Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật: Chúa Nhật IV Mùa Chay (Năm C)

Lời Chúa: (Lc 15,1-3.11-32)

✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Luca

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này :

11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’

31 “Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”

CÂU HỎI

  1. Nhân vật chính của dụ ngôn này là ai? Trong hai đứa con, đứa con nào là nhân vật mà ta cần để ý hơn? Đọc Lc 15,1-3.
  2. Người con thứ được chia mấy phần sản nghiệp của người cha? Đọc Đnl 21,15-17. Đâu là những hành vi bất hiếu của người con thứ? Tội bất hiếu bị xử như thế nào? Đọc Đnl 21,18-21.
  3. Đâu là tình cảnh khốn cùng nhục nhã ê chề của người con thứ sau khi bỏ nhà ra đi? Người Do-thái coi heo là con vật như thế nào? Đọc Lêvi 11,7; 1 Mcb 1,47-49.
  4. Đọc Lc 15,17-20a. Bạn có tin người con thứ ăn năn thật sự không, hay anh ta trở về chỉ vì sắp chết đói?
  5. Đọc Lc 15,17-21. Đâu là những điều người con thứ định làm và đã làm để chứng tỏ anh muốn hối cải trở về với cha? Bạn có thấy những bước chính của Bí Tích Giải Tội (Hòa Giải) ở đây không?
  6. Đọc Lc 15,25-30. Đâu là tội của người con cả? Tội người con cả có giống với tội người con thứ không?
  7. Người con thứ trở về nhà cha có dễ không? Đâu là những điều anh có thể phải hứng chịu? Người con cả chấp nhận vào nhà cha có dễ không? Để vào nhà, anh phải thay đổi điều gì?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Đọc cả bài Phúc âm, cho biết đâu là những hành vi thương xót, tha thứ của người cha đối với con thứ và con cả? Bạn nghĩ gì về người cha trong dụ ngôn này? Ông có phải là người nhu nhược, nuông chiều các con không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Trước đây người ta hay gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người Con hoang đàng. Nhưng dần dần người ta nhận ra nhân vật chính là Người Cha giàu lòng xót thương và tha thứ. Tuy nhiên, trong hai đứa con, người ta vẫn để ý hơn đến đứa con thứ và ít chú ý đến con cả. Thật ra, anh con cả là nhân vật cần được chú ý hơn. Khi kể chuyện, nhân vật chính thường đặt ở sau. Nếu đọc Lc 15,1-3, ta sẽ thấy tại sao Đức Giêsu lại kể dụ ngôn này. Ngài kể dụ ngôn Người Cha nhân hậu, nhằm mục đích trả lời cho những người Pharisêu và các kinh sư. Họ xầm xì với nhau về chuyện Đức Giêsu đón tiếp và ăn uống với các người tội lỗi (Lc 15,2). Thật ra, chính những người thu thuế và các người tội lỗi đã đến gần để nghe Đức Giêsu (Lc 15,1). Họ đến với Đức Giêsu và Ngài đã đón tiếp họ. Đức Giêsu kể dụ ngôn Người Cha nhân hậu để biện minh cho thái độ đón tiếp người tội lỗi của mình. Có thể nói Người Cha là hình ảnh của Đức Giêsu, đứa con thứ là hình ảnh của những người tội lỗi, còn anh con cả tiêu biểu cho những người Pharisêu và các kinh sư.
  2. Người con thứ bị coi là bất hiếu vì anh ta đã đòi cha phải chia gia tài cho mình, ngay khi cha còn sống. Thường chỉ được chia gia tài sau khi cha qua đời. Con thứ được hưởng một phần ba gia tài của người cha, và con cả được gấp đôi (Đnl 21,15-17). Tuy nhiên, với gia tài được chia, con thứ đã bỏ nhà ra đi, đến một vùng xa, ăn chơi phung phí, sống phóng đãng, và cuối cùng trắng tay, chẳng còn gì. Theo sách Đệ nhị luật, đứa con phạm tội bất hiếu có thể bị trừng phạt bằng cách bị mọi người trong thành ném đá cho chết (Đnl 21,18-21).
  3. Sau khi rời khỏi nhà của cha, người con thứ trượt từ từ xuống con đường không lối thoát (Lc 15,13-16). Lúc đầu, hẳn anh đã có một thời gian sống thoải mái, hưởng thụ khoái lạc ăn chơi, vì có nhiều tiền. Nhưng tiền nhiều cũng có lúc hết. Chẳng may vùng ấy lại xảy ra nạn đói lớn nên anh phải đi làm thuê cho một người dân trong vùng để có miếng mà ăn. Chủ của anh hẳn là dân ngoại, nuôi heo, nên sai anh đi chăn heo ngoài đồng. Đối với người Do-thái, heo là con vật bị coi là ô uế (Lêvi 11,7; 1 Mcb 1,47-49), nên chăn heo là công việc hết sức tồi tệ đối với anh. Tuy có việc làm, nhưng anh vẫn không thoát được cái đói giày vò. Anh đói đến mức thèm ăn đồ ăn của heo, nhưng ngay cả chuyện đó cũng không được. Anh thấy mình có nguy cơ chết vì đói ở vùng xa này, cái vùng mà anh tưởng là vùng của no đủ hạnh phúc.
  4. Chính khi cái chết lơ lửng trên đầu mà anh con thứ “quay về với chính mình” để làm một cuộc hồi tâm nghiêm túc. Khi đọc Lc 15,17-20a có người nghĩ rằng anh này trở về với cha chỉ vì sắp chết đói, chứ không trở về vì thật lòng ăn năn hối cải. Nghĩ như thế là coi câu anh định nói với cha là lời giả dối trên môi mép (Lc 15,18-19). Thật ra khi anh gặp cha, ở trong vòng tay cha, cảm nhận tình thương tha thứ bao la của cha, anh vẫn muốn nói lời xin lỗi đã được chuẩn bị trước (Lc 15,18-19.21). Vậy đây phải là một lời hối lỗi thật lòng! Dĩ nhiên cái đói là nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy anh trở về (Lc 15,17). Nhưng chuyện anh có lòng sám hối thực sự là điều không thể chối cãi. Sám hối là một chủ đề lớn của Tin Mừng Luca. Thiên Chúa vui mừng không phải vì một người phạm tội, nhưng vì “một người tội lỗi hối cải” (Lc 15,7.10).
  5. Điều anh con thứ định làm là: đứng lên, đi về với cha, nói với cha một lời ăn năn và một yêu cầu (Lc 15,18-19). Những điều anh định làm thì anh đã làm sau đó (Lc 15,20-21). Ta có thể thấy một số nét của Bí tích Hòa giải nơi thái độ của anh. Có thể nói anh đã hồi tâm xét mình (c. 17), đã có lòng thống hối thật sự về tội mình đã phạm (cc. 18-19, “con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn xứng đáng được gọi là con”). Sau đó anh đã đi gặp cha để xưng tội (c. 21). Anh định nói lên việc đền tội của anh là “xin cha xử với con như một trong những kẻ làm thuê của cha” (Lc 15,19), nhưng cha anh đã không để anh nói câu đó. Người cha đã “giải tội” cho anh trước khi anh xưng tội. Ông giải tội cho anh bằng cái ôm và những nụ hôn (c.20). Ông không đọc lời xá giải cho anh, nhưng ông trả lại cương vị làm con cho anh bằng việc bảo gia nhân đem cho anh những thứ của người con như áo đẹp, nhẫn, dép (c. 22). Kết thúc là một đại tiệc để ăn mừng, có bê béo và đoàn ca vũ nhạc trình diễn. Mỗi bí tích Hòa giải cũng kết thúc trong niềm vui.
  6. Ít khi chúng ta nghĩ đến tội của con cả. Thật ra tội của anh cũng giống tội của em. Đúng là anh đã không bỏ nhà ra đi, và đã chăm chỉ làm việc cho cha ở ngoài đồng. Nhưng anh giống em ở chỗ không chịu vào nhà, đứng ngoài nhà (còn em thì bỏ nhà, nhưng đã về nhà, vào nhà). Anh ở gần cha, nhưng thật ra lòng thì xa cha; anh nổi giận khi cha rất vui, anh không vui được với niềm vui của cha. Anh nói hỗn với cha, gọi em là “thằng con cha đó,” coi cha không công bằng khi đối xử với anh (Lc 15,29-30).
  7. Cả con thứ và con cả đều khó trở về với cha. Con thứ phải chấp nhận xấu hổ khi trở về thân tàn ma dại, phải liều chấp nhận chịu cha phạt hay từ chối, chịu mọi người và gia nhân cười chê. Để có thể vào nhà, con cả phải hết giận mà vào dự tiệc, phải đến chung vui với cha và chấp nhận người em, phải chịu sống chung với đứa em đã tiêu sạch phần gia tài của nó.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau