Một cảnh rất ngược đời đã xảy ra thật trong trại hè Lên Đường 1999 được tổ chức tại vùng Texas. Một người Mỹ trắng tên là Jeffrey Walkins đã nói chuyện bằng tiếng Việt lưu loát với khoảng 300 trại sinh giới trẻ Việt mà một số không ít hiểu tiếng Việt rất lõm bõm, khiến lâu lâu phải hỏi nhau để được dịch lại bằng tiếng Anh: What is he talking about? Ông ta đang nói về chuyện gì vậy?

Ông Jeffrey Walkins có vợ Việt nên yêu và cưới luôn văn hóa Việt. Ông đã nói về đề tài: “Tại sao tôi muốn con cái tôi gìn giữ các giá trị văn hóa Việt?” với những lợi ích thiết thực đối với người trẻ lúc này. Nguyên chuyện một người Mỹ trắng nói tiếng Việt về văn hóa Việt, đang khi mình là người gốc Việt lại không biết tiếng Việt hay mù tịt về văn hóa Việt, cũng đủ tạo ra chấn động tâm lý và thấy cần phải thay đổi rồi.

Lên Đường là một trong nhiều loại trại khác như Trại 117, Hùng Vương, Về Nguồn, Ephata, Metanoia, đã được tổ chức tại nhiều nơi trong mấy năm vừa qua là một dấu hiệu tươi sáng và tích cực. Ngồi bàn hay than nhiều cũng đâu giải quyết được mấy tí. Thôi thì bắt đầu một cái gì, dù nhỏ bé. Nhưng đâu ngờ, đây lại là giải pháp hữu hiệu nhất.

Vào cuối tháng 7 năm 1999, tôi được dự phần trong Đại Hội Giáo Lý kỳ V tại Baton Rouge, Louisiana, với khoảng 300 người đang phục vụ trong chương trình giáo dục tôn giáo của các cộng đồng Việt trên toàn nước Mỹ. Chủ đề của đại hội là “Loan Báo Tin Mừng Cho Ngàn Năm Mới.” Hoàn cảnh mới, tâm thức mới, phương thức chuyển đạt cũng cần cải tiến để đáp ứng cơn đói khát tinh thần của lớp trẻ thời mới.

THỜI ĐIỂM TRANH THỦ HÀNG HÓA

Bài học cơ bản về buôn bán muốn thành công phải gồm bốn chữ P:

– Product (sản phẩm): món hàng phải có chất lượng cao, hợp thời, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu.

 Price (giá bán): vừa túi tiền đại chúng, nhiều người có thể mua được.

 Place (thị trường): tìm ra nơi bán, tạo ra nhu cầu để có nhiều người mua.

– Promotion (quảng bá): phương cách truyền thông, vận động tâm lý đại chúng để ai cũng “tin” rằng mua sản phẩm đó là đạt được cả ba yếu tố trên. Đây là “mặt trận” tư tưởng mang sức thuyết phục, quyết định thành bại của công việc làm ăn, tạo ra được sức ép tâm lý không mua không được, không mua là lạc hậu, mất đi nét tươi trẻ… Chính vì thế mà các hãng đều chi tới 1/3 trong tổng số mọi chi phí cho dịch vụ này. Tiền trả cho Michael Jordan quảng cáo giầy Nike cao hơn tất cả tổng số lương của công nhân làm cho hãng Nike.

Nhìn một cách nào đó, văn hóa là một sản phẩm, Tin Mừng cũng là một sản phẩm, một món thức ăn đáp ứng nhu cầu con người. Sứ mệnh chuyển đạt vẫn được tiếp nối bằng nhiều phương cách khác nhau, như mở lớp tiếng Việt, mở trại sinh hoạt… Về tôn giáo thì qui tụ một số giáo dân, tạo một cơ sở, xây một nhà thờ… Nhưng hình như việc quảng bá là “mặt trận” tư tưởng vẫn chưa được đặt tầm quan trọng đúng mức. Đó là những phương tiện truyền thông tân tiến như sách báo, truyền thanh, truyền hình, mạng lưới điện toán… mang sức thuyết phục đại chúng, đào tạo nhân sự, rung cảm bằng chính nét văn hóa của một dân tộc, hợp với cảm quan của thời đại mới. Vì nếu thiếu quảng bá, thì dù sản phẩm có tốt mấy cũng bị nằm tại chỗ. Điều này đúng ở bên Tây cũng như bên Đông, ở Việt Nam cũng như ở Ấn Độ.

Khi có cơ hội cởi mở hơn, việc tái thiết cơ sở, xây lại nhà thờ thường dễ được để tâm lo lắng. Nhưng riết rồi có thể thành cái đà theo nhau, mà đánh mất dự kiến rộng hơn. Chẳng hạn như bên Ấn Độ, một cán bộ của một đảng chống Công giáo đã dám nói cho các linh mục như thế này:

“Theo tôi, các linh mục Ấn độ các ông chậm tiến ít nữa là 200 năm. Các ông mù tịt về tất cả các hệ thống tân thời để quảng bá tư tưởng. Các ông dùng tiền để xây cơ sở, còn chúng tôi dùng tiền để in sách và làm báo chí. Các ông mở trường và dạy con nít biết đọc biết viết, rồi các ông không cho chúng nó cái gì để đọc. Chúng tôi cho tất cả, từ những chữ viết trên tường tới báo chí, từ những sách lớn tới sách nhỏ thích hợp cho mỗi lứa tuổi và hoàn cảnh. Các ông có rất nhiều báo chí đạo đức, nhưng rất ít báo chí tư tưởng… Các ông lập các nhà in để kiếm tiền, chúng tôi lập nhà in để tuyên truyền. Các ông phân phát sữa bột cho dân nghèo, chúng tôi phân phát tư tưởng. Các ông bận tâm lo lắng nuôi cái bụng của dân, chúng tôi nuôi tâm trí. Các ông nói là tư tưởng hướng dẫn thế giới, nhưng các ông không quảng bá tư tưởng. Trong cuộc đọ sức tư tưởng các ông đã thua trên khắp thế giới và cả trên đất Ấn độ… Trên bình diện tư tưởng các ông đã bại trận vì chúng tôi tạo được dư luận, còn các ông thì bất lực. Các ông phải tiêu hơn ít nữa trăm lần cho báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, để in sách, quảng cáo, báo chí đủ loại, để giúp những ai muốn học và những ai có khả năng tạo dư luận. Lời khuyên của tôi đáng giá ngàn vàng. Và vì đã cho các ông lời khuyên này, tôi đáng bị loại khỏi đảng.”

Điều trên đúng tới cỡ nào cũng còn phải xét lại. Nhưng chắc chắn đây là cơ hội làm nhiều người suy nghĩ về tầm mức quan trọng dành cho những phương thức đào tạo và quảng bá. Chúng ta đã để bao nhiêu nỗ lực về tài chánh cũng như hậu thuẫn thành tổ chức cho những người cầm bút Công giáo? Chúng ta có định giá đúng mức sức mạnh của truyền thông như radio, Tivi, sách báo không? Chúng ta có nhiệt thành cổ võ những trại trồng người, những khóa tĩnh huấn đào tạo hạt nhân rất hiệu quả như đang thấy không?

NHỮNG KHÓA EPHATA

Hiện nay khóa Ephata dành cho tuổi biết yêu khoảng 15 đến 18, đang được đẩy mạnh ở nhiều cộng đoàn và đạt kết quả rất khả quan. Ephata có nghĩa là mở mắt ra, thấy được những chiều kích mới và giá trị mới mà mọi khi vẫn nhìn nhưng không thấy. Tại vùng New Orleans mỗi năm có khoảng 3 hay 4 khóa. Đây là một khóa tĩnh huấn đúng nghĩa chứ không phải chỉ là một trại hè, con số nhận vào rất giới hạn, nhằm đào tạo những hạt nhân, người trẻ hoạt động với người trẻ và cho người trẻ.

Cũng trong Đại Hội Giáo Lý kỳ V trên, tôi có dịp điều hợp một buổi hội thảo về “thực hiện một khóa tĩnh huấn cho tuổi biết yêu.”  Góp phần tích cực trong buổi hội thảo là một số em đã từng tham dự khóa Ephata nói lên những cảm nghiệm và hiệu quả vào đời sống của các em như thế nào, và một số các anh chị lớn chia sẻ cảm nghĩ đã từng phục vụ khóa.

Qua những kinh nghiệm và kết quả của những trại hè hay những khóa huấn luyện, ai cũng nhận ra rằng tạo được dịp để trồng người là một thách đố một mất một còn chứ không phải là những bàn luận lòng thòng. Từ những người trẻ tham dự sẽ tự nhiên còn lại một số mầm tụ thành nhóm hạt nhân có sức lan tỏa.

Không ngờ đây chính là phương thức của người Do Thái qua mấy đợt hồi phục tinh thần. Từ đất lưu đầy Babylon hoang tàn rời rã thất vọng buông xuôi, một nhóm nhỏ của thế hệ trẻ là Isaia đã thành hình, vẫn thường được gọi là nhóm Do Thái Sót Lại (Remnant of Israel). Chính nhóm này là linh hồn của cuộc phục hưng đất nước, gom lại và học tập về những nét văn hóa gốc của dân mình, và hình thành một kế hoạch thực hiện qua bộ kinh Do Thái, tức Cựu Ước.

Năm 70, nước Do Thái bị san bình địa, người do Thái bị phát lưu lang bạt trên khắp thế giới. Cả gần 2000 năm trôi dạt mà rồi họ lại có cơ hội phục hồi tái lập quốc vào năm 1948, cũng do một nhóm nhỏ khai mào phong trào Sion của Herzl tại Basel bên Âu Châu.

TIN VUI ĐƯỢC ĂN NO NÊ

Chúa Giêsu cũng bắt đầu bằng phương thức trồng hạt nhân là chỉ chọn 12 môn đệ thôi. Đứng trước một biển người quá đông đã thấm đói và khát vì suốt một ngày phơi nắng nơi vùng đồng quê hẻo lánh mà trời lại sắp tối nữa, các môn đệ đã “bàn” rất hợp lý với Đức Giêsu rằng thôi thì giải tán họ để họ đi mua thức ăn. Nhưng Chúa Giêsu đã bảo họ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính chúng con hãy cho họ ăn đi.” (Mt 14:16)

Trời đất ơi, bằng ấy ngàn người thì đào đâu ra thức ăn?! “Ở đây chúng con chỉ vỏn vẹn có năm cái bánh và hai con cá!” (Mt 14:17). Ấy thế mà khi đã đưa cho Chúa rồi thì “ai nấy đều ăn no nê” (Mt 14:20)

Phép lạ phục sinh Do Thái do một nhóm nhỏ. Phép lạ nuôi trên chục ngàn người khởi đầu bằng năm cái bánh và hai con cá, cũng là những cái nhỏ. Nhưng lại chính là nút điện bật tới cái lớn là bàn tay Chúa. Vào buổi xế chiều của một thiên kỷ, cả biển người cũng không biết kiếm đâu để ăn cho đỡ đói khát tinh thần! Những chương trình qui mô như tàu Titanic, những thần tượng vĩ đại của các chủ nghĩa đỉnh cao, những bon chen miệt mài cho lợi tức tăng vụt… tất cả đã đụng đá ngầm thê thảm. Chả lẽ mình cũng chỉ biết ngồi bàn luận suông hay than trách?!

PHÚT KHỞI ĐẦU MỘT PHÉP LẠ

Tôi cứ thích kiểu bắt đầu từ một việc nhỏ của Mẹ Têrêsa ở Calcutta. Có lần một nhà báo hỏi Mẹ có kế hoạch gì để cứu đói thế giới, thì Mẹ trả lời: “Tôi chẳng có kế hoạch nào cả. Tôi chỉ biết trước mặt tôi đây một người đang sắp chết thì tôi đến cứu. Cứ thế, từng người một. Nhưng tôi hỏi thật ông: trong túi ông đang có mấy đồng? Nếu ông có một đồng bánh mà ông bằng lòng bẻ đôi cho người đói một nửa thì nạn đói thế giới bắt đầu được giải quyết.”

Vậy là phép lạ đã xẩy ra. Phép lạ chỉ bắt đầu với nửa đồng bánh từ mỗi người, ngay hôm nay. Đã hết thời than trách rồi. Một góp phần nhỏ bé cấy nhân vào một ca đoàn, vào một chương trình giáo dục. Phép lạ chỉ bắt đầu với việc hỗ trợ cụ thể chương trình phát thanh địa phương, tạo ra một tủ sách gia đình, sắm dần những sách báo phim ảnh về giáo dục cũng như văn hóa, chứ không phải chỉ lo những loại giải trí tầm phào xến xẩu làm cho nhà mình xuống cấp. Phép lạ cho mọi người trong nhà được no nê tinh thần phải bắt đầu từ chính mình: Chính chúng con hãy cho họ ăn đi. Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng do mọi lời Chúa phán ra. Ở đây có bánh trường sinh, tại sao cứ mải miết tìm ở chỗ nào?

Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau