnh dân tộc đang chảy tới khắp các làng Việt hải ngoại, tới cả Palawan như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cảm nhận:
Trở về Làng, một mai Mùa Xuân Hùng Vương.
Trở về Làng, một đêm Mùa Xuân Tình Thương.
Rừng núi liên hoan. Biển cũng ca vang cùng với người.
Để nhớ thời xưa vì sao lầm than!
Hỡi những trái tim Việt Nam, từng thiếu nhịp yên bình
Dù lạc loài khắp thế giới, vẫn ca lên niềm tin.
Đến cuối bước chân nổi trôi là mái nhà êm đềm.
Cỏ cây như tuổi thơ, ngời lên màu xanh vạn niên…
Trích “Khúc Sáo ân Tình” – Tác giả Cố Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường