Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật: Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm C
LỜI CHÚA: (Lc 18,9-14)
9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
HỌC HỎI:
1. Khi đọc những dụ ngôn đặc biệt của Luca như dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu, về người cha nhân hậu, về ông nhà giàu và Ladarô, cũng như về dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện trong bài Tin Mừng hôm nay, bạn thấy chúng có nét nào chung?
2. Đức Giêsu kể dụ ngôn này (Lc 18,9-14) với mục đích gì? Ai là người cần nghe dụ ngôn này?
3. Đọc Lc 18,10. Khuôn mặt hai người trong dụ ngôn này có ngược nhau không? Có gì chung?
4. Đọc Lc 18,11-12. Có bao nhiêu từ “con” trong lời nguyện của người Pharisêu?
5. Dựa theo lời nguyện trên đây của người Pharisêu, bạn thấy ông ấy có phải là người đạo đức không? Đọc Tv 18,21-25; Tv 26,1-12.
6. Theo bạn, lời nguyện của người Pharisêu có gì đặc biệt? Ông ấy có xin Chúa điều gì không? Ông ấy có thực sự tạ ơn Chúa không? Ông ấy đánh giá bản thân mình thế nào? Lời nguyện của ông chủ yếu là gì?
7. Đọc Lc 18,13. Thái độ và lời nguyện của người thu thuế có gì đặc biệt? Đọc Tv 24,3-6. Chúng có khác với thái độ và lời nguyện của người Pharisêu không? Cách mô tả của Luca về hai người có gì khác nhau?
8. Sau khi kể dụ ngôn, Đức Giêsu kết luận ở Lc 18,14. Kết luận này có làm người nghe ngạc nhiên không? Rốt cuộc, Thiên Chúa đã nhậm lời người nào trong hai người này?
GỢI Ý SUY NIỆM:
Tại sao Thiên Chúa thích kẻ tội lỗi khiêm nhường hơn người đạo đức kiêu căng? Bạn học được bài học nào từ bài Phúc âm này?
PHẦN TRẢ LỜI:
1. Có thể nói một nét chung của những dụ ngôn trên đây là sự bất ngờ. Không ngờ người Samari lại là người dừng lại để cứu nạn nhân, chứ không phải vị tư tế hay thầy Lêvi. Không ngờ đứa con thứ rốt cuộc lại ở trong nhà cha, hưởng dùng bữa tiệc, còn người con cả vẫn đang đứng ngoài nhà chịu đói. Không ngờ cuối cùng anh Ladarô được ngồi trong lòng cụ tổ Abraham, còn ông nhà giàu lại phải trầm luân khốn khổ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng có chuyện rất bất ngờ: không ngờ anh thu thuế tội lỗi lại được Thiên Chúa coi là người công chính, còn ông Pharisêu đạo đức thì không.
2. Đức Giêsu kể dụ ngôn này với mục đích được nói đến ở Lc 18,9. Đó là nhắc nhở những ai khinh khi người tội lỗi, và tự hào cho mình là công chính vì đã giữ đủ và giữ kỹ mọi lề luật. Hẳn Đức Giêsu có ý nhắm đến những người Pharisêu (trong dụ ngôn ta thấy có nhân vật là Pharisêu). Tuy nhiên, dụ ngôn này không chỉ nhắm đến người Pharisêu ngày xưa, mà còn nhắm đến các môn đệ của Ngài, và đến chúng ta ngày nay nữa. Vì thực ra ai trong chúng ta cũng có chút tính xấu của người Pharisêu. Ngay sau dụ ngôn này, ta thấy các môn đệ vẫn có thái độ coi thường trẻ em (Lc 18,15-17).
3. Luca 18,10 giới thiệu hai nhân vật chính, có nét rất đối nghịch. Một là ông Pharisêu, người được cả xã hội và tôn giáo nể trọng về đạo đức, học thức, uy tín. Người kia là anh thu thuế, người bị xã hội khinh bỉ vì anh làm việc cho ngoại bang, và thường không ngay thẳng trong chuyện tiền bạc. Khi đặt hai nhân vật này bên nhau, sự tương phản trở nên rõ hơn nhiều. Nhưng hai người có một điểm chung, đó là lên Đền thờ để cầu nguyện. Cả hai đều muốn đứng để gặp gỡ Thiên Chúa, tuy một người chỉ dám đứng xa (Lc 18,11.13).
4. Luca 18,11-12 cho ta thấy cử chỉ và lời cầu nguyện của người Pharisêu. Trong lời nguyện của người này ta thấy có bốn chủ từ “con”. “Con tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác… Con ăn chay, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Con ở đây có nghĩa là “tôi,” ở ngôi thứ nhất.
5. Đối với một số người Do Thái thời xưa, lời nguyện trên đây của ông Pharisêu thật tuyệt vời. Nó phản ánh một đời sống đạo đức đáng mơ ước. Lời nguyện của ông gồm hai phần. Phần tiêu cực gồm những việc xấu xa mà ông này không làm như tham lam, bất chính, ngoại tình… (Lc 18,11). Phần tích cực gồm những việc ông này làm. Người Do Thái chỉ buộc phải ăn chay vào dịp lễ Xá Tội hàng năm, còn ông Pharisêu trong dụ ngôn lại ăn chay một tuần hai lần, vào thứ hai và thứ năm. Người Do Thái buộc phải nộp thuế thập phân (10%) về mọi huê lợi do ruộng đất cung ứng hay do đàn vật chiên bò sinh sản (Lv 27,30-32; Đnl 14,22-23). Còn ông Pharisêu này nộp thuế thập phân về mọi thứ ông có, kể cả những điều nhỏ mọn (xem Mt 23,23). Rõ ràng, xét về bề ngoài, ông là người đạo đức. Khi đọc các Tv 18,21-25; Tv 26,1-12 ta cũng thấy khuôn mặt của người sống ngay lành, tránh xa tội lỗi, và không giao du với kẻ xấu xa. Người này sẽ được Chúa thưởng.
6. Lời nguyện phản ánh tâm hồn. Khi nghe lời nguyện của ông Pharisêu ta thấy dường như ông đang liệt kê những thành tích của mình về chuyện ăn chay và nộp thuế thập phân cho Đền thờ, đặc biệt trong câu 12. Dù ông bắt đầu lời nguyện bằng việc gọi tên Thiên Chúa (“Lạy Thiên Chúa”), và bằng một lời tạ ơn (“con tạ ơn Chúa”), nhưng lý do khiến ông tạ ơn là vì “con không như bao kẻ khác” (câu 11). Ông quay vào mình thay vì hướng về Chúa để tạ ơn. Ông ngắm nghía chính mình và thấy mình hơn hẳn nhiều người tội lỗi, nhất là thấy mình đạo đức hơn hẳn anh thu thuế đang đứng cầu nguyện ở xa xa. Qua lời cầu nguyện của ông, có thể nói ông Pharisêu đã không xin Chúa bất cứ điều gì, vì ông thấy mình có đủ mọi sự. Ông tự hào về những gì mình có, về đời sống đạo đức của mình… Lời nguyện của ông đầy tràn cái tôi tự hào, tự mãn, tự kiêu, với nhiều từ “con” (= “tôi”) làm chủ từ. Ông tự coi mình là công chính, và ông cũng tin chắc mình được Chúa coi là công chính.
7. Luca 18,13 cho thấy cử chỉ và lời nguyện của anh thu thuế. Đây là một hình ảnh tương phản với hình ảnh của ông Pharisêu. Khác với Anh đứng xa cung thánh và xấu hổ cúi xuống, không dám ngước mắt lên như mọi người. Anh đấm ngực vì đau buồn hối tiếc. Lời nguyện của anh cũng bắt đầu bằng việc gọi tên Chúa (“Lạy Thiên Chúa”). Nhưng anh không có gì để tự hào, để khoe với Thiên Chúa như ông Pharisêu. Anh chỉ xin Ngài rủ lòng thương vì anh biết mình là tội nhân. Khác với ông Pharisêu, anh thu thuế là người thực sự cần Chúa, cần được tha thứ xót thương. Chính tội lỗi và bóng tối nơi anh lại trở nên khoảng trống để Chúa có thể bước vào đời anh.
8. Luca 18,14 là kết luận của Đức Giêsu sau dụ ngôn này. Câu nói này hẳn làm thính giả phải chưng hửng. Sau khi cầu nguyện và xuống núi thánh để trở về nhà mình, ông Pharisêu và anh thu thuế nhận được kết quả khác nhau. Ai cũng nghĩ ông Pharisêu đạo đức là người được Chúa thương và coi là công chính. Nào ngờ chính anh thu thuế lại được Chúa coi là công chính. Lý do Đức Giê su đưa ra là: vì anh đã hạ mình xuống, nhìn nhận mình chẳng là gì và chờ đợi tất cả từ Chúa, nên Chúa đã nâng anh lên. Còn những việc tốt của ông Pharisêu lại trở nên cái cớ khiến ông tự cao và không thực sự gặp được Chúa trong cầu nguyện.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: