ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Bước đi theo Thần Khí
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TIẾP KIẾN CHUNG
Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 3 tháng 11 năm 2021
____________________________
Bài Giáo lý về Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát:
14. Bước đi theo Thần Khí
Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!
Trong đoạn Thư gửi tín hữu Galát mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu hãy bước đi theo Thần Khí (x. Gl 5,16-25), đó là một phong cách: bước đi theo Thần Khí. Thật vậy, tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là đi theo Người, đi sau Người trên con đường của Người, giống như các môn đệ đầu tiên đã làm. Và đồng thời, nó có nghĩa là tránh theo cách ngược lại, cách của chủ nghĩa vị kỷ, tìm kiếm lợi ích của chính mình, mà Thánh Tông đồ gọi là “ham muốn của xác thịt” (câu 16). Chúa Thánh Thần là người hướng dẫn cho cuộc hành trình này theo con đường của Chúa Kitô, một cuộc hành trình kỳ diệu nhưng đầy khó khăn bắt đầu trong Bí tích Rửa tội và kéo dài suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ về nó như một chuyến du ngoạn dài ngày trên những đỉnh núi cao: ngoạn mục, đích đến hấp dẫn, nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự ngoan cường.
Hình ảnh trên có thể hữu ích để hiểu giá trị của các lời lẽ của Thánh Tông đồ “bước đi theo Thần Khí”, “để mình được Người hướng dẫn”. Chúng là những biểu thức chỉ một hành động, một chuyển động, một sự năng động ngăn cản chúng ta dừng lại ở những khó khăn đầu tiên, nhưng khơi gợi niềm tin vào “sức mạnh phát xuất từ trên cao” (Shepherd of Hermas, 43, 21). Bước đi theo con đường này, Kitô hữu có được một tầm nhìn tích cực về cuộc sống. Điều này không có nghĩa là cái ác hiện diện trên thế giới biến đi, hay những xung lực tiêu cực của chủ nghĩa vị kỷ và lòng kiêu hãnh của chúng ta giảm đi. Đúng hơn, nó có nghĩa là niềm tin vào Thiên Chúa luôn mạnh hơn sự phản kháng của chúng ta và lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Và điều này rất quan trọng: luôn luôn tin rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn. Vĩ đại hơn sự kháng cự của chúng ta, vĩ đại hơn tội lỗi của chúng ta.
Khi khuyến khích người Galát đi theo con đường này, Thánh Tông đồ đặt mình ngang hàng với họ. Ngài bỏ động từ mệnh lệnh – “hãy bước đi” (câu 16) – và dùng chữ “chúng ta” theo lối xác định: “chúng ta hãy bước đi theo Chúa Thánh Thần” (câu 25). Điều đó có nghĩa là: chúng ta hãy bước theo cùng một con đường và chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là một lời hô hào, một cách hô hào. Thánh Phaolô cảm thấy lời hô hào này cũng cần thiết cho chính ngài nữa. Dù biết rằng Chúa Kitô đang sống trong ngài (xem 2:20), nhưng ngài cũng tin chắc rằng ngài vẫn chưa đạt được mục tiêu là đỉnh núi (xem Pl 3:12). Thánh Tông đồ không đặt ngài lên trên cộng đồng của ngài. Ngài không nói: “Tôi là người lãnh đạo; anh chị em là những người khác; tôi đã từ trên núi cao xuống còn anh chị em thì đang trên đường đi tới đó”. Ngài không nói điều này, nhưng đặt mình vào giữa cuộc hành trình mà mọi người đang đi để làm gương cụ thể về mức độ cần thiết phải vâng lời Thiên Chúa, tương ứng ngày càng tốt hơn với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Và quả thật đẹp biết bao khi chúng ta tìm thấy những mục tử chịu hành trình với giáo dân của họ, những người không biết mệt mỏi – “Không, tôi quan trọng hơn, tôi là một mục tử. Anh chị em là… ”,“ Tôi là một linh mục ”,“ Tôi là một giám mục ”, với những cái mũi hểnh lên không khí. Không: các mục tử hành trình với dân chúng. Điều này rất đẹp. Nó làm cho linh hồn nên tốt lành.
Việc “bước đi theo Thần Khí” này không chỉ là một nhiệm vụ cá nhân: nó cũng liên quan đến cộng đồng nói chung. Thực thế, việc xây dựng cộng đồng theo cách được Thánh Tông đồ chỉ ra quả là một điều thú vị, nhưng cũng đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Chúng ta có thể nói “những ham muốn của xác thịt”, “những cám dỗ” mà tất cả chúng ta đều có – nghĩa là, những ghen tị, thành kiến, đạo đức giả và sự thù ghét của chúng ta cứ tiếp tục làm cho chúng được cảm thấy – và phải nhờ đến một bộ giới luật cứng ngắc, tất cả đều có thể là một cám dỗ dễ dàng. Nhưng làm điều này có nghĩa là đi lạc khỏi con đường tự do, và thay vì leo lên đỉnh cao, nó có nghĩa là quay trở lại phía dưới. Trước hết, hành trình theo con đường của Thần Khí đòi hỏi phải dành chỗ cho ân sủng và đức ái. Là dành chỗ cho ân sủng của Thiên Chúa. Đừng sợ. Sau khi đã làm cho tiếng nói của ngài được lắng nghe một cách nghiêm khắc, Thánh Phaolô mời tín hữu Galát chịu đựng khó khăn của nhau, và nếu ai đó phạm sai lầm, hãy sử dụng sự dịu dàng (xem 5:22) mà đối xử với họ. Chúng ta hãy lắng nghe các lời lẽ của ngài: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy, như vậy là anh em chu toàn luật Chúa Kitô; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, và như thế chu toàn lề luật của Chúa Kitô” (6: 1-2). Khá khác so với lời tán dóc, ngồi lê đôi mách, như khi chúng ta thấy điều gì đó và chúng ta nói sau lưng mọi người về nó, đúng không? Bàn tán về người hàng xóm của chúng ta. Không, đấy không phải là theo Thần Khí. Theo Thần Khí là phải dịu dàng với anh chị em khi chỉnh sửa họ và giữ gìn bản thân để đừng rơi vào những tội lỗi đó, nghĩa là phải khiêm nhường.
Trên thực tế, khi bị cám dỗ muốn đánh giá không tốt về người khác, như vẫn diễn ra, chúng ta phải suy nghĩ lại về điểm yếu của chính mình. Chỉ trích người khác dễ dàng xiết bao! Nhưng có những người dường như thích nói những câu chuyện bàn tán. Ngày nào họ cũng chỉ trích người khác. Hãy nhìn lại chính mình! Thật tốt khi tự hỏi điều gì thúc đẩy chúng ta chỉnh sửa anh / chị / em, và há chúng ta không phải là người cùng chịu trách nhiệm về các lỗi lầm của họ đó sao. Ngoài việc ban cho chúng ta ơn dịu dàng, Chúa Thánh Thần còn mời gọi chúng ta liên đới với nhau, mang gánh nặng của người khác. Đời người có bao nhiêu gánh nặng: bệnh tật, thiếu việc làm, cô đơn, đau đớn…! Và biết bao thử thách khác đòi hỏi sự gần gũi và yêu thương của anh chị em chúng ta! Những lời của Thánh Augustinô khi bình luận về đoạn văn này cũng có thể hữu ích cho chúng ta: “Vì vậy, thưa anh chị em, bất cứ khi nào ai đó mắc phải một lỗi nào đó, […] hãy chỉnh sửa người ấy theo cách này, diụ dàng, dịu dàng. Và nếu anh chị em la mắng, hãy có tình yêu thương bên trong đó. Nếu anh chị em khích lệ, nếu anh chị em tỏ mình như một người cha, nếu anh chị em khiển trách, nếu anh chị em nghiêm khắc, hãy yêu thương” (Diễn Văn 163 / B 3). Hãy luôn luôn yêu thương. Quy tắc tối cao liên quan đến việc chỉnh sửa bằng tình huynh đệ là tình yêu thương: muốn điều tốt lành cho anh chị em của chúng ta. Cũng cần nhiều thời gian để bao dung những vấn đề của người khác, những thiếu sót của người khác trong im lặng cầu nguyện, để tìm ra cách thích hợp giúp họ sửa chữa bản thân. Và điều này không hề dễ dàng. Con đường dễ dàng nhất là bàn tán hành tỏi. Nói sau lưng người khác như thể tôi là người hoàn hảo. Và điều đó ta không nên làm. Phải dịu dàng. Kiên nhẫn. Cầu nguyện. Gần gũi.
Chúng ta hãy bước đi với niềm vui và sự kiên nhẫn trên con đường này, để chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cảm ơn anh chị em.
Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: vietcatholicnews.org
_____________________________________________
Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến: Trong bài giáo lý của chúng ta về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, giờ đây chúng ta chuyển sang lời khuyên của Thánh Tông đồ là “sống nhờ Thần Khí”. Phaolô dùng hình ảnh “bước đi” để mô tả hành trình làm môn đệ của Kitô hữu (Gl 5,16). Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trên con đường nên thánh; Phaolô dạy chúng ta kiên trì trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được trong Đấng Kitô và từ chối “những ham muốn của xác thịt” trái ngược với nó (Gl 5,16). Phaolô nói rõ rằng hành trình trở thành môn đệ, bắt đầu từ phép rửa, là đòi hỏi; nó đòi hỏi sự đấu tranh không ngừng, không chỉ trong cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta, mà còn trong cuộc sống của cộng đồng. Chỉ nhờ ân sủng và lòng bác ái là quà tặng của Chúa Thánh Thần, chúng ta mới có thể chiến thắng những cám dỗ luôn luôn hiện hữu như giận dữ, đố kỵ và ích kỷ. Theo nghĩa này, Phaolô khuyến khích chúng ta “hãy gánh lấy nhau” (Gl 6, 2), nhẹ nhàng sửa chữa những ai lầm đường lạc lối và thương xót những ai đang đau khổ. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng được xác nhận trong nỗ lực của chúng ta để sống bởi Thần Khí và hành động cách xứng đáng với sự kêu gọi mà chúng ta đã nhận được trong Đấng Kitô.