HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN – Năm A

Lời Chúa (Mt 23,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

HỌC HỎI:

  1. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu nói với ai và nói về ai?
  2. Đọc Mt 23,2-3 của bài này, ta thấy Đức Giêsu tôn trọng quyền giải thích về Luật Môsê của các người Pharisêu. Nhưng trong thực tế thì sao? Đọc Mt 16,6.11-12; và 23,16-22.
  3. Đọc Mt 23,3. Cho thấy khoảng cách giữa nói và làm nơi những người này.
  4. Trong Mt 23,4, Đức Giêsu trách những người Pharisêu “bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta.” Bó những gánh nặng nghĩa là gì? Câu nào cho thấy sự vô cảm của họ?
  5. Mt 23,5 cho thấy khuyết điểm gì của người Pharisêu? Tại sao họ lại đeo trên trán hộp kinh thật lớn và mặc áo có tua thật dài?
  6. Đọc Mt 23,6-7. Kể ra 4 điều người Pharisêu ưa thích. Sự ưa thích này phản ánh điều gì nơi lòng họ?
  7. Đọc Mt 23,8-10. “Đừng để ai gọi mình là thầy… đừng gọi ai dưới đất là cha của anh em…” Điều này ta có làm được không? Đức Giêsu đòi chúng ta có thái độ nào trước cám dỗ về chức tước?
  8. So sánh Mt 23,11 với Mt 20,26. “Ai là người lớn nhất trong anh em, phải là người phục vụ anh em.” Như thế sự lớn lao thực sự của một người nằm ở chỗ nào?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Qua bài Tin Mừng này, ta thấy vài nét tiêu cực của một số người Pharisêu vào thời của Đức Giêsu hay sau thời của Ngài. Những nhắc nhở này có giúp gì cho Giáo hội hiệp hành hôm nay không? Bạn thấy mình có những tật xấu của một số người Pharisêu không?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Dựa trên Mt 23,1-2, ta thấy Đức Giêsu nói với đám đông dân chúng và các môn đệ của Ngài. Ngài nói với họ về các kinh sư và những người Pharisêu. Các kinh sư (grammateús), còn gọi là ký lục hay luật sĩ, là những người có học thức, thông thạo Luật Môsê. Theo Tin Mừng Máccô và sách Công vụ Tông đồ, các kinh sư thuộc nhóm các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giêsu (Mc 14,1; 14,43.53; 15,1; Cv 4,5; 6,12). Trong Tin Mừng Mát thêu, các kinh sư hay đi chung với nhóm Pharisêu (Mt 23,2; 12,38; 15,1; 5,20). Trong nhóm Pharisêu, có thể có các kinh sư (Mc 2,16; Cv 23,9).
  2. Trong Mt 23,3 Đức Giêsu khuyên đám đông hãy làm và hãy giữ những gì các kinh sư và người Pharisêu dạy dỗ. Điều đó cho thấy Ngài tôn trọng quyền giải thích về Luật Môsê của họ. Tuy nhiên, trong Mt 16,6 Ngài lại cảnh báo các môn đệ đang ở trên thuyền với mình về giáo huấn của những người Pharisêu. Ngài coi giáo huấn của họ là thứ men tồi, có thể gây ảnh hưởng xấu trên các môn đệ (Mt 16,11-12). Còn trong Mt 23,16-22 Đức Giêsu thẳng thắn chỉ trích lời giảng dạy sai lạc của nhóm kinh sư và Pharisêu về việc thề. Như thế một mặt Đức Giêsu không bảo dân chúng chống lại những người có quyền giảng dạy, mặt khác Ngài nhắc nhở họ vâng phục với tinh thần thận trọng, biết phân định, chứ không mù quáng.
  3. Đức Giêsu khuyên dân chúng không nên bắt chước việc làm của các kinh sư và Pharisêu, vì “họ nói mà không làm” (Mt 23,3). Họ có thể dạy lời hay lẽ phải, nhưng đời sống của họ lại không đi đôi với lời họ nói. Như thế có một khoảng cách giữa lời giảng dạy và việc làm nơi họ. Mà trong Tin Mừng Mátthêu, việc làm mới là điều quan trọng (7,21-27; 21,28-32). Khoảng cách giữa lời nói và việc làm cho ta thấy dấu hiệu của thói giả hình.
  4. Đức Giêsu tố cáo các người lãnh đạo tôn giáo “bó những gánh nặng mà đặt lên vai người ta” (Mt 23,4). Câu này hầu chắc có nghĩa là họ đã dựa vào Luật Môsê trong Kinh Thánh mà triển khai thêm nhiều thứ luật truyền khẩu khác để bắt người ta giữ. Có vô số luật về việc giữ ngày sabát hay về thanh tẩy. Tổng cộng có hơn sáu trăm điều răn lớn nhỏ. Vì thế Luật lệ của người Pharisêu và các kinh sư trở thành một gánh nặng không thể mang nổi trên vai người dân, không ai có thể giữ hết được mọi điều phải làm và cấm làm. Có thể Đức Giêsu đã đề cập đến gánh nặng này khi nói: “Tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đến với Ngài, vẫn phải mang gánh, nhưng gánh của Ngài nhẹ nhàng (x. Mt 11,30). Thái độ vô cảm của họ nằm ở chỗ họ “không muốn động ngón tay vào” để giúp người ta vác gánh nặng.
  5. “Họ làm mọi việc để cho người ta thấy” (Mt 23,5). Thái độ này ngược với lời khuyên của Đức Giêsu trong Bài Giảng trên Núi (Mt 6,1-18), đó là làm những việc tốt trong thầm lặng, không tìm kiếm tiếng khen cho mình, không coi mình là trung tâm. Nếu có để cho người ta thấy, thì chỉ nhằm tôn vinh Cha trên trời (Mt 5,16). Hộp kinh là một hộp nhỏ bằng da, trong có chứa một vài đoạn Kinh Thánh, thí dụ như Xh 13,1-16 hay Đnl 6,4-9. Hộp kinh này thường được đeo trên trán và trên cánh tay trái để thường xuyên nhắc nhở người đeo phải trung tín với Luật Môsê. Tua áo là những sợi dây được khâu vào bốn góc của tà áo ngoài, cũng để nhắc nhớ phải giữ Luật (x. Ds 15,37-41; Đnl 22,12). Áo của Đức Giêsu cũng có tua (x. Mt 9,20; 14,36). Khi mang hộp kinh thật lớn và tua áo thật dài, họ muốn người khác thấy lòng đạo đức của họ để được ca ngợi.
  6. Người Pharisêu có 4 điều ưa thích: thích chỗ danh dự trong bữa tiệc, thích hàng ghế đầu trong hội đường, thích được chào hỏi nơi công cộng, và thích được gọi là rabbi cách kính trọng (Mt 23,6-7). Nói chung họ thích được nhiều người trọng vọng, thích mình có vị thế và quyền lực cao hơn người khác. Đó là những biểu hiện của thói háo danh.
  7. Trong Mt 23,8-10 Đức Giêsu không nói về tật xấu của các người Pharisêu, nhưng nhắc nhở dân chúng và các môn đệ về thái độ họ cần có. Đừng để ai gọi mình là rabbi, vì ta chỉ có một vị Thầy (didaskalos) là Đức Giêsu mà thôi, còn tất cả là anh chị em của nhau. Đừng gọi ai là cha dưới đất, vì ta chỉ có một Cha trên trời là Thiên Chúa. Đừng gọi ai là người chỉ đạo ngoài Đức Kitô. Chúng ta không phải giữ theo mặt chữ những lời dạy trên đây của Đức Giêsu, nhưng lại phải hết sức coi trọng tinh thần mà Ngài muốn nhắn nhủ. Trong Tân Ước, thánh Phaolô coi mình là cha (x. 1 Cr 4,15; Philêmon 10; 1 Tx 2,11). Trong Hội thánh sơ khai, có những vị thầy (Cv 13,1; 1 Cr 12,29). Dù phải chấp nhận Hội thánh có những chức phẩm như Đức Thánh Cha, giáo phụ, thượng phụ, mục sư… nhưng phải cố làm sao để tránh những cạm bẫy thường xuyên của đam mê quyền lực và hư danh.
  8. Khi so sánh Mt 23,11 với Mt 20,26 ta thấy chẳng phải người Pharisêu mới háo danh. Các môn đệ Đức Giêsu cũng vậy, nên cùng một lời khuyên cho cả hai. Ngài chỉ cho ta cách làm chủ tính háo danh, đó là hạ mình xuống phục vụ người khác. Chỉ phục vụ mới làm cho ta thực sự trở nên người vĩ đại trước mặt Thiên Chúa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện:

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau