HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN – Năm A
Lời Chúa (Mt 16,21-27)
21 Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?
27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”
HỌC HỎI:
- Đọc Mt 16,21. “Từ lúc đó” là từ lúc nào? Đức Giêsu bắt đầu nói gì “từ lúc đó”?
- Đọc Mt 16,21. Có một điều trong câu nói này của Đức Giêsu có lẽ ông Phêrô đã không để ý, điều gì vậy?
- Đọc Mt 16,22. Tại sao ông Phêrô phản ứng mạnh mẽ trước câu nói của Đức Giêsu? Cái nhìn của ông về Đức Kitô có khác với điều Đức Giêsu nghĩ về thân phận của mình không?
- Đọc Mt 16,23. Tại sao Đức Giêsu lại gọi Phêrô là Xatan? Xatan ở Mt 4,10 có khác với Xatan ở đây không? Phêrô có giống Xatan ở điểm nào không?
- Đọc Mt 16,23. Phêrô có cản lối Thầy Giêsu không? Thầy Giêsu chê trách Phêrô ở điểm nào?
- Đọc Mt 16,24. Trong câu này, tìm ba động từ nói lên ba điều kiện để đi sau làm môn đệ Thầy Giêsu.
- Tìm điểm chung giữa Mt 16,21 và Mt 16,24-25.
- “Mạng sống” được nhắc nhiều lần trong Mt 16, 25-26. Từ này có những ý nghĩa nào?
GỢI Ý SUY NIỆM:
Đọc Mt 16,25. Bạn có kinh nghiệm về chuyện nghịch lý trong câu này không: Ai muốn cứu thì lại mất, còn ai chịu mất thì lại tìm thấy được. Câu này có ứng nghiệm trong đời sống của Chúa Giêsu và các thánh không?
PHẦN TRẢ LỜI:
- “Từ lúc đó” (apo tote) là lối nói Tin Mừng Mát-thêu dùng để chỉ sự chuyển qua một giai đoạn mới. “Từ lúc đó” được dùng lần đầu ở Mt 4,17 khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ tại Galilê, sau khi Gioan Tẩy giả bị cầm tù. “Từ lúc đó” còn được dùng ở Mt 16,21 khi Đức Giêsu kết thúc sứ vụ tại Galilê và bắt đầu đi Giêrusalem để sống giai đoạn cuối đời. Chính “từ lúc đó,” Ngài tiên báo cho các môn đệ về cuộc Khổ nạn và phục sinh của Ngài.
- Có lẽ Phêrô đã không nghe trọn vẹn câu tiên báo của Thầy ở Mt 16,21. Trong câu tiên báo này, Thầy không chỉ nói đến việc mình phải chịu nhiều đau khổ, rồi bị giết chết, mà còn nói đến việc mình được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba. Phêrô đã quá tập trung vào những đau khổ Thấy phải chịu, mà ít để ý đến cái kết rất đẹp của Thầy, nên ông đã tỏ thái độ mạnh mẽ không chấp nhận lời Thầy tiên báo (x. Mt 16,22).
- Trong Mt 16,22 ta thấy phản ứng rất mạnh của Phêrô khi nghe Thầy nói về cuộc Khổ nạn và cái chết của Thầy. Ông đã kéo riêng Thầy ra và bắt đầu trách Thầy. Lời trách của ông đầy tình thương: “Xin Thiên Chúa thương đừng để chuyện ấy xảy ra cho Thầy.” Ông không hề muốn Thầy phải chịu những gì Thầy vừa nói. Nhưng lời trách của Phêrô cũng cho thấy ông đã hiểu không đúng về hình ảnh thực sự của Đấng Kitô. Như những người Do-thái khác, đối với Phêrô, Đấng Kitô là người được Thiên Chúa sai đến và xức dầu, để chiến thắng quân thù và cứu độ dân Chúa khỏi cảnh nô lệ, được tôn lên làm vua để xây dựng một nước Ítraen thái bình thịnh trị. Chính vì hiểu về Đấng Kitô oai phong như thế, nên Phêrô hẳn đã rất sốc khi nghe những lời Thầy tiên báo về thất bại thê thảm của Thầy. Khuôn mặt của Đấng Kitô mà Đức Giêsu vừa mô tả ở Mt 16,21 có nét trái ngược với khuôn mặt Đấng Kitô mà ông quan niệm và tuyên xưng ở Mt 16,16.
- Trong Mt 16,23 ta thấy phản ứng mạnh mẽ không kém của Thầy Giêsu trước thái độ của Phêrô ở Mt 16,22. Ngài đã gọi ông là Xatan. Điều này làm chúng ta sững sờ, vì Phêrô vừa được Thầy khen là có phúc, là người được Chúa Cha mặc khải cách riêng, và là người được Thầy trao ban nhiều quyền hành trong Hội Thánh (Mt 16,16-19). Đối với Thầy Giêsu, lời can ngăn của Phêrô cũng là một cám dỗ nguy hiểm như lời của Xatan trong hoang địa (Mt 4,10). Lời ấy có nguy cơ kéo Thầy ra khỏi chương trình cứu độ đã được định sẵn bởi Thiên Chúa. Chính vì Phêrô muốn dắt Thầy theo lối khác, nên Thầy đã nói thẳng với ông: “Lui lại đằng sau Thầy!” Vị trí đúng của ông là ở sau Thầy và đi theo Thầy như một môn đệ (x. Mt 16,24). Ông không phải là người dẫn đường đi trước Thầy.
- “Anh cản lối Thầy”, dịch sát: “Anh là cớ hay hòn đá làm Thầy bị vấp (scándalon).” Khi bị Phêrô ngăn cản ở Mt 16,22, Thầy Giêsu thấy Phêrô như người đang cám dỗ Thầy phạm tội, hay làm Thầy vấp ngã. Thầy nhìn thấy cơn cám dỗ nguy hiểm ở đàng sau lời can ngăn đầy tình cảm của ông. Thầy phản ứng mạnh mẽ đối với Phêrô là vì “ông không nghĩ những chuyện của Thiên Chúa mà nghĩ những chuyện của loài người.” Lời can ngăn của ông rất đúng về mặt khôn ngoan trần gian, nhưng lại không phải là con đường Thiên Chúa chọn, không nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.
- Sau khi tiên báo về số phận của mình, Thầy Giêsu nói lên điều kiện cho những ai muốn đi sau Thầy để làm môn đệ (Mt 16,24). Ba động từ nói lên ba đòi hỏi: từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình, và theo Thầy. Từ bỏ chính mình là điều rất khó, vì phải từ bỏ cái tôi, từ bỏ chính con người mình, chứ không phải chỉ từ bỏ điều mình sở hữu. Vác thập giá là hành vi của người tử tội sắp chịu chết vì đóng đinh. Theo Thầy là gắn bó với toàn bộ định mệnh của Thầy, chấp nhận thân phận bấp bênh, nghèo khó, độc thân và bị bách hại của Thầy.
- Mt 16,21 nói về số phận của Thầy Giêsu, còn Mt 16,24-25 nói về số phận của các môn đệ. Thầy “phải” vâng theo ý Cha, lên đường đi Giêrusalem là nơi giới lãnh đạo Do-thái giáo đang tìm giết. Thầy sẽ phải chịu khổ vì họ, bị giết chết, rồi mới được trỗi dậy (Mt 16,21). Các môn đệ cũng chịu chung số phận như Thầy: phải từ bỏ mình, bỏ ý muốn riêng, và chịu chết, chấp nhận “mất mạng sống mình vì Thầy để rồi tìm lại được nó” (Mt 16,24-25). Không phải mọi kitô hữu đều chết tử vì đạo, nhưng ai cũng phải chết cho cái tôi của mình.
- Từ “mạng sống” (psukhê) được dùng nhiều lần trong Mt 16, 25-26. Từ này đồng thời có 2 nghĩa: cuộc sống ở đời này, hay cuộc sống vĩnh hằng ở đời sau. Có thể viết lại hai câu trên như sau: “Ai muốn cứu mạng sống mình (ở đời này) thì sẽ mất nó (ở đời sau). Còn ai mất mạng sống mình (ở đời này) vì Thầy thì sẽ tìm thấy nó (ở đời sau). Nếu người ta được cả thế giới mà lại thiệt mất mạng sống (ở đời sau) thì nào có lợi gì? Hay người ta sẽ lấy gì mà đổi lại mạng sống của mình (ở đời sau)?”
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.