• Lời Chúa mỗi ngày
  • Lời Mục Tử
  • Học Hỏi Phúc Âm Chúa Nhật
  • Thông báo
    • Bác ái
    • Họp mặt
  • Bài viết
    • Sống sao cho đẹp
    • Lời Thầm Mùa Chay
    • Đời sống gia đình
    • Câu chuyện hàng tuần
    • Chia sẻ
    • Tư liệu
      • Âm nhạc
      • Tủ sách
      • Hình ảnh
  • Giới thiệu
  • Tủ Sách
Thứ Ba, 20 Tháng 5 , 2025
Gia Đình Vui Sống Đức Tin
No Result
View All Result
No Result
View All Result
Gia Đình Vui Sống Đức Tin
No Result
View All Result

Gia Đình Công Giáo

15/05/2025
Gia Đình Công Giáo

Hình minh hoạ

2. Kinh Thánh dạy gì về gia đình?

Trở lại với Kinh Thánh, ta tự hỏi Bộ Sách Thánh này đã nói gì về Gia đình? Ý niệm gia đình là một ý niệm cực kỳ quan trọng trong Kinh Thánh, cả trong ý nghĩa thể lý lẫn trong ý nghĩa thần học. Ý niệm này được dẫn khởi ngay từ thuở ban đầu, như đã nói ở trên, trong Sách Sáng Thế (1:28): Kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa muốn người đàn ông và người đàn bà kết hôn với nhau và sinh sản con cái. Họ trở nên một thân xác qua hôn nhân (St 2:24) và cùng với con cái, họ trở nên một gia đình, viên đá chủ yếu xây dựng nên xã hội con người.

Cũng ngay từ thuở ban đầu, các thành viên của gia đình phải trông coi và chăm sóc lẫn nhau. Chính vì thế, Thiên Chúa đã hỏi Cain: “em trai Aben của ngươi đâu? ”. Câu hỏi ngược lại của Cain “Tôi là kẻ giữ em trai tôi ư? ” hàm nghĩa: đúng, ngươi là kẻ trông coi, chăm sóc em trai ngươi và ngược lại em trai ngươi là kẻ trông coi, chăm sóc ngươi! Tội giết Aben của Cain không những chống lại nhân loại nói chung, mà hết sức tồi tệ ngay trong yếu tính vì đây là tội giết em đầu tiên được ghi chép.

Kinh Thánh có một cảm thức cộng đoàn về người ta và gia đình hơn nền văn hoá Tây Phương hiện nay, một nền văn hoá, trong đó, các công dân bị cá nhân hoá nhiều hơn người ở Trung Đông và dứt khoát nhiều hơn người thuộc Cận Đông xưa. Khi Thiên Chúa cứu Nôê khỏi nạn hồng thủy, thì đó không phải là trường hợp cứu vớt cá nhân, mà là cứu vớt ông, vợ ông, các con trai và con dâu ông. Nói cách khác, cả gia đình ông được cứu thoát (St 6:18). Khi Thiên Chúa kêu gọi Ápraham ra khỏi Haran, Người kêu gọi ông và gia đình ông (St 12:4-5). Dấu chỉ của giao ước Ápraham (cắt da qui đầu) phải được áp dụng cho mọi người nam trong gia hộ, bất kể là con cái của gia hộ hay gia nhân của gia hộ (St 17:12-13). Nói cách khác, giao ước của Thiên Chúa với Ápraham có tính gia đình, không phải cá nhân.

Sự quan trọng của gia đình được chứng tỏ trong các điều khoản của giao ước Môsê. Thí dụ, hai trong mười Giới Răn đề cập tới việc duy trì sự gắn bó của gia đình. Giới răn thứ tư về việc thảo kính cha mẹ là nhằm duy trì quyền bính của cha mẹ trong các vụ việc của gia đình; còn giới răn thứ sáu cấm ngoại tình là để bảo vệ tính thánh thiêng của hôn nhân. Từ hai giới răn này phát sinh mọi qui định khác trong Luật Môsê nhằm bảo vệ hôn nhân và gia đình. Sự lành mạnh của gia đình quan trọng đối với Thiên Chúa đến nỗi đã được hệ thống hoá thành giao ước quốc gia của Israel.

Và không riêng gì Cựu Ước. Tân Ước cũng đưa ra nhiều giới răn và điều nghiêm cấm tương tự. Chúa Giêsu nói tới sự thánh thiêng của hôn nhân và chống lại ly dị bừa bãi trong Tin Mừng Mátthêu chương 19. Thánh Tông Đồ Phaolô nói tới việc các gia đình Kitô hữu phải như thế nào khi ngài đưa ra giới răn song sinh sau đây: “hỡi con cái, hãy vâng lời cha mẹ” và “hỡi cha mẹ, đừng khiêu khích con cái” trong hai thư Êphêsô 6:1-4 và Côlôsê 3:20-21. Mặt khác, trong Sách Tông Đồ Công Vụ, ta còn thấy nhiều ý niệm tương tự như thế liên quan tới tầm quan trọng của gia đình trong diễn trình cứu rỗi, như trong hai dịp khác nhau trong hành trình truyền giáo thứ hai của Thánh Phaolô, trọn các gia hộ đều được rửa tội khi một cá nhân trở lại đạo (Cv 16:11-15, 16:31-33). Thành thử, giống như dấu chỉ của của giao ước cũ là phép cắt da qui đầu đã áp dụng cho cả gia đình như thế nào thì dấu chỉ của giao ước mới là phép rửa tội cũng áp dụng cho cả gia đình như thế.

Ta có thể rút ra kết luận này: khi Thiên Chúa cứu một cá nhân, Người cũng muốn cứu cả gia đình họ. Trong thư thứ nhất gửi Tín Hữu Côrintô, chương 7, ta còn thấy người phối ngẫu không tin được thánh hoá nhờ người phối ngẫu có đức tin.

Xét theo viễn tượng giao ước, tư cách thành viên trong một cộng đoàn giao ước có tính cộng đồng hơn là cá nhân. Trong trường hợp Lydia và viên cai ngục ở Philiphê, cả gai đình/gia hộ họ đề được rửa tội và trở nên thành phần của cộng đồng giáo hội.

Người Thệ Phản, vì quá cứng ngắc trong nguyên tắc sola fides (chỉ có đức tin mới cứu rỗi ta, chứ không phải phép rửa), nên đã cho rằng dù các thành viên kia của gia đình không nhất thiết được cứu rỗi, nhưng họ đã trở nên thành phần của cộng đồng Kitô hữu. Phép rửa không phá vỡ gia đình họ. Họ cho rằng ơn cứu rỗi có thể gây nên căng thẳng trong gia đình, nhưng ý định của Thiên Chúa là không vì nó mà phá vỡ các gia đình. Lydia và viên cai ngục không được lệnh phải tách khỏi gia đình không có đức tin của họ; thay vào đó, dấu hiệu của giao ước (phép rửa) được áp dụng cho mọi thành viên của gia đình. Gia đình được thánh hoá và mời gọi gia nhập cộng đồng tín hữu.

Về phương diện thần học, Chúa Giêsu đã áp dụng ý niệm gia đình thể lý vào ý niệm gia đình thiêng liêng. Tin Mừng Mátthêu thuật lại có lần, khi Chúa Giêsu đang nói với đám đông, thì mẹ và “anh em” của Người xuất hiện ở bên ngoài, muốn nói chuyện với Người. Có người vào thưa “Mẹ và anh em của ngài đang đứng ở bên ngoài, muốn nói chuyện với ngài”, Người trả lời: “ai là mẹ tôi, và ai là anh em tôi? ”. Rồi chỉ vào các môn đệ, Người nói: “đây là mẹ tôi và anh em tôi. Vì bất cứ ai thi hành ý Cha tôi ở trên trời đều là anh chị em và mẹ tôi” (Mt 12:46-50).

Điều chắc chắn là Chúa Giêsu không chối bỏ gia đình của Người, gia đình mà Người từng sống và vun sới tới tận năm 30 tuổi. Điều Người muốn nói ở đây là trong Nước Trời, dây nối kết gia đình quan trọng nhất là dây nối kết thiêng liêng (thực hành thánh ý Thiên Chúa) chứ không phải dây nối kết thể lý. Điều này càng minh nhiên hơn với Tin Mừng Gioan, khi Thánh Sử viết rằng: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:12-13).

Sự song hành rất rõ ở đây. Khi chúng ta sinh ra về phần xác, chúng ta sinh vào một gia đình thể lý, nhưng khi “tái sinh”, chúng ta sinh vào một gia đình thiêng liêng. Nói theo Thánh Phaolô, chúng ta được nhận vào gia đình Thiên Chúa (Rm 8:15). Khi chúng ta được nhận vào gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa, tức Giáo Hội, Thiên Chúa trở thành Cha chúng ta và Chúa Giêsu là anh của chúng ta. Gia đình thiêng liêng này không bị giới hạn bởi sắc tộc, phái tính và hay địa vị xã hội. Như Thánh Phaolô vốn nói, “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Ápraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3:26-29).

Gia đình thiêng liêng trên gồm các thành viên “từ mọi quốc gia, bộ lạc, sắc dân và ngôn ngữ” (Kh 7:9) và đặc điểm của gia đình này là yêu thương nhau: “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới: các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng phải yêu thương nhau. Nhờ việc yêu thương này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13:34-35).

Page 2 of 4
Prev1234Next
Share120Tweet75

Related Posts

Một đại dịch thứ hai
Câu chuyện hàng tuần

Một đại dịch thứ hai

13/05/2025

Có một phương thuốc để phòng và chống căn bệnh dịch thứ nhì này, đã được loài người sử dụng từ mấy ngàn năm: Tình thương và sự hiểu biết. Hy vọng qua năm 2021 mọi người sẽ cùng...

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (3)
Đời sống gia đình

Hôn nhân: Quan điểm thiết thực về tính dục

14/09/2020

Những dị biệt trong quan niệm luân lý học về tính dục đã hình thành ít nhất do bốn khuynh hướng sau đây, mỗi khuynh hướng đều có những nghị trình khác nhau và khó có thể tương hợp...

Mạng xã hội tấn công hạnh phúc gia đình
Đời sống gia đình

Mạng xã hội tấn công hạnh phúc gia đình

21/12/2019

Cho dù bức tranh về hạnh phúc gia đình có nhiều vết tối, nhưng luôn còn đó biết bao gia đình hạnh phúc. Là gia đình Công giáo, họ dám để cho Thiên Chúa tác động đến hai người,...

Ghen (1)
Đời sống gia đình

Ghen (3)

14/12/2019

Người ghen không thể nhìn thấy rõ mình vì đầy cảm xúc. Người đối diện với người ghen, không cảm thấy khó nhận ra những yếu tố tâm lý. Nhưng nó dùng để làm gì?

Tìm kiếm

No Result
View All Result

Cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha tháng 5/2025

Danh mục

© 2025 Gia Đình Vui Sống Đức Tin

No Result
View All Result
  • Home
    • Home – Layout 1
    • Home – Layout 2
    • Home – Layout 3
  • DIY
  • Travel
  • About Me
  • Contact

© 2025 Gia Đình Vui Sống Đức Tin