ĐƯỢC BA GIỜ SUNG SƯỚNG

Trước khi chết, thi sĩ Byron đã nói với một người bạn thân rằng suốt đời mình chỉ được có ba giờ sung sướng.

Vậy mà nhà văn Mỹ là Henry David Thoreau thì lại thấy được sung sướng qua ngay cả tiếng dế kêu trong khu đất rừng có ao nước Walden của ông ở vùng Concord, Massachusetts: “Trong khu núi đá này, đâu cũng nghe thấy tiếng dế kêu. Tôi thích nghe một con vật kêu thôi. Nó gợi cho tôi một sự sáng suốt già giặn, vượt tất cả những tư tưởng thế tục; mà giữa mùa hè nóng nực, nó có cái mát mẻ của mùa thu. Nó nói với chim: “Các em như con nít, tùy cơn mà ríu rít… Còn ta đây, ta ru bốn mùa.

Các con dế ca như vậy triền miên ở dưới chân cỏ. Sáng suốt mà bình tĩnh. Tiếng ca của nó bình thản thảnh thơi. Nó không uống rượu mà uống sương. Nó tán tụng Thượng Đế, vĩnh viễn hưởng vui sướng nơi Thượng Đế. Nó đứng ra ngoài sự chuyển biến của bốn mùa. Tiếng ca của nó bất biến như chân lý”.

THỜI ĐIỂM WHITMAN GẶP LINH DƯỢC

Còn thi sĩ Walt Whitman thì qua “Những Lá Cỏ” (Leaves of Grass) đã cảm nhận niềm hạnh phúc thật giản đơn, không thể mua bán bằng tiền bạc được: “Trời trong sáng, không khí trong veo đầy dưỡng khí. Có bao nhiêu cái kỳ diệu lặng lẽ, lành mạnh, đẹp đẽ, bao bọc lấy tôi và làm cho tôi sung sướng: cây, nước, cỏ, mặt trời, và sương sớm… Nhưng cái làm cho tôi để ý nhất hôm nay là vòm trời. Trời có mầu xanh lam, trong trẻo, thanh nhã đặc biệt của mùa thu, và có những cụm mây lớn nhỏ trôi, cụm nào cũng trắng, lặng lẽ mà sảng khoái. Suốt buổi sáng (từ bảy giờ đến mười một giờ) trời vẫn giữ màu xanh trong và đậm đó. Nhưng gần trưa thì lợt bớt đi, hai ba giờ sau biến ra màu xám, rồi lợt hơn nữa cho tới lúc mặt trời lặn tôi mới thấy tia sáng chiếu qua kẽ lá một chùm cây cao, những tia đỏ như lửa trong một vùng rực rỡ vàng tươi; đỏ, đỏ đậm ở phía trên một làn rộng, rồi trắng như bạc chênh chếch trên mặt nước. Tất cả những cái đó từ bóng râm trong trẻo đến tia sáng màu sắc rực rỡ, hết thảy đều đẹp hơn tất cả những bức họa từ trước tới nay.

Tôi không hiểu vì sao và cách nào, nhưng tôi tưởng có lẽ là tại vòm trời hôm nay (hình như trước kia tôi chưa thực sự ngắm trời bao giờ cả, mặc dù ngày nào cũng nhìn trời) mà mùa thu này tôi hưởng được những giờ mãn nguyện lạ thường, có thể nói là hoàn toàn sung sướng nữa… Trong khi tôi ngồi trong rừng nhìn qua kẽ cây cảnh hoàng hôn rực rỡ này, tôi nghĩ tới Byron. Cả trong những lúc vui đẹp nhất, tôi cũng không bao giờ ghi chép cảm tưởng để viết ký sự, sợ làm tan mất cái thú đi. Tôi cứ sung sướng đắm say trong trạng thái xuất thần êm ái… Ôi! cái khoảng trong trẻo kia, giữa chỗ xanh xanh thăm thẳm của mi có thứ linh dược trị bệnh cho ta chăng? Trong ba năm nay, thân thể ta bị hủy hoại, tinh thần ta bị thác loạn. Và từ không trung, một cách thần bí, vi diệu, mi cho ta linh dược, nhỏ từng giọt, từng giọt xuống thân thể ta chăng?”

DẤU CHỈ LẬT NGƯỢC

Trong nền văn học Mỹ, Thoreau và Whitman đều là những viên ngọc quí, là những tiếng gióng lên từ những “thân thể ta bị hủy hoại, tinh thần ta bị thác loạn” của nền văn minh kỹ nghệ cố lết đi tìm hạnh phúc một cách tuyệt vọng, vì tách rời khỏi thiên nhiên, xa lìa khỏi miền hạnh phúc đơn thành mà Thượng Đế đã bày biện sẵn sàng qua trời đất vạn vật. Vậy mà sách của họ lúc đầu chẳng ai thèm mua, tư tưởng của họ ít người biết đến!

Bây giờ thì người Âu Mỹ thấm đòn rồi. Viện Nghiên Cứu Về Trào Lưu ở Rhinebeck, New York, cho thấy những chiều hướng thay đổi lớn trong xã hội Mỹ, mà tìm về lối sống giản đơn là một nét nổi.

Cứ xem một người phải tuân theo thứ lệnh vô hình bắt phải rướn theo đà đua đòi, phải làm thêm giờ tối tăm mặt mày mà trả góp mua thêm một cái xe mắc tiền cỡ Lexus, rồi lại phải tậu cái nhà có hồ tắm cho bằng thiên hạ. Lo bạc cả đầu, lo trắng cả mắt, nhất là vào thời hãng sở đe dọa cắt bớt nhân viên. Riết rồi cũng phải khám phá ra rằng sao mình lại mâu thuẫn đến thế, vì chẳng còn giờ mà hưởng thú nhàn tản cho mình và với gia đình.

Thống kê năm 1995 cho biết 30% người Mỹ đang cố gắng cắt bớt giờ làm việc ở sở, bằng lòng có ít lương đi để có thêm giờ cho gia đình. Cứ tưởng chỉ có một số tay mơ nghệ sĩ mới có thái độ đó, nhưng nay thì nhiều người cũng cảm thấy vậy.

Bà Elaine St. James đang là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất như “Làm Giản Đơn Đời Sống” (Simplify Your Life), Sống Đời Đơn Giản (Living the Simple Life) do chính kinh nghiệm đời bà. Trước đây, bà là một nhân viên địa ốc 12 năm, làm việc mỗi ngày 10 giờ, luôn phải đây đó để quảng bá nghề nghiệp. Bà cảm thấy cái lề lối sống ở xứ này thật lạ: từ ngày ra trường là lao đầu vào công việc, luôn luôn bận rộn, với hai vận tốc: làm sao để nhanh hơn và nhanh nhất. Cứ phải rướn theo vận tốc này từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Luôn có sẵn một chuỗi số điện thoại phải gọi, danh sách hàng loạt người phải tiếp xúc, những nơi phải đi tới, những việc phải làm…

Hè năm 1990 bà đã quyết định thay đổi hẳn lối sống: “Bỗng tôi thấy đời sống trở nên quá phiền phức, và tôi bắt đầu giản đơn đi. Chúng ta bị bủa vây quá mà không còn giờ, đôi khi không còn sức mà hưởng nữa. Và tệ hơn, chúng ta không còn giờ cho nhau, không còn giờ cho chính mình”.

Thế là Bà Elaine St.James đã thay đổi việc làm, tạo thêm khoảng trống cho mình và cho gia đình, cắt bớt những chi tiêu đua đòi, bán nhà rộng lớn đi để mua một ngôi nhà nhỏ hơn. Và bà đã làm chứng rằng sống như vậy thì thoải mái hạnh phúc hơn.

TIN VUI GỬI NGƯỜI DÁM BẮT ĐẦU LẠI

Theo đà nhịp sức ép của xã hội bắt phải luôn “giống ai” mà đua đòi đến căng thẳng, Byron đã thú nhận mình chỉ được sống có ba giờ sung sướng. Thì ra trên sáu trăm ngàn giờ khác trong đời, Byron chỉ là một tên nô bộc thật tội nghiệp đi lo phục vụ cho cái lệnh vô hình của xã hội, bắt phải thế này bắt phải thế kia cho hợp thời hợp mốt mà đánh mất chính mình.

Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã nói một câu xem ra rất mâu thuẫn như một thách thức để phản tỉnh. Ngài nhấn mạnh tới vai trò chứng nhân cho dấu chỉ lật ngược những gì mà đà trớn cũng như tiêu chuẩn mọi người đang theo. Dấu chỉ lật ngược này đúng là “gây chia rẽ” theo một nghĩa nào đó, là có sức thay đổi lối nhìn, lối nghĩ, lối sống của môi trường đang đà xuống dốc, có khi ngay cả trong nhà mình.

“Thầy đã đến để đem lửa xuống trần gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống cho thế gian ư? Thầy bảo thật các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba; cha chống đối con trai và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu và nàng dâu chống đối mẹ chồng” (Lc 12,49-53)

PHÚT TỊNH TÂM

Giữa lúc con người càng ngày càng phờ phạc hối hả chạy đi kiếm tìm hạnh phúc ở ngoài đường theo đà sức ép, Chúa Giêsu chỉ dạy: “Hãy nhìn xem chim trời… hãy chiêm ngưỡng một bông huệ ngoài đồng” mà khám phá ra cuộc đời đã quá giàu có rồi; Chúa trời đất đã vui lòng trao ban cho tất cả mà sao không biết giơ tay ra mà lãnh nhận và hưởng được niềm sung sướng đã luôn sẵn đó?! Lời của Chúa vẫn luôn là một thách thức để phản tỉnh, vì Ngài là “đá vấp ngã, nhưng cũng là đá cho người ta bước tới”(Lc 2,34).

Thoreau, Whitman đã là những dấu chỉ lật ngược, không dễ được nhìn thấy và chấp nhận nga, nhưng rất cần thiết để tìm lại nét cốt tủy cho con người sinh ra trên mặt đất này. Hạnh phúc giản đơn lắm. Chỉ cần để giờ lắng nghe và hưởng cái thú nghe tiếng dế kêu. Chỉ cần nhìn lên bầu trời với vẻ hút hồn. Từng cọng cỏ, từng lá cây, từng giọt sương mai… Tất cả đều là những kho tàng trân quí đang cần được khám phá. Đây đúng là thời điểm tạo lại được một lối sống giản đơn cho chính mình, với việc xếp đặt lại thời giờ, cách chi tiêu và nhu cầu tinh thần. Chả lẽ cứ để đà cuốn kéo mình đi xềnh xệch như kiểu “Ngựa Hồng” trong Rong Khúc Hát Cho Năm 2000 của Phạm Duy?

Ngựa dù hôm nay đeo yên gấm vóc
Hay đưa xe loan cũng là kiếp nô.
Kiệu vàng trên lưng, nhưng đôi mắt đã che ngang
Bơ vơ trên đường nhấp nhô.

Trích “Nhịp Múa Sông Thanh” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Bài trước Bài sau