Mừng lễ trọng hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trổi vượt và quan trọng này trong đạo chúng ta.
Tôi thấy trong mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là Simon – Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ, con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô.
1- Từ Simon đến Phêrô
Trước khi gặp Chúa Giêsu, chưa theo Chúa, Phêrô được gọi là Simon, con ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.
Trong Tin Mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách (x. Mt 14,22; 16,23). Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi của mình (x. Mt 26,69); một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong Đức Tin, lòng mến, cũng như trong sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga, 6,68); “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).
Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm Mười Hai. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt ba năm trên mọi nẽo đường rao giảng. Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị bắt, Phêrô hoãng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê, trên đường đi, ngài đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis – Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai.” Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính La Mã đóng đinh đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa Giêsu.
Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của thánh Phêrô là khi nào ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì ông càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi nào ông càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, càng trở nên vững vàng và rất cao cả!
2- Từ Saolô đến Phaolô
Cũng thế, nơi thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông, Saolô hăng hái đi bắt bớ các Kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới đang đe dọa sự tồn tại của đạo Do Thái.
Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng Phục Sinh, và được Người đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Hy Lạp và La Mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo chặt đầu vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.
3- Hai tên gọi, một lý tưởng
Hai danh xưng ấy nói lên hai khuôn mặt, hai con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô. Hai con người ấy trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của Giáo Hội. Cả hai đều có cùng một lý tưởng là Tông Đồ của Đức Kitô. Cả hai đã mang hạt giống Tin Mừng sang Châu Âu và đã biến Châu Âu thành một lục địa và là trung tâm của Kitô giáo. Cả hai đã đổ máu đào để làm chứng cho Đức Tin và tình yêu vào Đức Kitô.
Cũng như Phêrô và Phaolô, những ai gặp Chúa, tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Chúa biến đổi. Và những ai được Chúa biến đổi thì một cách tự nhiên, người đó cũng muốn giới thiệu Chúa cho người khác, muốn là Tông Đồ của Chúa cho thế giới hôm nay.
Trước những khó khăn và những lối rẽ khác mời mọc, cùng với Phêrô, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa: “Bỏ Thầy, con biết theo ai” (Mt 16,16). Cùng với Phaolô, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,36-37). Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương