Enneagram, phương pháp 9 số – Thời điểm mền ghép.

Mỗi người mỗi tính, không ai giống ai, ngay cả anh em trong nhà. Từ xưa đã có nhiều nghiên cứu về tính tình học: người thiên về gan thì phản ứng chậm; người thiên về máu thì vồn vã dễ tính… Tâm lý Âu Mỹ bây giờ thì có những trắc nghiệm như của Karl Jung, Briggs Myers: có người hướng nội, người hướng ngoại, người thiên về đầu, người thiên về tim v.v. Bên Á đông thì dựa vào năm sinh mà so sánh với những nét giông giống nơi một con vật cầm tinh. Vì thế mà có người hạp tính, có người tự nhiên dễ xung khắc như tuổi con chó với tuổi con mèo; tuổi nào lấy tuổi nào thì tình duyên bền chặt v.v. Đúng tới cỡ nào thì cũng còn tùy số tiền bỏ ra cho người xem tướng.

LƯƠN NGẮN LẠI CHÊ TRẠCH DÀI

Hiện nay Enneagram, tức là Phương Pháp Chín Số, khá thịnh hành và hiệu nghiệm. Enneagram đã được một số nhà truyền giáo sang vùng cận đông học hỏi và đưa về Mỹ phổ biến khá sâu rộng, nhất là trong ngành học về tu đức và linh hướng. Đó là một phương pháp bí truyền của các sư phụ Sufi dùng để huấn luyện môn sinh. Enneagram nhằm đào sâu vào mặc cảm con người, rất gần với khoa tâm lý miền sâu ngày nay, nhưng đã được hệ thống hóa một cách đơn giản để áp dụng thực hành ngay được. Một trong những khía cạnh hấp dẫn của Enneagram là cho thấy rõ mỗi người có một chiều hướng khổ nằm mãi tận trong mạch máu. Đó là một động lực tiềm ẩn đun đẩy trong suốt cuộc đời; mọi hành vi ngôn ngữ đều do động lực này điểu khiển một cách vô thức. Một người hay chê bai chỉ trích là vì bên trong có nhiều cái không bằng lòng với chính mình, nên phóng rọi những bóng đen đó ra ngoài, phản ảnh nơi người khác, như ca dao Việt đã tài tình diễn tả:

Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

Một người hay khoe khoang là vì trong thâm tâm có mặc cảm mất mát hụt hẫng. Một người luôn tỏ ra hung hãn ăn thua đủ với mọi người là vì  đời sống đã ăn quá nhiều đòn, giống như kiểu vết thù hằn trên lưng ngựa hoang. Karl Jung đã từng phân tích tâm lý như vậy. Các nỗi khổ được xếp loại tùy theo mỗi tính.

Người mang số 1: trong máu có chất luôn đòi hỏi mọi sự phải hoàn hảo nên sinh ra nỗi khổ triền miên, là vì cuộc sống nào cũng đầy bất toàn, người chung quanh nhiều khuyết điểm, chẳng gì và chẳng ai làm vừa ý cả. Riết rồi sinh bất mãn bực bội kinh niên.

Người mang số 3: rất ham thành công và biết cách làm cho mọi việc thành đạt. Nhưng khổ nỗi là cuộc sống có bao giờ lường trước được. Vụ tàu Titanic chìm năm 1912 đang được đóng lại thành phim nổi tiếng đã là một bằng chứng nói lên rằng dù có tính toán kỹ mấy cũng không sao tránh được đổ vỡ thất bại. Vậy cứ thất bại là khổ tâm thì nỗi khổ này cũng triền miên là cái chắc.

Người mang số 5: thì vành cạnh tìm bới cho ra ngóc ngách mọi đường tơ kẽ tóc ý nghĩa cuộc đời, luôn phải biết thêm, chứa thêm kiến thức. Khổ nỗi là càng vào rừng càng thấy như ca dao Việt đã bảo những người thích tìm ra manh mối, lo bò trắng răng:

Đố ai quét sạch lá rừng,
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Người mang số 6: là người sinh ra để mà sợ, nỗi sợ như tự thân. Muốn làm cho mọi người coi mình là ngon lành, nhưng thường phải than: “Khổ tôi quá. Đời đen bạc”. Vì

Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở chật người chê.

Người mang số 7: thích tìm nét vui tươi tích cực của cuộc đời, nhưng gặp khó một chút là lo chuồn lo lách một cách thật tội nghiệp. Nỗi khổ là sao đời lại là bể khổ đầy sâu bọ mà không là thửa vườn đầy hoa bướm tung tăng múa nhảy?! Đâu có ngờ không có sâu thì chẳng có bướm.

Người mang số 9: thì không hiểu tại sao đời lại phải giằng giật nhiều vậy, nên thích làm môn sinh Lão tử xuất thế mà nhìn đời nổi trôi:

Sông dài cuồn cuộn về đông
Sóng vùi gió dập anh hùng còn đâu

Nhưng khổ nỗi dòng đời nó cứ chảy hoài, cứ lôi mình đi xềnh xệch chứ có để mình ngồi yên mà nhìn đâu. Thành ra khổ quá. Cây muốn yên mà gió chẳng để cho yên.

TIN VUI GỬI NGƯỜI MUỐN GHÉP LẠI NHỮNG MẢNH ĐỜI

Người Amish ở vùng bắc nước Mỹ có một phong tục rất đặc sắc, đó là người đàn bà nào cũng biết khâu ghép mền. Con gái lớn lên là mẹ dạy cách khâu ghép mền. Gồm những miếng vải mầu sắc khác nhau, được cắt thành những ô vuông nhỏ, rồi khâu ghép với nhau từng chín miếng theo một chiều hướng sao cho coi được am hợp với nhau, mầu sắc đừng có “cãi” nhau. Rồi cứ từng những tấm chín miếng mà ghép lại thành một tấm mền lớn dùng để đắp cho ấm.

Lần đầu tiên mà thấy loại mền này trưng bày thì ai cũng tưởng là một bức tranh thời trang. Nhiều người thấy đẹp liền bắt chước ra chợ mua vải đủ mầu về cắt ra những miếng vuông rồi mới khâu ghép lại. Coi cũng được.

Thực ra người Amish không có ý ghép tranh như vậy. Mà đi mua vải mới về cắt ra thì lại càng tếu, mất hết ý nghĩa đạo lý. Họ chỉ lấy quần áo cũ thôi. Không bao giờ vất đi gì cả. Niềm tin của họ thành phong tục là tất cả những gì xem ra đã bỏ đều có thể trở thành hữu ích; những mầu sắc xem ra rời rạc và khác biệt, đều được xếp đặt theo một trật tự nào đó rất “ăn ý” với nhau, thành những tấm mền thật đẹp, trông như một bức tranh nghệ thuật.

Nhìn tấm mền ghép của người Amish do những ô 9 miếng với 9 màu khác nhau, là tự nhiên thấy phục dân này quá. Đúng là họ đã dung hóa được 9 loại tính khác nhau như phương pháp Enneagram phân tích. Họ đang thể hiện Tin Vui của Chúa Giêsu tuần này:

Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình… (Luca 6:27)

PHÚT TỊNH TÂM

Dân Amish đã đạt được một lối sống rất êm đềm hạnh phúc ngược hẳn với nếp sống náo loạn xô bồ của xã hội hiện nay. Họ thể hiện cái nhìn của họ về cuộc đời, tức là những nét văn hóa của dân họ, qua những phong tục cụ thể mà mọi người đều sống như vậy.

Họ đang ghép lại những mảnh đời, đang dung hóa được những người mình không ưa thích, thành bức tranh mầu sắc đi liền với nhau một cách tài tình.  Mỗi người có cái khác biệt, mỗi người có những nỗi khổ cần được thương cảm hơn là khai trừ đập đánh. Họ cũng đang bị động lực bên trong hành hạ và sai khiến, như Chúa Giêsu đã thấy: Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Hôm nay nhìn tấm mền khâu ghép của người Amish, con thấy thở phào sung sướng. Đúng là bức cầu vồng rồi, gồm đủ chua cay đắng ngọt. Dân này biết cách làm giầu và sống giầu có thật. Họ nhận được tất cả, biến chế tất cả thành những gì đẹp đẽ nhất.

Thần Lực Chúa là chất keo mầu nhiệm nối kết mọi xung khắc. Nghệ thuật sống đơn sơ có thế mà con không nghĩ ra, để rồi những mảnh đời của con cứ bị “thợ xây loại bỏ” hoài không sao chấp nhận được; để rồi những người chung quanh không sao chịu nổi, những chuyện xung khắc xẩy ra, như những mầu sắc trắng đen đỏ vàng cứ làm điên cái đầu khiến con chỉ tìm cách trốn chạy thôi. Chả lẽ con cứ để đời con bị xâu xé hoài?!

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Trích từ “Nhịp Múa Sông Thanh”

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau