ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Các yếu tố của biện phân: Lòng ước muốn

This entry is part 10 of 13 in the series Loạt Bài Giáo Lý Về Biện Phân

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 12 tháng 10 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Sự Biện phân
Bài 5. Các yếu tố của biện phân: Lòng ước muốn

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong các bài giáo lý về sự biện phân này, chúng ta đang xem xét các yếu tố của sự biện phân. Sau việc cầu nguyện, một yếu tố, và việc biết mình, một yếu tố khác, nghĩa là cầu nguyện và biết mình, hôm nay tôi muốn nói về một điều không thể thiếu khác, có thể nói là “thành tố”: hôm nay tôi muốn nói về lòng ước muốn. Thực thế, biện phân là một hình thức tìm kiếm, và việc tìm kiếm luôn bắt nguồn từ một điều chúng ta thiếu nhưng cách nào đó chúng ta biết, chúng ta trực giác thấy.

Đây là loại kiến thức gì? Các bậc thầy tâm linh gọi nó bằng thuật ngữ “lòng ước muốn”, một điều tận gốc rễ của nó vốn là nỗi luyến nhớ sự sung mãn không bao giờ được nên trọn, và đó chính là dấu hiệu Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta. Lòng ước muốn không phải là khao khát nhất thời, không phải vậy. Chữ tiếng Ý, desiderio, xuất phát từ một thuật ngữ tiếng Latinh rất đẹp, thoạt nghe rất lạ: de-sidus, nghĩa đen là “thiếu ngôi sao”. Lòng ước muốn là thiếu sao bắc đẩu, thiếu điểm quy chiếu định hướng đường đời; nó gợi lên sự đau khổ, thiếu thốn, đồng thời là sự căng thẳng để vươn tới những điều tốt đẹp mà chúng ta bỏ lỡ. Như thế, lòng ước muốn là chiếc la bàn để hiểu tôi đang ở đâu và tôi đang đi đâu, hay đúng hơn nó là chiếc la bàn để hiểu tôi có đứng yên hay tôi đang di chuyển; một người không bao giờ ước muốn là một người tĩnh tụ, có lẽ mắc bệnh, gần như chết. Nó là chiếc la bàn để biết tôi đang di chuyển hay tôi đang đứng yên. Và làm thế nào để có thể nhận ra nó?

Chúng ta hãy nghĩ xem sao, một ước muốn chân thành biết cách đánh đúng những sợi dây đàn sâu thẳm của con người chúng ta, đó là lý do tại sao nó không bị dập tắt khi đối diện với các khó khăn hoặc thất bại. Nó giống như khi chúng ta khát: nếu chúng ta không tìm được thứ gì để uống, chúng ta không bỏ cuộc; trái lại, khao khát ngày càng chiếm trọn suy nghĩ và hành động của chúng ta gần như thể bị ám ảnh, cho đến khi chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để hết khát. Những trở ngại và thất bại không làm thui chột lòng ước muốn, không; trái lại, chúng càng làm cho nó sống động hơn trong chúng ta.

Không giống như ham muốn hay cảm xúc nhất thời, lòng ước muốn tồn tại qua thời gian, thậm chí rất lâu và có xu hướng hiện thực hóa. Thí dụ, nếu một người trẻ muốn trở thành một bác sĩ, họ sẽ phải bắt tay vào một quá trình học tập và làm việc nhiều năm trong cuộc đời của họ, và do đó sẽ phải đặt ra các giới hạn, tạm nói là “không” đi, phải nói “không”, trước tiên đối với các khóa học khác, nhưng cũng có thể đối với những chuyển hướng và phân tâm có thể xảy ra, đặc biệt trong những giai đoạn học tập căng thẳng nhất. Tuy nhiên, lòng ước muốn đem lại cho đời sống một định hướng và đạt được mục tiêu đó – trở thành một bác sĩ chẳng hạn – sẽ giúp họ vượt qua các khó khăn này. Lòng ước muốn làm cho anh chị em mạnh mẽ, nó làm cho anh chị em can đảm, nó khiến anh chị em tiếp tục tiến về phía trước, bởi vì anh chị em muốn đạt được điều đó: “Tôi ước muốn điều đó”.

Thực thế, một giá trị trở nên đẹp và dễ đạt được hơn khi nó hấp dẫn. Như một ai đó đã nói, “điều quan trọng hơn sống tốt là có lòng ước muốn trở nên tốt”. Trở nên tốt là một điều gì đó hấp dẫn, tất cả chúng ta đều muốn sống tốt, nhưng liệu chúng ta có mong muốn trở nên tốt không?

Điều đáng chú ý là trước khi thực hiện một phép lạ, Chúa Giêsu thường hỏi người đó về lòng ước muốn của họ: “Con có muốn được chữa lành không?”. Và có lúc câu hỏi này có vẻ lạc lõng, rõ ràng là người ta đang mắc bệnh mà! Chẳng hạn, khi gặp người bại liệt trong hồ tắm ở Bethesda, người đã ở đó nhiều năm và không bao giờ nắm được thời điểm thích hợp để xuống nước, Chúa Giêsu hỏi anh ta: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5: 6). Hỏi chi lạ? Trên thực tế, câu trả lời của người bại liệt cho thấy một loạt các kháng cự kỳ lạ đối với việc chữa bệnh, những đối kháng không chỉ liên quan đến anh ta. Câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi làm sáng tỏ tâm hồn anh ta, chào đón một bước nhảy vọt có thể có: không còn coi bản thân và mạng sống của mình “như một kẻ bại liệt”, được người khác vận chuyển. Nhưng người đàn ông trên giường dường như không tin vào điều này cho lắm. Bằng cách tham gia đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu điều chúng ta thực sự ước muốn từ đời sống. Người bại liệt này là thí dụ điển hình của những người nói “Vâng, vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn”, nhưng sau đó “Tôi không muốn, tôi không muốn, tôi không muốn, tôi sẽ không làm bất cứ điều gì”. Muốn làm điều gì đó giống như một ảo tưởng và người ta không thực hiện bất cứ biện pháp nào để làm nó. Những người này quả vừa muốn vừa không muốn. Điều này tệ hại, và người đàn ông mắc bệnh đó, đã ở đó ba mươi tám năm, nhưng luôn luôn càu nhàu; “Không, lạy Chúa, Chúa biết đấy, nhưng Chúa biết đấy khi nước khuấy động – nghĩa là thời điểm của phép lạ – Chúa biết đấy, một ai đó mạnh hơn tôi đã tiến tới, họ nhẩy xuống, và tôi đến đó quá muộn”, anh ta cứ thế phàn nàn và than thở. Nhưng anh chị em hãy cẩn thận, bởi vì những lời phàn nàn là một liều thuốc độc, một chất độc cho linh hồn, một chất độc cho đời sống, bởi vì chúng ngăn cản lòng ước muốn tiếp tục lớn mạnh. Anh chị em hãy cẩn thận với những lời phàn nàn. Khi chúng ta phàn nàn trong gia đình, các cặp vợ chồng phàn nàn, người này phàn nàn về người kia, con cái phàn nàn về cha của chúng, linh mục phàn nàn về giám mục, hoặc giám mục phàn nàn về nhiều điều khác… Không, nếu thấy mình cằn nhằn, anh chị em hãy coi chừng, đó gần như là một tội lỗi, bởi vì nó ngăn chặn lòng ước muốn lớn mạnh.

Thường thì quả thực chính lòng ước muốn tạo nên sự khác biệt giữa một dự án thành công, mạch lạc và lâu dài, với hàng ngàn mong muốn và ý định tốt, như người ta nói, “địa ngục được lát bằng” những lời như: “Vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn… ”, Nhưng anh chị em không làm gì cả. Thời đại mà chúng ta đang sống dường như cổ vũ quyền tự do lựa chọn tối đa, nhưng đồng thời nó cũng làm hao mòn lòng ước muốn, anh chị em muốn được thỏa mãn liên tục, điều này hầu hết chỉ còn là lòng ham muốn nhất thời. Và chúng ta phải cẩn thận để không làm hao mòn lòng ước muốn. Chúng ta bị tấn công bởi hàng nghìn đề xuất, dự án, khả thể có nguy cơ khiến chúng ta mất tập trung và không cho phép chúng ta bình tĩnh đánh giá những gì chúng ta thực sự ước muốn. Rất nhiều lần, rất nhiều lần, chúng ta thấy những người, anh chị em hãy nghĩ tới những người trẻ tuổi chẳng hạn, với chiếc điện thoại trên tay, nhìn vào nó… “Nhưng bạn có dừng lại để suy nghĩ không?” – “Không”. Luôn luôn hướng ra bên ngoài, hướng tới những điều khác. Lòng ước muốn không thể phát triển theo cách này, anh chị em sống trong khoảnh khắc, thỏa mãn trong khoảnh khắc, và lòng ước muốn không lớn lên nổi.

Nhiều người đau khổ vì họ không biết họ muốn gì từ cuộc sống của mình, nhiều lắm; có lẽ họ chưa bao giờ tiếp xúc với lòng ước muốn sâu sắc nhất của họ, họ chưa bao giờ biết: “Bạn muốn gì từ cuộc sống của mình?” – “Tôi không biết”. Do đó, rủi ro sống qua sự hiện hữu của mình giữa những mưu toan và mưu chước nhiều loại khác nhau, không bao giờ đi đến đâu và lãng phí những cơ hội quý giá. Và do đó, một vài thay đổi, mặc dù được mong muốn trên lý thuyết, nhưng khi cơ hội xuất hiện không bao giờ được thực hiện, thiếu lòng ước muốn mạnh mẽ để theo đuổi một điều gì đó.

Chẳng hạn, nếu hôm nay Chúa hỏi bất cứ ai trong chúng ta, câu hỏi mà Người đã hỏi người mù ở Giêricô: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10:51) – chúng ta hãy nghĩ rằng hôm nay Chúa hỏi mỗi người chúng ta điều này: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” – chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ cuối cùng chúng ta cũng có thể cầu xin Người giúp chúng ta biết được ước muốn sâu xa nhất của mình, mà chính Chúa đã đặt trong lòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin cho con biết những ước muốn của con, xin cho con trở thành một người phụ nữ, một người đàn ông có nhiều ước muốn”; có lẽ Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để biến điều đó thành sự thật. Đó là một ân sủng bao la, là nền tảng của tất cả những ân sủng khác: như trong Tin Mừng, để Chúa làm phép lạ cho chúng ta: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng ước muốn và làm cho nó lớn lên”.

Bởi vì Người cũng có một lòng ước muốn lớn đối với chúng ta: làm cho chúng ta chia sẻ cuộc sống viên mãn của Người. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/

Series Navigation<< ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tại sao chúng ta phiền muộn?ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Biện phân, trường hợp điển hình: Thánh Inhaxiô Thành Loyola >>

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau