HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B

gdvsdt

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B Mc 14,1 – 15,47

  1. Đọc Mc 14,1-11. Hãy cho thấy sự tương phản giữa thái độ của người phụ nữ với thái độ của Giuđa, và của các thượng tế, kinh sư.
  2. Đọc Mc 14,12-31. Trong đoạn văn này, Đức Giêsu buồn về những chuyện gì? Ngài nói về cái chết cứu độ của Ngài trong câu nào? Ngài có nói về sự phục sinh không?
  3. Đọc Mc 14,32-42. Chiêm ngắm Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni. Bạn thấy Đức Giêsu cầu nguyện có khó không? Tại sao khó ?
  4. Đọc Mc 14,43-52. So sánh thái độ của Đức Giêsu lúc bị bắt với thái độ của các môn đệ (đọc Mc 14,31).
  5. Đọc Mc 14,53-65. Đức Giêsu đứng trước Thượng Hội Đồng. Tại sao Ngài bị họ kết án tử?
  6. Đọc Mc 14,66-72. Suy nghĩ về ba lần chối Thầy của Phêrô. Tại sao ông chối Thầy dễ dàng đến thế?
  7. Đọc Mc 15,1-15. Đức Giêsu đứng trước Philatô. Theo bạn, cách xử án của Philatô bất công ở chỗ nào?
  8. Bạn nghĩ gì về sự hiện diện của các phụ nữ trong giây phút cuối đời của Đức Giêsu (Mc 15,40-47)?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Chiêm ngắm cảnh Đức Giêsu bị làm nhục trong dinh thượng tế (14,65), trong dinh tổng trấn (15,16-20), và trên thập giá (15,29-32). Theo bạn, trong tất cả các nỗi đau của Cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đau nhất khi nào, bởi ai?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Câu chuyện về người phụ nữ ở Bêtania (gần Giêrusalem) xức dầu thơm cho Đức Giêsu trước khi Ngài chịu nạn được kể lại trong ba sách Tin Mừng (Mc 14,1-9; Mt 26,6-13; Ga 12,1-8). Tin Mừng Máccô và Matthêu không nói rõ chị ấy là ai, chỉ biết chị ấy hẳn không phải là người phụ nữ được nói đến ở Luca 7,36-50. Tin Mừng Gioan lại cho biết rõ chị ấy là Maria, em của Mácta và chị của Ladarô (Ga 12,2-3). Trong Ga 12,3 chị ấy lấy dầu xức chân Chúa, còn trong Mc 14,3 và Mt 26,7, chị ấy xức dầu trên đầu Chúa. Dù sao đối với Đức Giêsu, cử chỉ xức dầu này có mục đích là để ướp xác Ngài, chuẩn bị cho việc mai táng (Mc 14,8). Rõ ràng Đức Giêsu biết mình đã gần kề cái chết. Việc người phụ nữ không tiếc một lượng dầu thơm lớn và đắt tiền để xức cho Đức Giêsu nói lên lòng yêu mến và quý trọng. Ngược lại, Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, lại tìm cách nộp Ngài cho các thượng tế (Mc 14,10-11). Còn các thượng tế và kinh sư thì âm mưu bắt Ngài và giết đi (Mc 14,1).
  2. Máccô 14,12-16 cho thấy khung cảnh chuẩn bị mừng đại lễ Vượt Qua của Thầy Giêsu và các môn đệ. Trong bữa tiệc tối Vượt Qua, ta thấy Thầy Giêsu buồn vì một người trong Nhóm Mười Hai, kẻ đang cùng ăn với mình, kẻ ấy sẽ nộp mình (Mc 14,20). Sau bữa tiệc, Ngài lại buồn về sự vấp ngã của tất cả môn đệ, đặc biệt việc Phêrô trong đêm nay sẽ chối Thầy ba lần (Mc 14,30). Tuy nhiên, ta vẫn thấy Ngài không thất vọng. Ngài biết cái chết của Ngài đem lại ơn cứu độ cho “muôn người” (Mc 14,24). Ngài cũng ám chỉ về sự phục sinh khi nói: “Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,25), và nhất là khi nói: “Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đi đến Galilê trước anh em” (Mc 14,28).
  3. Khi biết mình sắp bị bắt, Đức Giêsu đi gặp Cha trong vườn Dầu. Ngài gọi Cha bằng tiếng Abba thân thương (Mc 14,36). Ngài cầu nguyện trong “hãi hùng xao xuyến”, trong nỗi “buồn đến chết được”, trong sự cô đơn vì các môn đệ “không canh thức nổi một giờ với Thầy” (Mc 14,37). Đêm cầu nguyện này là một đêm cầu nguyện rất khó khăn, vì Đức Giêsu phải từ bỏ ý muốn riêng để đón nhận ý muốn của Cha, đón nhận giờ của Cha và uống chén Cha trao (Mc 14,35-36). Cầu nguyện thật là một cuộc chiến đấu với nỗi sợ nơi chính mình. Như chúng ta, Đức Giêsu cũng sợ chết trẻ, sợ nhục nhã và đau khổ.
  4. Cầu nguyện đã cho Đức Giêsu thêm can đảm để bước vào cuộc Khổ nạn. Vì thế, trong đêm tối, khi Giuđa dẫn đoàn người đến, Đức Giêsu đã chấp nhận để cho người ta bắt, “để ứng nghiệm lời Sách Thánh” (Mc 14,39). Còn các môn đệ thì bỏ Thầy mà chạy trốn, dù trước đó họ đã quả quyết dù chết cũng không chối Thầy (Mc 14,31).
  5. Trong Mc 14,53-65 Đêm vẫn còn và trời thì lạnh, Đức Giêsu bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, cơ quan cao nhất của Do-thái giáo, gồm các thượng tế, kỳ mục và kinh sư. Họ tìm cớ để kết án tử hình Ngài. Ngài bị vu cáo đòi phá Đền thờ (Mc 14,58). Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ nói mình phá Đền thờ cả (x. Ga 2,19-21). Cuối cùng, Ngài bị kết án tử khi nói mình sẽ ngồi bên hữu Đấng Toàn Năng và đến trên mây trời (Mc 14,62; x. Tv 110,1; Danien 7,13-14). Đối với họ, nói như thế là phạm thượng. Họ đã tìm ra cớ để kết án.
  6. Phêrô chối Thầy hai lần trước cùng một cô đầy tớ của thượng tế. Cô này nhận ra Phêrô ở với Giêsu và thuộc nhóm Giêsu. Nhưng lần nào Phêrô cũng chối. Lần thứ ba, trước lời tố cáo của những người đứng đó, những người đã nghe cô này tố cáo, Phêrô thề độc rằng mình không biết Đức Giêsu (Mc 14,71). Phêrô chối Thầy dễ dàng vì ông sợ bị liên lụy với một người đang bị bắt và kết án. Ông đã chối Thầy ba lần trước khi gà gáy, đúng như lời Thầy tiên báo (Mc 14,30), dù ông đã nghĩ mình có chết cũng không chối Thầy (Mc 14,31). Ông mỏng dòn hơn ông tưởng.
  7. Khi trời sáng, Đức Giêsu bị điệu đến Philatô. Ông này biết các thượng tế nộp Đức Giêsu chỉ “vì ganh tị” (Mc 15,10), chứ ông không thấy Ngài tự nhận mình là Vua dân Do-thái (Mc 15,2), hay “làm điều gì gian ác” (Mc 15,14). Nhưng ông đã cho đóng đinh Đức Giêsu để “chiều lòng đám đông” (Mc 15,15). Cách hành xử của Philatô rõ ràng là bất công đối với người vô tội. Nhưng ông đã làm thế để tránh dân Do-thái nổi loạn trong ngày đại lễ. Nếu họ nổi loạn, ông sẽ mất ghế của mình trong chính quyền Rôma.
  8. Khi các môn đệ chạy trốn vì sợ bị liên lụy, ta thấy các phụ nữ vẫn “nhìn từ xa” cảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết (Mc 15,40). Họ là những phụ nữ đã đi theo và phục vụ Đức Giêsu từ khi Ngài còn ở Galilê, và có mặt nhiều bà khác đã lên Giêrusalem cùng với Ngài (Mc 15,41). Họ cũng là những người chứng kiến Đức Giêsu được mai táng và để ý chỗ chôn táng (Mc 15,47). Các phụ nữ đã trung tín và can đảm ở lại với Thầy trong lúc khó khăn nhất.

PHẦN THU ÂM LỚP HỌC

(Anh Tuấn thực hiện)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau